Thị trường smartphone 2019 - Bài 1: Xáo trộn, ê hề lẫn nhanh nhạy

Huawei thất bại nặng nề, Samsung làm mưa làm gió, OPPO vươn lên ngoạn mục, Mobiistar ngã gục, Asanzo ê chề, Bphone im lặng một cách "inh ỏi", VinSmart mới mẻ... Đó là những điều khái quát khi nhìn thị trường smartphone năm 2019.
Một công nhân trong nhà máy sản xuất di động Vsmart
Một công nhân trong nhà máy sản xuất di động Vsmart

Không ít cửa hàng di động tại Việt Nam đã ngưng kinh doanh các dòng di động của Huawei, điều này là một phần hậu quả từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei. Ngay cả sản phẩm được kỳ vọng nhất của Huawei là Mate 30 Pro đến nay vẫn chỉ là cái xác đẹp nhưng "không hồn" khi không thể chạy CH Play của Google trên nó…

Thị trường smartphone 2019 - Bài 1: Xáo trộn, ê hề lẫn nhanh nhạy ảnh 1 Mate 30 Pro, sản phẩm đang "chết lâm sàng" của Huawei 

Cũng cần nhớ lại, vào tháng 4-2019, trong một cuộc gặp với giới truyền thông Việt Nam, ông Fan Jun, Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam đưa ra mục tiêu đến năm 2020 các sản phẩm của Huawei sẽ đứng vị trí thứ hai thị phần tại Việt Nam, nhưng hiện nay, thị phần smartphone của hãng này đã như mất số, mất bóng. Tham vọng đã không thành. 

Theo báo cáo mới nhất từ GfK về thị trường smartphone Việt Nam, Samsung chiếm 44,5% doanh số bán ra. Điều này đồng nghĩa, trong tháng 8, có gần 4,5 triệu chiếc điện thoại mang thương hiệu Samsung đến tay người dùng. Tháng 8, ở nhóm dưới 3 triệu đồng, Samsung chiếm 25,5% thị phần. Đây là con số không quá ấn tượng nhưng vẫn gấp đôi đối thủ đứng vị trí thứ 2 là Realme với 12,3%. Ở tầm giá này, nhiều hãng như OPPO, Realme, Vivo, Nokia cùng tham gia bởi những mẫu di động có giá dưới 3 triệu thường dễ tiếp cận người dùng, quyết định mua hàng không cần phải cân nhắc nhiều.

Trong tầm giá 3-5 triệu đồng, Samsung bắt đầu thể hiện khả năng thống lĩnh thị trường khi chiếm đến 46,3% thị phần nhờ các model như Galaxy A30, A10, A10s, M20. Với việc ra mắt nhiều model giá phổ thông. Đáng chú ý ở nhóm 7-10 triệu đồng, Samsung nhường lại vị trí dẫn đầu cho OPPO. Hãng chỉ chiếm 40,6% thị phần tầm trung, do F11 Pro của OPPO quá thành công. Điều này giúp thị phần của OPPO tăng liên tục trong 4 tháng….

Trong thời điểm giữa năm 2019, những biến cố lớn khác cũng xảy ra, nhất là với điện thoại thương hiệu Việt hay những hãng di động do người Việt làm chủ, vận hành… Mất bóng nhanh nhất phải nói đến Mobiistar. Vào cuối tháng 6-2019, Mobiistar thông báo rời khỏi Ấn Độ sau một năm gia nhập thị trường này. Đối tác sản xuất duy nhất của Mobiistar tại Ấn Độ có tên VSun Technologies đã nộp đơn phá sản vào ngày 19-5 và sa thải toàn bộ nhân viên, điều này dẫn đến sự gián đoạn cho chuỗi cung ứng của Mobiistar tại Ấn Độ và kéo theo sự sụp đổ của thương hiệu Mobiistar có tuổi đời hơn chục năm tại Việt Nam và từng một thời "có số má" trên thị trường ở phân khúc 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng.

Thị trường smartphone 2019 - Bài 1: Xáo trộn, ê hề lẫn nhanh nhạy ảnh 2 Mobiistar X, chiếc di động đánh dấu sự xuất hiện cuối cùng của Mobiistar tại Việt Nam
Sau này, qua chuyện trò với những người từng làm ở Mobiistar mới biết thêm câu chuyện: Từ trước 2018, Mobiistar đã nhìn thấy khó cạnh tranh ở thị trường trong nước nên tìm đường sang Ấn Độ và kết hợp cùng nhà đầu tư VSun Technologies. Ban đầu, mọi thứ tốt đẹp nên nhiều sản phẩm Mobiistar đã ra đời, nhận được sự đón nhận tích cực của thị trường hơn tỷ dân, mở ra nhiều kỳ vọng cho Mobiistar. Nhưng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, VSun Technologies vốn là nhà đầu tư Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, mất tính thanh khoản ở tại Trung Quốc… kéo theo sự sụp đổ của Mobiistar ở Ấn Độ và cũng giết chết Mobiistar tại thị trường Việt Nam vì khi ấy Mobiistar đã mang tất cả hệ thống, con người, vốn liếng vào đây. Giấc mơ lớn mạnh ở thị trường Ấn Độ rồi quay về Việt Nam khẳng định tên tuổi thương hiệu Việt thành mây thành khói. 

Trong làng di động cũng nên nhắc đến Asanzo vì dù sao cũng có vài sản phẩm ra đời. Nhưng Asanzo với sự ê chề về nguồn gốc xuất xứ, các vấn đề liên quan đến thuế… như cú tát bỏng mặt thương hiệu này. Thế nên những chiếc di động của Asanzo cũng chỉ là làm “cho sang”, cho “đa dạng” bộ mặt tập đoàn, kể cả chiếc S6 giá chưa đến 2,5 triệu đồng vừa ra mắt vào giữa tháng 11-2019; hay nói cách khác là không có tín hiệu nào cho thấy sự nghiêm túc của Asanzo với ngành di động. 

Trong các smartphone thương hiệu Việt còn kể đến Bphone. Năm nay, BKAV không ra mắt thế hệ Bphone tiếp theo mà dự kiến dời qua 2020. Trong một lần nói chuyện bên lề với ngưới đứng đầu của BKAV, người này đồng ý rằng đầu tư cho ngành sản xuất di động đòi hỏi tiềm lực phải thực sự lớn, dài hơi… cụ thể hơn là tài chính, thứ mà BKAV không có nhiều trong thời điểm hiện nay. Vì thế cứ đợi 2020 xem BKAV ra mắt Bphone “chụp ảnh điện toán” ra sao mới có thể có thêm nhận định. 

Nhìn lại thị trường, thị phần di động của Việt Nam, sự “ngự trị” của các thương hiệu từ nước ngoài dù có nhiều chuyển biến, nhiều thay đổi nhưng thế đứng của các hãng này vẫn vững vàng thâu tóm thị phần, nhất là trước sự rệu rã của smartphone thương hiệu Việt. Nhưng trong bối cảnh này, thương hiệu Việt xuất hiện một cái tên mới, đáng chú ý, Vinsmart. 

Thị trường smartphone 2019 - Bài 1: Xáo trộn, ê hề lẫn nhanh nhạy ảnh 3 Một góc nhà máy Vsmart tại Hoà Lạc

Đến nay Tập đoàn Vingroup đã đi vào hoạt động Nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). Với dây chuyền sản xuất thiết bị hiện đại, tự động hóa tối đa theo tiêu chuẩn công nghệ châu Âu, Vingroup kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển hệ sinh thái các sản phẩm điện thoại thông minh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu thế giới.

Nhà máy trên diện tích 15,2ha. Giai đoạn 1 của nhà máy đã hoàn thiện vào ngày 8-2019, có công suất 23 triệu máy/năm và đến cuối tháng 11-2019 giai đoạn 2 của nhà máy cũng đã hoàn thành với công suất 34 triệu máy/năm. Được biết đầu năm 2020, nhà máy sẽ đạt công suất cao nhất 125 triệu máy khi chính thức hoàn thiện. Nếu đã bước chân vào nhà máy, sẽ không khó để nhận ra nhà máy này được thiết kế tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế dành cho các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông như IPC-A-610, TL 9000. Môi trường sản xuất được kiểm soát hoàn toàn về nhiệt độ, độ ẩm, kiểm soát phóng tĩnh điện cũng như độ sạch không khí để đảm bảo chất lượng cao nhất cho sản phẩm…

Và khi đến các khu nghiên cứu, còn nhận thấy công nghệ của VinSmart được phát triển trên nền tảng tiêu chuẩn cao trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các hãng công nghệ lớn nhất thế giới như Qualcomm, Google, ArcSoft, DxO… nhằm cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực thiết bị thông minh. Về thiết kế sản phẩm, VinSmart hợp tác với nhiều nhà thiết kế (IDH – Independent House), nhiều ODM (Original design manufacturer)...

Dài dòng như vậy để thấy rằng Vingroup đầu tư bài bản, từ nghiên cứu đến thiết kế và sản xuất di động như bao hãng công nghệ lớn khác trên thế giới chứ không phải sản xuất di động kiểu “phòng thí nghiệm” hay làm thương hiệu rồi bán… 

Nên ở năm 2019, sự xuất hiện của Vinsmart với thương hiệu di động Vsmart và hàng chục dòng sản phẩm là điều đáng nói và hãng này đã làm gì, sẽ bước đến đâu, mong muốn đứng ở đâu trên thị trường… sẽ là câu chuyện chờ kể tiếp.


Thị trường smartphone 2019 - Bài 2: Giữa sự vây hãm, Vsmart “đạp giá” muốn vươn lên


Tin cùng chuyên mục