Tại đây, các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức đã thảo luận sôi nổi, làm rõ bối cảnh xung đột tại Ukraine tác động thế nào đến kinh tế và hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam, từ đó có các chính sách phù hợp.
Rủi ro và thách thức
Các chuyên gia nêu ra những yếu tố khiến môi trường kinh tế - tài chính toàn cầu phải đối mặt với nhiều bất định. Đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đến dịch Covid-19 và giờ là cuộc xung đột Nga - Ukraine...
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ đầu năm 2022, xuất hiện nhiều yếu tố mới mang tính căn bản, liên hệ chặt chẽ với nhau và tác động trực tiếp đến kinh tế - tài chính, cụ thể: cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, lạm phát gia tăng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm. Điều này làm cho sản xuất toàn cầu bị gián đoạn nguồn cung, tăng giá và thiếu hụt nhiều mặt hàng chiến lược, mặt bằng giá cả cao dự báo kéo dài, thị trường tài chính biến động và tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng nợ…
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, thị trường tài chính Việt Nam cũng đang đứng trước những rủi ro, thách thức tương tự nhưng cũng có những thách thức khác biệt. Lạm phát Việt Nam đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước rơi vào thế khó. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng hiện nay, NIM (biên lợi nhuận) của ngân hàng đang giảm nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giảm lãi suất. Tiếp đến là áp lực gia tăng về nghĩa vụ trả nợ lên cả khu vực doanh nghiệp và Chính phủ. Rủi ro thị trường chứng khoán cũng cao hơn vì các vụ vi phạm diễn ra trong năm nay. Mặc dù năng lực tài chính của nhiều ngân hàng nâng lên rất nhiều, hệ số an toàn vốn trên chủ sở hữu (CAR) của ngân hàng được đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng nợ xấu tiềm ẩn sẽ tăng sau khi chấm dứt các chính sách cho phép giãn, hoãn nợ. Cùng với đó, rủi ro hệ thống tài chính của bộ tứ liên thông (ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản) rất chặt chẽ. Chưa kể, rủi ro từ tội phạm tài chính ngày càng cao khi Việt Nam đứng thứ 2 châu Á về số lượng mã độc tống tiền, hàng trăm ngàn người dùng mất dữ liệu tài chính, hàng ngàn cuộc tấn công mạng có chủ đích…
TS Cấn Văn Lực đánh giá mức độ rủi ro thị trường tài chính của Việt Nam đang ở mức trung bình cao và khả năng chống chịu ở mức trung bình khá. Đồng thời đề xuất một số giải pháp khắc phục các rủi ro: Nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi 2022-2023); ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và rủi ro hệ thống tài chính, rủi ro bộ tứ liên thông; nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trước năm 2025; nâng cao năng lực của các định chế tài chính và nhà đầu tư chuyên nghiệp…
Mối liên hệ chặt chẽ giữa thị trường tài chính và bất động sản
Nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, rủi ro hệ thống tài chính và rủi ro bộ tứ liên thông (ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản) là chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh mới về rủi ro tài chính tiền tệ toàn cầu. TS Cấn Văn Lực cho rằng, ngoài việc tập trung phục hồi kinh tế, năm nay, Việt Nam cần chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô.
Liên quan đến mối liên hệ chặt chẽ giữa thị trường tài chính và bất động sản, TS Trần Du Lịch đánh giá, ở Việt Nam 2 thị trường này là 2 mặt của một vấn đề. Phát triển thì cùng phát triển tốt, nhưng khủng hoảng thì nó lại là nguyên nhân. Thị trường bất động sản có đóng góp rất lớn, trực tiếp và gián tiếp cho nền kinh tế, nếu ngưng trệ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. TS Trần Du Lịch cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản như đoàn xe đạp phải chạy, nếu dừng lại sẽ đổ ngay. Và để đoàn xe này “chạy” được phải dựa vào dòng vốn (từ ngân hàng, huy động từ người mua, huy động từ trái phiếu doanh nghiệp), nếu dòng vốn tắc nghẽn thì đoàn xe sẽ ngã ngay nên không thể để đoàn xe này bị dừng đột ngột, sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. “Việc xử lý những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực trái phiếu cũng như thị trường bất động sản là việc phải làm nhưng phải tạo điều kiện để thị trường phát triển. Xử lý vi phạm và cơ chế chính sách là 2 vấn đề khác nhau”, TS Trần Du Lịch nói.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, trong bối cảnh nhiều bất định từ thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu, Việt Nam tiếp tục xác định phải ổn định kinh tế vĩ mô để ổn định tình hình tài chính. Trong đó, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể sẽ giúp ổn định kinh tế vĩ mô, giảm sốc; kinh tế nhà nước đi trước mở đường trong các lĩnh vực quan trọng một cách linh hoạt, chủ động; xác định 5 tiêu chí các ngành sản xuất đột phá; đánh giá hiệu quả các phương thức huy động vốn, giải quyết việc làm và đào tạo tay nghề…
Thúc đẩy tăng trưởng hay kiềm chế lạm phát?
Trước tình hình lạm phát đang tăng cao tại nhiều quốc gia, vấn đề tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng được các chuyên gia quan tâm đưa ra bàn thảo. TS Trần Du Lịch cho rằng, Việt Nam đang phải giải quyết phương trình 4 ẩn số: tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng. Song, chúng ta không thể siết chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, vì đây là những biện pháp sẽ khiến nền kinh tế đi vào suy thoái. Còn xử lý vấn đề thế nào là nghệ thuật của chính sách. TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh), đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng trung ương các nước phát triển tăng lãi suất, hay thắt chặt tiền tệ là đều bắt buộc vì họ để chính sách tiền tệ quá nới lỏng trong giai đoạn dịch Covid-19. Tuy nhiên, tăng lãi suất cao cũng không giúp ích nhiều cho việc kiểm soát lạm phát trong tình trạng này. “Lãi suất tăng mạnh khiến chi phí tài chính đội lên cao, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản”, TS Hồ Quốc Tuấn nói.
* TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh): Cấp thiết xây dựng khuôn khổ pháp lý cho thị trường tiền mã hóa |