Tiềm năng lớn
Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển các công cụ định giá carbon, đặc biệt là phát triển thị trường carbon trong nước. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chế định về tổ chức và phát triển thị trường carbon, gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp, cơ sở phát thải sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, có quyền trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên thị trường carbon trong nước.
Ông đánh giá thế nào về hiểu biết, mức độ quan tâm của cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường này?
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 2015-2020, Việt Nam đã tham gia Chương trình Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon (PMR). Dự án PMR đã đề xuất được chính sách, lộ trình hình thành các công cụ định giá carbon, triển khai hoạt động tăng cường năng lực một số cán bộ cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, một số doanh nghiệp lĩnh vực thép, chất thải. Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị tham gia Chương trình sẵn sàng thực hiện thị trường carbon (PMI) giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Mặt khác, thời gian qua Việt Nam đã có kinh nghiệm triển khai thực hiện một số cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon như Cơ chế phát triển sạch (CDM) trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto, Cơ chế tín chỉ chung (JCM) trong khuôn khổ hợp tác về tăng trưởng carbon thấp giữa Nhật Bản và Việt Nam. Gần 300 chương trình, dự án CDM được Liên hiệp quốc cho đăng ký và triển khai tại Việt Nam, 14 dự án theo cơ chế JCM hợp tác với Nhật Bản…
Tuy nhiên, số lượng cán bộ của cơ quan quản lý, doanh nghiệp có hiểu biết chuyên môn về thị trường carbon rất khiêm tốn. Để có thể triển khai thị trường carbon tại Việt Nam, cần đẩy mạnh tập huấn, tăng cường năng lực và truyền thông thời gian tới.
Để tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ carbon, Việt Nam cần hoàn thiện những quy định nào?
Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, lộ trình phát triển thị trường carbon với 2 giai đoạn. Từ nay đến năm 2027, tập trung xây dựng quy định quản lý trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025 (dự kiến một số lĩnh vực có doanh nghiệp gây phát thải lớn như thép, xi măng, nhiệt điện); triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
Từ năm 2028 trở đi sẽ có sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức vận hành, các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Nâng cao nhận thức - vấn đề quan trọng
Bên cạnh hành lang pháp lý, những việc nào cần tiếp tục chuẩn bị hoặc thúc đẩy?
Thời gian tới, song song với giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ TN-MT và các bộ, ngành liên quan sẽ triển khai hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức, phát triển nhân lực, gồm: xây dựng mạng lưới các chuyên gia uy tín, dày dạn kinh nghiệm trong và ngoài nước về phát triển thị trường carbon; xây dựng tài liệu, tập huấn, đào tạo cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và tham gia thị trường carbon trong nước, khu vực và thế giới…
Một số nhà môi trường lo ngại việc để các công ty được mua quyền xả thải và tín chỉ carbon sẽ tạo điều kiện cho ô nhiễm gia tăng, trong khi Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ông có bình luận gì?
Tôi lại nghĩ ngược lại. Việc phát triển thị trường carbon ở nước ta góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 chứ không phải là cản trở.
Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”. Như vậy, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050 cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, từ hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, chuyển dịch năng lượng, thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon cũng như thiết lập và vận hành thị trường carbon trong nước.
Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã quy định rõ các cơ sở có lượng tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên hoặc mức phát thải khí nhà kính hàng năm là 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải để xây dựng và thực hiện giảm nhẹ phát thải giai đoạn 2026-2030. Việc phân bổ hạn ngạch căn cứ kết quả kiểm kê khí nhà kính quốc gia, lĩnh vực, các cơ sở và đảm bảo các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính quốc gia đến năm 2030 theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nghị định cũng quy định cơ sở phát thải có thể mua lượng tín chỉ carbon nhất định để bù đắp lượng khí phát thải quá hạn ngạch (không quá 10% tổng hạn ngạch phát thải được phân bổ). Việc này giúp các cơ sở đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh khi chưa thể áp dụng ngay các biện pháp giảm nhẹ phát thải; khuyến khích doanh nghiệp không bị áp hạn ngạch phát thải thực hiện các chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon.
Dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới, thực tiễn triển khai các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon ở nước ta thời gian qua, có thể khẳng định phát triển thị trường carbon tại Việt Nam sẽ giúp thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo các nhà khoa học, một khi thực hiện giảm phát thải, Việt Nam vừa có thể bảo vệ môi trường - “trụ cột thứ 3” của phát triển - vừa có thể thu về hàng trăm triệu USD từ việc bán ra khoảng 57 triệu tín chỉ carbon từ giảm phát thải trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trồng rừng… cho các tổ chức quốc tế (tạm tính giá 5 USD/tín chỉ); hứa hẹn là nguồn tài nguyên mới, giúp nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần không nhỏ bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam. Triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, để vận hành thị trường carbon, Bộ TN-MT thực hiện 3 nhiệm vụ chính: thiết lập hệ thống kiểm kê khí nhà kính quốc gia; xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) kiểm soát nguồn phát thải lớn; thiết lập thị trường carbon, cũng chính là hệ thống mua bán phát thải (ETS). Trong hệ thống ETS, Chính phủ sẽ phân bổ hạn mức phát thải (emissions permits) cho các cơ sở gây phát thải để giới hạn lượng phát thải. Nơi nào muốn vượt mức ấn định này sẽ phải mua thêm hạn mức từ đơn vị khác. Hệ thống ETS sẽ đảm bảo sự ổn định cho môi trường, do có thể kiểm soát được mức phát thải, và mỗi hạn mức chỉ có thể được sử dụng một lần duy nhất. Dĩ nhiên, ETS không thể vận hành nếu chưa có hệ thống MRV. Bộ TN-MT dự kiến hệ thống này sẽ được thiết lập vào năm 2025. Khi đó, cơ sở phát thải lớn phải có hệ thống quản lý và kiểm kê khí nhà kính, được giao hạn ngạch và tham gia thị trường carbon. Hệ thống bắt đầu với giai đoạn giao dịch tự nguyện trong 2 năm (2026-2027), và sau đó là giao dịch bắt buộc đầu tiên, dự kiến 2028-2030. |