Theo các chuyên gia, dù tốc độ tăng trưởng của thị trường sữa tại Việt Nam có xu hướng chững lại trong 2 năm gần đây do ảnh hưởng từ đại dịch, song vẫn có nhiều yếu tố thúc đẩy ngành sữa phát triển bền vững trở lại trong giai đoạn tới. Cụ thể, theo báo cáo thị trường của Kantar Worldpanel, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa tại Việt Nam đang chuyển biến tích cực do cơ cấu dân số trẻ, thu nhập trung bình tăng; xu hướng sử dụng sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, tăng cường miễn dịch.
Về tốc độ tăng trưởng của thị trường, theo Euromonitor, thị trường sữa Việt Nam đạt giá trị 135.000 tỷ đồng năm 2020, tăng hơn 8% so với năm 2019, nhờ sự tăng trưởng nhanh của phân khúc sữa chua và sữa uống. Các ngành hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao gồm sữa nước (tăng 10% ), sữa chua (tăng 12% ), pho mát (tăng 11% ), bơ (tăng 10% ) và các sản phẩm từ sữa khác tăng 8%.
Trong một chia sẻ mới đây trước báo giới, ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing Vinamilk cho biết, thị trường sữa Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng khi tiêu thụ bình quân đầu người còn khoảng cách khá xa với các nước lân cận (23,2kg/người/năm so với 31,7kg/người/năm ở Thái Lan và 43,7kg/người/năm ở Hàn Quốc). Điều này xuất phát từ mỗi năm Việt Nam có xấp xỉ 1 triệu trẻ em chào đời. Thêm vào đó, nhận thức về việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ngày càng cao, đặc biệt ở lứa tuổi từ trung niên trở lên - đối tượng ổn định hơn về kinh tế cũng là một động lực tăng trưởng lớn cho ngành sữa.
Đáng chú ý, theo khảo sát từ các công ty nghiên cứu thị trường nhận ủy thác của doanh nghiệp sữa, xu hướng thịnh hành hiện nay là sự tiện lợi. Theo đó, ngoài sự phát triển các kênh mua sắm tiện lợi như siêu thị, trang bán hàng trực tuyến, định dạng sản phẩm cũng phải tiện lợi hơn cho người dùng. Ví dụ như việc tăng trưởng đột phá của sữa công thức pha sẵn dành cho trẻ nhỏ ngày càng lấn dần sữa bột công thức là một ví dụ điển hình cho xu hướng tiện lợi trong ngành sữa. Ở một góc nhìn khác, theo đánh giá của các đơn vị nghiên cứu thị trường, hiện nay thế hệ trẻ (Gen Z) chính là đối tượng đang quyết định xu hướng tiêu dùng tương lai với đặc điểm được giáo dục bài bản, đề cao lối sống xanh, tích cực tương tác xã hội trên nền tảng công nghệ cao…
Trước những cơ hội và yêu cầu đặt ra của người tiêu dùng đòi hỏi doanh nghiệp ngành sữa phải năng động, tinh tế và chân thành hơn khi đưa ra thị trường các giải pháp dinh dưỡng thật sự tốt cho sức khỏe, nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện môi trường và có hoạt động truyền thông mang tính tương tác cao.
Nắm bắt xu hướng đó, các doanh nghiệp sữa nội như Vinamilk, Nutifood, TH True Milk.. đã đẩy mạnh xây dựng hệ thống trang trại để có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đầu tư nghiên cứu cho ra đời những dòng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Chẳng hạn Vinamilk đã xây dựng hệ thống 13 trang trại bò sữa, 13 nhà máy trên cả nước đáp ứng các tiêu chuẩn Global GAP, Organic. Doanh nghiệp này còn mạnh tay đầu tư cho hoạt động R&D, hợp tác với các nhà khoa học, viện nghiên cứu dinh dưỡng hàng đầu thế giới nhằm đưa ra những sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao như sữa tươi và sữa bột Organic, sữa tươi chứa tổ yến, sữa chua Love Yogurt, sữa bột trẻ em Yoko…
Tương tự, Nutifood đã chủ động đầu tư vào trang trại bò sữa ở cao nguyên Gia Lai để nâng cao chất lượng tương đương với sữa tươi nhập từ châu Âu. Bên cạnh những dòng sản phẩm đã làm nên tên tuổi như Nutifood GrowPLUS+, Nuti IQ Gold, Famna, doanh nghiệp này còn liên tục ra mắt các dòng sản phẩm mới từ thảo dược, sâm ngọc linh… để phục vụ đa dạng nhu cầu người Việt. Hay TH True Milk cũng đầu tư hàng tỷ USD vào ngành sữa để sản xuất hàng chục sản phẩm sữa chất lượng như sữa tươi, sữa hạt cao cấp… Theo cam kết của doanh nghiệp, tất cả sản phẩm đều tuân theo định hướng hoàn toàn từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe người dùng.
Việc các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư, nghiên cứu cho ra mắt sản phẩm sữa theo xu hướng thị trường đã và đang giúp người tiêu dùng hưởng lợi vì có nhiều sự lựa chọn hơn, dễ dàng tìm được sản phẩm phù hợp nhu cầu.