Tại nhiều siêu thị đã và đang thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá rất sâu để kích cầu tiêu dùng.
Hàng hóa dồi dào
Ngày 2-2 (28 Tết), lượng hàng hóa đổ về TPHCM tăng rất cao. Tại các chợ đầu mối như Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn đạt gần 15.000 tấn/đêm, tăng khoảng 60% so với ngày thường. Chợ Thủ Đức hiện đang kinh doanh khoảng 150 chủng loại rau củ quả, được cung ứng từ nhiều tỉnh, thành của cả nước; cùng các mặt hàng ngoại nhập từ các nước như Mỹ, Úc, Chi Lê, Trung Quốc, New Zealand, Ấn Độ… Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hoá và an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy cũng đang được triển khai ở mức tốt nhất.
Tại các doanh nghiệp (DN) sản xuất như Vissan, San Hà, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt..., lượng hàng hoá đưa ra thị trường tăng bình quân từ 100% - 200%; các hệ thống phân phối cũng phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm hàng tết của người dân TPHCM. Sức mua chung trên thị trường tăng khá cao, đạt mức 70% - 80% so với ngày thường. Kể từ 27 tháng Chạp, các nhà phân phối đã kéo dài thời gian bán hàng 1 - 3 giờ/ngày nhằm tránh tình trạng quá tải trong việc thanh toán tại các quầy kệ.
Không khí tết cũng tràn ngập các chợ truyền thống tại TPHCM, với hàng hóa trưng bày nhiều và đẹp mắt. Giá các loại mứt tết tương đối ổn định. Các loại thực phẩm ngâm chua như củ kiệu, hành, tai heo, măng khô, miến, gạo nếp…. bán chạy. Riêng tại các chợ như Phạm Văn Hai, Văn Thánh, chợ Bà Hoa... đang bày bán các loại lạt giang, lá dong, lá chuối, phục vụ cho khách hàng có nhu cầu gói bánh chưng, bánh tét.
Theo ghi nhận của PV SGGP, trong ngày 2-2, giá nhiều mặt hàng vẫn ổn định. Đặc biệt ở 10 nhóm mặt hàng thực phẩm thiết yếu được bình ổn giá (gạo các loại, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị) giá bán đã được các sở, ngành chốt giá trong 2 tháng nên không có biến động. Nguồn cung rất dồi dào, phong phú.
Riêng nhóm các mặt hàng trái cây, hoa tươi cắt cành như bưởi, mãng cầu ta, xoài, thanh long, dưa hấu tròn, quýt đường, hoa ly, hoa hồng, hoa huệ, lay ơn… do sức mua tăng cao để chuẩn bị chưng tết, kéo theo giá bán cũng tăng khá.
Cụ thể, giá bán bưởi da xanh và xoài cát Hòa Lộc tại nhiều chợ bán lẻ đứng ở mức từ 90.000 - 110.000 đồng/kg, mãng cầu ta 80.000 - 90.000 đồng/kg; hoa ly (loại một cành 5 hoa) từ 50.000 - 70.000 đồng/cành, hoa huệ 100.000 -120.000 đồng/chục… Tương tự, ở nhóm thực phẩm tươi sống như gà ta, cá lóc, cá thu, thịt heo ba rọi rút xương… giá bán cũng nhích nhẹ. Giá gà ta hiện đã đứng ở mức từ 150.000-170.000 đồng/kg (tăng 30.000-40.000 đồng/kg), thịt ba rọi tăng bình quân khoảng 10.000-20.000 đồng.
Ở nhóm rau củ quả, do lượng hàng về chợ đầu mối nhiều nên một số loại rau có xu hướng giảm 1.000 -12.000 đồng/kg, như bắp cải, cà rốt, khoai tây, cải sậy, khổ qua, ngò rí… Tuy nhiên, tại các chợ bán lẻ, rau củ quả không giảm tương ứng mà còn có xu hướng tăng nhẹ do chi phí vận chuyển, nhân công tăng.
Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu
Ở nhóm các mặt hàng thực phẩm tươi sống không nằm trong diện bình ổn, giá có thể tăng nhẹ do mức cầu tăng đột biến trong dịp tết. Trước tình hình này, Sở Công thương TPHCM đã yêu cầu ban quản lý các chợ đầu mối, các hệ thống phân phối phối hợp chặt chẽ với các nhà kinh doanh, nhà vườn tăng cường các giải pháp bám sát diễn biến thị trường, cập nhật nhanh tình hình cung cầu, giá cả và nếu có biến động bất thường phải báo cáo nhanh về cơ quan chức năng để các đơn vị liên ngành kịp thời giải quyết. Ban quản lý các chợ tiếp tục kiểm ra, giám sát nguồn gốc hàng hóa, chất lượng sản phẩm và đảm bảo các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm đối với các ngành hàng kinh doanh tại chợ.
Thông tin từ các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn TPHCM, tính đến chiều 28 tháng Chạp, tổng lượng hàng hóa về 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) đạt khoảng 14.046 tấn/đêm, tăng gần 70% so với ngày thường.
Trong đó, lượng hàng về chợ Thủ Đức đạt 5.900 tấn/đêm, tăng 61,4% so với ngày thường, tăng 6% so với ngày 27 tháng Chạp; hàng về chợ đầu mối Bình Điền rạng sáng 28 tháng Chạp đạt hơn 5.000 tấn, tăng 17% so với đêm 27 tháng Chạp, tăng trên 88% so ngày bình thường. Đối với chợ Hóc Môn, lượng hàng về chợ đạt 3.145 tấn/ đêm, tăng 56,4% so với ngày bình thường.
Tại một số chợ hoa lớn như công viên Gia Định (quận Gò Vấp), Lê Thị Riêng (quận 10), siêu thị Co.opmart, BigC… hoa kiểng, thực phẩm tiêu dùng đổ về rất nhiều, mãi lực tăng mạnh. Hoa mai, đào, cúc đại đóa, dưa hấu thư pháp… được các xe chuyên chở gom hàng liên tục. Theo anh Ngô Văn Tý, kinh doanh hoa kiểng trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), sức mua chiều tối 28 tháng Chạp tăng hơn so với trưa cùng ngày, vì lúc này nhiều người đã được nghỉ việc, sắp xếp thời gian mua sắm cuối năm. “Giá bán vẫn bình thường, ở mức 500.000 - 600.000 đồng/chậu cúc đại đóa; 300.000 - 500.000 đồng/chậu mai bonsai… |