Theo quyết định số 27/2007 QĐ-BTC ngày 24-4-2007 của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2008, nhà đầu tư khi mua bán các loại chứng khoán niêm yết phải mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng (NH). Công ty chứng khoán (CTCK) không còn chức năng giữ tiền như trước đây. Điều này đưa đến sự thay đổi lớn trong hoạt động của nhiều CTCK.
Hiệu quả từ sự hợp tác
Khi thị trường chứng khoán (TTCK) mới thành lập, hầu hết CTCK là những đơn vị thành viên được lập bởi NH nên mối liên kết giữa CTCK và NH đã được kiểm chứng qua nhiều năm, như BSC-BIDV, IBS-Incombank, ACBS-ACB, VCBS-Vietcombank, SBS-Sacombank, DAS-DongABank, Agriseco-Agribank… nhà đầu tư của những CTCK này được hưởng nhiều lợi ích hơn so với các CTCK khác như lãi suất số dư tiền hưởng theo lãi suất hiện hành của chính NH mẹ, nghiệp vụ quản lý tiền chuyên nghiệp…
Một số CTCK trong nhóm này còn xây dựng hệ thống giúp nhà đầu tư có thể nộp, rút hoặc chuyển khoản tiền trong tài khoản tại bất cứ chi nhánh nào của NH mẹ. Đây là tiện ích vô cùng có lợi cho nhà đầu tư ở xa vì rõ ràng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của NH trải rộng, trong khi CTCK chỉ bắt đầu mở rộng mạng lưới gần đây. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng tránh được rủi ro khách quan từ các CTCK - đơn vị thường có quy mô vốn nhỏ và tổng tài sản không đảm bảo cho lượng tiền khổng lồ được gửi từ phía nhà đầu tư.
Thích nghi để phát triển
Ngay sau quyết định của Bộ Tài chính, việc hợp tác giữa CTCK và NH trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Ông Nguyễn Ngọc Tươi - Tổng Giám đốc CTCK Đà Nẵng (DNSC) đánh giá “Sự kết hợp giữa CTCK và NH mang lại lợi ích rất lớn cho nhà đầu tư trong việc nộp, rút tiền. Bản thân CTCK cũng không đủ nhân sự, hệ thống phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư nên chúng tôi sẵn sàng chuyển cho NH để tập trung phát triển nghiệp vụ chứng khoán”.
Tuy nhiên, không phải NH nào cũng có hạ tầng kỹ thuật phục vụ tốt nhu cầu của CTCK. Trong khi đó, số lượng CTCK tăng nhanh và chủ thể sáng lập cũng rất đa dạng, từ tập đoàn lớn, công ty đến cả cá nhân cũng tham gia lập CTCK. Sự đa dạng nhưng đầy phức tạp này buộc CTCK phải lựa chọn NH tương thích, kết hợp cùng lúc nhiều NH khác nhau để đảm bảo lợi ích từng nhóm khách hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Tươi cho biết thêm: “Các CTCK hiện vẫn không có nhiều lựa chọn vì nhiều NH chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trong khi đó, các NH cũng không liên kết hệ thống được với nhau và nếu hoàn thiện được điều này, CTCK chỉ cần chọn một NH thì nhà đầu tư sẽ hưởng mạng lưới giao dịch của tất cả NH liên kết trong hệ thống. Bản thân DNSC dự kiến chọn hai NH quản lý tiền cùng lúc là BIDV và ACB để phục vụ hai nhóm khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước và nhóm khách hàng tư nhân.”
Ngân hàng “nhắm” đến công ty chứng khoán
Các NH quốc doanh, vốn có Core banking (hệ thống ngân hàng cốt lõi) khá chuẩn và khả năng kết nối tốt nhưng lại tỏ ra im lìm, giữ thái độ “chờ khách đến”. Trong lúc đó, nắm được nhu cầu của CTCK, nhiều NH thương mại cổ phần đã nhanh chân triển khai các giải pháp mới để trở thành tổ chức quản lý và giữ tiền. Như NH Á Châu (ACB) sớm chủ động mở hội thảo giới thiệu dịch vụ của mình cho CTCK, tuy nhiên lại tỏ ra ngập ngừng trước yêu cầu về giao dịch trực tuyến qua internet.
Dù vậy NH này cũng đã thành công “nhắm” được khoảng 20 khách hàng là CTCK. NH Đông Á (DongA Bank) đến tháng 12-2007 mới tổ chức hội thảo, nhưng dịch vụ đưa ra đã gây ngạc nhiên cho CTCK và nhà đầu tư. Như dịch vụ “Bán chứng khoán - Lấy tiền ngay” có thể giúp nhà đầu tư thực hiện vay ứng trước qua mạng và chuyển khoản tiền đến tài khoản chỉ định mà không phải đến CTCK hay NH. DongA Bank còn giới thiệu tiếp loại thẻ ATM mới “CK Card” dành riêng cho nhà đầu tư chứng khoán.
Rõ ràng, các NH đang trang bị những dịch vụ “tận răng”, “kéo” CTCK sử dụng cho khách hàng mình. Thị trường liên kết giữa CTCK và NH vì vậy hứa hẹn sẽ nhộn nhịp trong năm 2008, thời điểm NH muốn phục vụ CTCK và CTCK được quyền chủ động đánh giá, lựa chọn NH cho mình và nhà đầu tư.
TƯỜNG CHÂU