Hiện nay, hai công ty đa quốc gia đang dẫn đầu thị trường, chiếm đến 80% thị phần ngành bột giặt và nước giặt của Việt Nam là Unilever Việt Nam (với sản phẩm Omo, Viso, Surf, Comfort) và Procter & Gamble - P&G (với sản phẩm Ariel, Tide và Downy).
Có thể thấy, sự cạnh tranh trên thị trường sản phẩm giặt rửa vô cùng khốc liệt. Khảo sát qua các quầy kệ ngành hàng chất làm sạch ở các hệ thống siêu thị có thể nhìn nhận được điều ấy. Sự tiện lợi được các nhà sản xuất khai thác triệt để, như riêng với chất giặt sạch, ngoài sản phẩm hình dạng truyền thống là dạng bột, đã có thêm dạng nước.
Để cạnh tranh, thay vì sản phẩm chỉ đơn thuần yếu tố làm sạch thì càng ngày phía nhà sản xuất có hướng tích hợp thêm các mùi vị cho chất làm sạch. Lúc này, thay vì người mua phải mua hai sản phẩm riêng biệt gồm chất giặt và nước ngâm tạo hương thơm cho quần áo, sẽ chuyển sang chọn sản phẩm tích hợp 2 trong 1. Chính yếu tố tiện lợi sẽ mang lại thành công cho nhà sản xuất nào khai thác tốt.
Thêm vào đó, các nhà sản xuất còn “đánh” vào yếu tố tiết kiệm để thu hút khách hàng. Bằng cách thay đổi bao bì mà họ làm được điều ấy. Điển hình như, thay vì chỉ đóng gói các túi có trọng lượng nhỏ, các nhãn hàng đưa ra thêm nhiều loại trọng lượng lớn khác nhau, từ 2kg, 3kg, 5kg, thậm chí có cả bao 10kg với tiêu chí mua số lượng càng lớn sẽ càng rẻ.
Điều này là hoàn toàn đúng khi công đóng gói dù lớn hay nhỏ thì nhà sản xuất cũng chỉ tốn ở một mức chi phí; nhưng các sản phẩm có trọng lượng lớn được tiêu thụ nhiều tức là khối lượng hàng hóa được tiêu thụ cao hơn gấp nhiều lần. Do vậy, doanh thu và lợi nhuận cũng tăng tỷ lệ thuận với sản lượng đã tiêu thụ.
Cũng với yếu tố tiết kiệm, bao bì cũng đổi mới cho dạng sản phẩm nước, từ bao bì chai nhựa có thêm đóng gói dạng túi ni lông để tiết giảm chi phí, không gian kho bãi, vận chuyển dễ dàng… Nhờ đó, giảm được nhiều về chi phí khiến cho giá bán cũng giảm hơn.