Thị trường Thái Lan: Tiềm năng xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt

Ngày 21-4, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Thái Lan - Kết nối sản phẩm vào chuỗi siêu thị GO! thông qua Tập đoàn Central Retail năm 2022”, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức. Dù bị tác động bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam - Thái Lan vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu khá ấn tượng với mức tăng trưởng 2 con số.
Khách hàng tham quan gian trưng bày của các doanh nghiệp tại hội thảo
Khách hàng tham quan gian trưng bày của các doanh nghiệp tại hội thảo

Đối tác lớn

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC cho biết, bất chấp bối cảnh dịch bệnh nhiều khó khăn, Thái Lan luôn giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 18,726 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Về đầu tư, Thái Lan xếp ở vị trí thứ 9 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn lũy kế tính đến hết tháng 2-2022 đạt gần 13,029 tỷ USD.

"Trên cơ sở quan hệ đối ngoại Việt Nam - Thái Lan được tăng cường và phát triển thuận lợi hơn trong thời gian qua, quan hệ kinh tế thương mại giữa 2 nước sẽ được tiếp tục mở rộng”, ông Lữ thông tin.

Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu thành công sang thị trường Thái Lan như: Bibica, Đại Việt, Hải Bình, Trung Nguyên, Vinamit, Chinsufoods… Để chinh phục thị trường Thái Lan, các DN đã phần nào nắm bắt được đúng nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng. Hiện Việt Nam có một số mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu sang Thái Lan gồm thủy hải sản, nông sản, thực phẩm chế biến, các mặt hàng chế tạo như điện tử, sắt thép, dệt may, sợi, sản phẩm gỗ…

Dù đang đạt được một số thành tựu, song theo các DN, thời gian qua cũng gặp nhiều vướng mắc do Thái Lan áp dụng một số biện pháp rào cản thương mại, phòng vệ thương mại lên hàng hóa của Việt Nam. Đơn cử, Thái Lan áp dụng thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm sắt thép của Việt Nam; yêu cầu giấy chứng nhận tiêu chuẩn công nghiệp (TIS) với sản phẩm tôn mạ kẽm; yêu cầu giấy phép nhập khẩu (Tor 2) đối với sữa và các sản phẩm từ sữa để được hưởng thuế suất ưu đãi trong ASEAN dù đã có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D... 

Trước diễn biến này, Bộ Công thương đã nhanh chóng vào cuộc, trao đổi với phía bạn, đề nghị sớm giải quyết vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam vào Thái Lan, đặc biệt là nông sản, Bộ Công thương đã đề nghị phía Thái Lan đẩy nhanh thủ tục cấp phép nhập khẩu cho 5 loại quả tươi của Việt Nam, gồm: na, bưởi, chôm chôm, chanh leo, vú sữa.

Chú trọng chất lượng, môi trường

Phản ánh tình hình đang vướng mắc, nhiều DN tham dự hội thảo cho biết, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, đã không thể kết nối để xuất hàng qua thị trường Thái Lan, dù trước đó đã ký kết hợp tác. “Trước đại dịch, thông qua Central Retail Việt Nam, hàng hóa chúng tôi đã vào được thị trường Thái Lan. Nhưng thời gian gần đây, dù nỗ lực kết nối nhưng vẫn chưa có thông tin chính thức có tiếp tục ký kết đơn hàng hay không”, đại diện Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) cho hay.

Trao đổi tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại khu vực miền Trung - miền Nam của Tập đoàn Central Retail Việt Nam, yêu cầu Vinasoy chuyển hồ sơ để can thiệp với phía Central Retail Thái Lan, đồng thời cho biết, xu hướng tiêu dùng tại Thái Lan có một số thay đổi sau dịch Covid-19. Đơn cử, tại Thái Lan, mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển, ưu tiên sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý; áp dụng công nghệ là yếu tố bắt buộc để nâng cao và tối ưu hóa chi phí, đồng thời quản lý chuỗi cung ứng; thiết kế cửa hàng phải liền mạch, trưng bày bắt mắt, tiện lợi với dịch vụ cá nhân sẽ làm hài lòng và giữ chân người mua sắm. 

Các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, thể hiện sự quan tâm đến môi trường cũng đang là xu thế trên tất cả phân khúc khách hàng ở Thái Lan. “Thái Lan là một thị trường tiềm năng xuất khẩu với DN Việt Nam nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực”, bà Thu Hiền nhấn mạnh.

Là DN có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu hàng qua Thái Lan thành công, Tổng Giám đốc Real Bean Coffee Văn Thị Loan cho biết, do bị tác động của dịch Covid-19 nên xuất khẩu của DN sụt giảm doanh số. Tuy nhiên, DN đang rất kỳ vọng doanh số sẽ sớm vực dậy khi tình hình đang dần được kiểm soát.

“Để tiếp cận được thị trường Thái Lan, sản phẩm chất lượng, thân thiện môi trường, giá cả hợp lý thì phải liên tục chăm sóc bên mua, trả lời nhanh và chi tiết các yêu cầu khi họ thắc mắc. Đặc biệt, cần thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, đem hàng trực tiếp quảng bá, khuyến mãi bán cho người tiêu dùng thưởng thức”, bà Loan chia sẻ.

Đại diện ITPC cũng cho biết, các DN lần đầu tiếp cận thị trường Thái Lan cần có sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người dân bản địa; học hỏi kinh nghiệm của những DN đi trước.

“Mỗi năm, ITPC đều tổ chức xúc tiến thương mại qua thị trường Thái Lan, trong đó có chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan vào tháng 11. DN có nhu cầu có thể đăng ký tham gia để được hỗ trợ thủ tục, đưa hàng qua giới thiệu, quảng bá và ký kết hợp tác”, đại diện ITPC thông tin. 

Tin cùng chuyên mục