Đã ấm dần
Thị trường TPDN sau một năm 2022 và quý đầu năm 2023 dường như “đóng băng” thì trong 3 quý cuối năm 2023 đã khởi sắc. Theo nhiều chuyên gia, chủ yếu là nhờ Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023 gỡ vướng cho thị trường với cơ chế giãn, hoãn nợ TPDN và cơ chế cho hoán đổi TPDN sang bất động sản… đã giúp doanh nghiệp phát hành “dễ thở” hơn.
Chưa hết, theo Bộ Tài chính, nhờ Nghị định 08/2023 mà nhiều doanh nghiệp đã huy động được hàng ngàn tỷ đồng vốn cho sản xuất kinh doanh. Đáng nói, không ít doanh nghiệp bất động sản cũng đã huy động TPDN thành công trong năm qua như: Công ty Capitaland Tower, Công ty Đầu tư và kinh doanh phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam, Công ty Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên…
Số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 312.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành phát hành cao nhất với hơn 176.000 tỷ đồng (chiếm 56,5% tổng giá trị phát hành), tiếp đến là nhóm bất động sản khoảng 73.200 tỷ đồng (chiếm 23,5%). Mặc dù số lượng TPDN phát hành thành công trong năm 2023 còn xa mức đỉnh gần 790.000 tỷ đồng thời điểm trước dịch Covid-19 vào năm 2021, nhưng đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường TPDN đang dần phục hồi.
Bên cạnh việc phát hành tăng, các doanh nghiệp cũng đã tăng cường mua lại TPDN trước hạn. Tổng giá trị TPDN được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong năm 2023 lập kỷ lục mới, đạt 248.564 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2022. Giá trị TPDN được mua lại bằng hơn 76% giá trị phát hành.
Mặc dù ngân hàng là nhóm ngành mua lại TPDN cao nhất với gần 129.000 tỷ đồng (chiếm 51,6% tổng giá trị mua lại trước hạn). Tuy nhiên, thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, trong năm 2023, có 35 công ty bất động sản đã xóa sạch nợ TPDN, chủ yếu mua lại trước hạn với tổng số tiền thanh toán cho các trái chủ hơn 20.000 tỷ đồng.
Thêm điểm sáng của thị trường TPDN năm 2023 là Chính phủ đã đưa vào vận hành sàn giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung. Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, đã có khoảng 760 mã TPDN của khoảng 200 tổ chức phát hành được đưa lên “chợ” TPDN riêng lẻ, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường khoảng 20-30 lần so với trước đây.
Thách thức và cơ hội
Hoạt động mua lại TPDN có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư, tuy nhiên, áp lực đối với thị trường TPDN vẫn còn lớn. Theo VBMA, năm 2024, ước tính sẽ có gần 278.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn. Trong đó, 41% giá trị TPDN sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 114.000 tỷ đồng, tiếp đến là nhóm ngân hàng với gần 55.000 tỷ đồng, chiếm 20%. Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đánh giá, khả năng trả nợ của phần lớn doanh nghiệp bất động sản suy giảm vì dùng đòn bẩy tài chính cao và dòng tiền bán hàng yếu.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2024, Nghị định 65/2022 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và quốc tế được triển khai đầy đủ sau một thời gian giãn, hoãn một số quy định theo Nghị định 08/2023.
Theo đó, những tổ chức phát hành bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm xem đủ điều kiện phát hành TPDN hay không; cá nhân đầu tư TPDN phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp; giảm thời gian phân phối TPDN của từng đợt phát hành… khiến thị trường e ngại TPDN khó khăn trở lại, đặc biệt là TPDN bất động sản vì thị trường này vẫn chưa thể phục hồi ngay. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, mặc dù sẽ có thách thức nhưng qua sàng lọc, thị trường TPDN năm 2024 đang mở ra cơ hội cho chính nhà đầu tư cũng như các tổ chức phát hành uy tín.
Theo TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc trở lại thực hiện Nghị định 65/2022 có thể sẽ gây áp lực nhất định cho doanh nghiệp phát hành nhưng cần thiết vì sẽ tốt hơn cho thị trường TPDN về lâu dài: công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, kỳ vọng sẽ xử lý được vấn đề sở hữu chéo, qua đó củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư TPDN bất động sản.
Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, bên cạnh thách thức, thị trường TPDN năm 2024 vẫn có những điểm mạnh và thuận lợi. Đó là nền tảng vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế 2024 được dự báo cao hơn 2023 với mục tiêu đặt ra là 6,5% cũng tác động tâm lý khá tốt cho thị trường.
“Thêm thuận lợi nữa là trong năm 2024, lãi suất ở các nước, đặc biệt là Mỹ và châu Âu có xu hướng giảm thì dòng vốn sẽ hướng tới các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Từ đó, sẽ hỗ trợ cho thị trường vốn trong nước. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất trong nước thấp cũng sẽ tạo sự khác biệt về mặt lợi suất đầu tư, giúp kênh đầu tư TPDN hấp dẫn trở lại trong năm 2024”, TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá.
Bộ Tài chính cũng cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với những chuyển biến tích cực của thị trường TPDN trong năm 2023, cho thấy các giải pháp đồng bộ thời gian qua đã giúp ổn định lại thị trường, tăng niềm tin cho nhà đầu tư. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường TPDN công khai, minh bạch, an toàn, bền vững, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả của thị trường tài chính.
Chuyên gia Tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating:
Thị trường TPDN Việt Nam sẽ phát triển theo hướng kỷ luật và chặt chẽ hơn, từ đó giúp niềm tin với thị trường tiếp tục hồi phục. Năm 2024, thị trường TPDN có cơ hội tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, các chính sách và quy định có hiệu lực từ đầu năm 2024 như Nghị định 65 sẽ hạn chế dần những đợt phát hành trái phiếu kém chất lượng, giúp thị trường nhận diện rõ hơn các tổ chức phát hành trái phiếu có năng lực tài chính yếu, qua đó sẽ tạo ra một môi trường phát triển kỷ luật và bền vững hơn cho thị trường TPDN. Dư địa tăng trưởng của thị trường TPDN theo định hướng của Chính phủ là rất lớn.