
Đối với người thích lên sàn nhưng không có điều kiện tham dự các lớp học về chứng khoán hoặc muốn “đốt cháy giai đoạn” thì sách là “bửu bối” tiện lợi nhất. Thế nhưng, thị trường sách về chứng khoán hiện nay “trăm hoa đua nở” khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) lúng túng, không biết chọn loại nào. Chúng tôi đã làm cuộc khảo sát và ghi nhận những “phát hiện” hầu chia sẻ vài gợi ý để bạn đọc chọn mua.
Tựa sách: Mới đọc đã… thấy giàu!
“Sách về chứng khoán hiện nay bán mạnh nhất, nhì trong các đầu sách. Nhiều cuốn sách mới ra lò đã hết sạch. Sách chứng khoán đang “sốt” anh ạ!”, một nhân viên ở nhà sách Tân Bình cho hay. Những nhà sách lớn như Nguyễn Huệ, Nguyễn Văn Cừ, Xuân Thu, Văn Lang… dành hẳn một khoảng không gian để trưng bày loại sách này. Từ năm 2006 trở về trước, sách chứng khoán chủ yếu do các trường đại học Kinh tế, Ngân hàng… và một số ít tác giả xuất bản bán ra thị trường nhưng số lượng rất khiêm tốn, chủ yếu phục vụ sinh viên và giới nghiên cứu.
Thế nhưng, từ đầu năm 2007 đến nay, do nhu cầu người mua “nóng” theo sàn chứng khoán, các tác giả và nhà xuất bản nhận thấy đây là “miếng bánh ngon” nên tung ra khá nhiều đầu sách dành cho mọi giới. Chúng tôi khảo sát và ghi nhận hiện nay có gần 100 đầu sách về chứng khoán và tạm chia thành 4 nhóm: Nhóm sách dịch từ nước ngoài (có 3 tác giả chiếm “áp đảo” là Warren Buffett, William J.O’Neil và Dean Lundell); nhóm sách do giảng viên một số trường thuộc khối kinh tế biên soạn; nhóm do các chuyên gia chứng khoán, ngân hàng, tư vấn tiền tệ viết; và nhóm sách do các luật sư, nhà báo theo dõi - chứng khoán xuất bản.
Hầu hết sách trình bày đẹp và giá bìa dao động từ 30.000-40.000đ/c. Có vài loại giá 18.000-19.000đ/c nhưng nội dung chủ yếu là kiến thức thường thức, hỏi đáp chứng khoán, không chuyên sâu, dưới 150 trang. Sách dịch thường có giá cao nhất, từ 40.000đ/c, trở lên. Có thể nói, thị trường sách viết về chứng khoán đã “xóa mù” kiến thức còn khá mới mẻ cho nhiều NĐT Việt Nam trước giờ chưa biết gì về chứng khoán. Thậm chí có những cuốn dành cho NĐT muốn học theo kiểu “mì ăn liền” như Học chơi chứng khoán trong 24 giờ của tác giả N.A.T.
Điều thú vị là rất nhiều cuốn sách giật tựa rất hấp dẫn như: Đầu tư chứng khoán nhất định thành công (Th.S Nguyễn Công Minh, NXB Lao động – Xã hội); Giàu từ chứng khoán – Bài học từ những nhà kinh doanh chứng khoán thành công nhất của mọi thời đại (Hồng Duyên, NXB Tri Thức); Kiếm tiền bằng cách đầu tư chứng khoán (William J.O’Neil, NXB Thống Kê); Chứng khoán – Cơ may, chiến thắng (Võ Thanh Long, NXB Thanh Niên); Thị trường chứng khoán – Trò chơi và những thủ thuật làm giàu (Nguyễn Công Nghiệp, NXB Thống Kê); Chứng khoán và thị trường chứng khoán – Cơ hội đầu tư thành công (Th.S Lê Thành Kính, NXB Tài Chính); Bí quyết đầu tư chứng khoán (Minh Đức, NXB Trẻ)…
Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa thấy xuất hiện cuốn sách nào có những cái tựa kiểu như: “Thất bại từ chứng khoán”.
NĐT khi mua sách cần cẩn thận vì hiện nay trên thị trường có nhiều cuốn sách nội dung như nhau, cùng một tác giả, cùng nhà xuất bản nhưng chỉ khác nhau… cái bìa! Đây là loại sách “bình mới rượu cũ”. Không biết do nhà xuất bản, do tác giả, do “đầu nậu” hay do kẻ in lậu nhưng khi thấy cái bìa khác, trình bày bắt mắt, người mua đọc lướt qua và mua, về nhà đọc mới thấy nội dung y chang cuốn sách mà mình đã từng mua.
Bên cạnh đó, khi chọn mua một cuốn sách nào đó, NĐT nên lật qua kiểm tra các trang xem có lỗi hay không để khỏi phải mua lại cuốn khác. Bằng chứng, chúng tôi đang có trong tay cuốn sách Tìm hiểu về chứng khoán và thị trường chứng khoán (tác giả Nguyễn Minh, Nhà xuất bản Lao động – Xã hội 2006), ở phần “Luật chứng khoán” tại trang 118 – 119 là 2 trang trắng (từ điều 76 nhảy lên điều 79, mất điều 77, 78); trang 122 – 123 cũng lại là 2 trang trắng (nhảy từ điều 79 lên điều 82, mất điều 80, 81).
Chọn loại nào?

Một số sách về chứng khoán (ảnh chỉ dùng minh họa). Ảnh: TẤN VIỆT
Nhiều NĐT đã mua và đọc sách chứng khoán đưa ra nhận xét: Sách dịch từ nước ngoài có ưu điểm là cung cấp những thông tin về thị trường chứng khoán (TTCK) của thế giới, các thủ thuật, kỹ thuật kinh doanh chứng khoán, bên cạnh đó nhược điểm là ngôn ngữ đôi khi quá hàn lâm, bác học, thậm chí nhiều người dịch chưa chắc đã am hiểu về chứng khoán nên dịch không thoát ý, tối nghĩa khiến người đọc khó hiểu.
Sách dịch từ nước ngoài nói về TTCK nước ngoài có hơn 300 năm, vì vậy khi so sánh TTCK ở Việt Nam thì có sự khác biệt. Cụ thể như Luật Chứng khoán Việt Nam cấm mua bán khống nên không xuất hiện những NĐT liều lĩnh (speculator) trong khi đó ở nước ngoài, chính những người này tạo ra cơ chế mua bán sôi động của TTCK và TTCK cần họ. Hoặc nhiều TTCK lớn như Mỹ, Anh, Nhật… không khống chế giá mua bán ở mức +/- 5% (TPHCM) hay +/- 10% (Hà Nội) như ở Việt Nam.
Các loại sách do các thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư ở trường đại học, viện nghiên cứu viết có ưu điểm là giới thiệu được lịch sử, tổng quan, so sánh về TTCK trong và ngoài nước... nhưng nhược điểm là mang nặng tính lý thuyết, thiên về định nghĩa, khái niệm, thuật ngữ...
Một số cuốn sách chứng khoán có thể tham khảo 144 câu hỏi đáp về TTCK Việt Nam (Hồ Ngọc Cân, NXB Thống Kê, giá 25.000đ); Chứng khoán – Đầu tư để thành công (Võ Thanh Long, NXB Thanh Niên, giá 21.000đ); Cẩm nang giao dịch chứng khoán (Hoàng Tú, NXB Văn Hóa Thông Tin, giá 52.000đ); TTCK tại Việt Nam (PGS-TS Lê Văn Tê, NXB Thống Kê, giá 75.000đ); Phương pháp đầu tư chứng khoán (William J.O’Neil, NXB Lao động - Xã hội, giá 20.000đ); Đi mua chứng khoán (Luật sư Nguyễn Ngọc Bích, NXB Trẻ, giá 43.000đ); Warren Buffett và chiến lược đầu tư vào TTCK (Minh Đức dịch, NXB Trẻ, giá 55.000đ)… |
Nếu người đọc không phải dân kinh tế thì đôi khi cảm thấy rất khó hiểu. Còn nhóm sách do các chuyên gia chứng khoán làm trong lĩnh vực kinh tế, ngân hàng viết thì cung cấp cho người đọc những kinh nghiệm rất thực tế về TTCK, ít lý thuyết, có những ví dụ rất cụ thể, sinh động. Tuy nhiên, nhóm sách này đôi khi đi sâu về phân tích kỹ thuật bằng biểu đồ, các chỉ số và do thói quen nghề nghiệp nên thường lạm dụng ngôn ngữ chuyên ngành vì nghĩ ai cũng biết nên không giải thích, ghi chú. Nhóm sách còn lại là nhà báo viết chứng khoán thường cung cấp những thông tin, sự kiện, đúc kết kinh nghiệm, nhận định…
Mặt hạn chế của loại sách này là tập hợp những bài viết đã đăng báo, đôi khi không còn tính thời sự (vì đã diễn ra) mà TTCK luôn thay đổi, đổi mới (công ty, con số, sự kiện…). Còn sách do luật sư viết cung cấp đầy đủ về luật, những rủi ro, phát sinh, những kẽ hở của TTCK mà NĐT nên tránh nhưng có một số tác giả lại “yếu” về phần chuyên môn chứng khoán nên sách ít thuyết phục.
Mỗi loại sách có những ưu, nhược điểm khác nhau. Tùy theo nhu cầu và trình độ mà NĐT có thể chọn mua loại sách phù hợp. Tỷ như, nếu là NĐT muốn “phổ cập” kiến thức chứng khoán thì nên mua những cuốn căn bản như: chứng khoán ABC, thường thức chứng khoán, chứng khoán nhập môn… và đọc, làm quen trước để khỏi “bị dội” khi đọc qua những cuốn sách viết ở trình độ cao hơn. Còn nếu không am hiểu hoặc không cần quan tâm sâu về TTCK, không có thời gian “đọc lý thuyết”, nên chọn những cuốn sách có nội dung truyền đạt những kinh nghiệm, cách đầu tư chứng khoán bằng những ví dụ thực tế. NĐT muốn hiểu luật để “khỏi ai ăn hiếp” có thể chọn những cuốn do các luật sư viết.
NGUYỄN TẤN VIỆT
Thuật ngữ chứng khoán Tính thanh khoản: Là một khái niệm trong chứng khoán chỉ mức độ mà một cổ phiếu bất kỳ có thể được mua hoặc bán trên thị trường mà không làm ảnh hưởng đến giá trị của chính cổ phiếu đó. Hay nói cách khác, cổ phiếu có tính thanh khoản cao là cổ phiếu có khả năng chuyển hóa thành tiền mặt dễ dàng. Một cổ phiếu có tính thanh khoản cao không phải là cổ phiếu đó có mệnh giá hay thị giá cao hay thấp mà nó phụ thuộc vào các yếu tố: Thứ nhất là kết quả kinh doanh của công ty phát hành cổ phiếu: Nếu đơn vị phát hành cổ phiếu hoạt động kinh doanh có hiệu quả, trả cổ tức cao thì sẽ thu hút nhà đầu tư quan tâm và cổ phiếu thực sự dễ mua bán trên thị trường. Ngược lại, nếu công ty làm ăn kém hiệu quả, không trả cổ tức hoặc cổ tức thấp thì giá trị cổ phiếu sẽ giảm và khó bán. Thứ hai là mối quan hệ cung cầu trên thị trường chứng khoán: Thị trường cổ phiếu cũng như các loại thị trường hàng hóa khác đều chịu sự chi phối của quy luật cung - cầu. Trị giá của các cổ phiếu trên thị trường không chỉ phụ thuộc vào giá cả mà còn phụ thuộc vào nhu cầu của nhà đầu tư. Ví dụ một loại cổ phiếu rất tốt nhưng thị trường đang bão hòa nguồn cung – cầu hoặc cung nhiều hơn cầu thì cổ phiếu đó cũng khó có khả năng bán giá cao – thanh khoản tốt trên thị trường. Ngược lại, thị trường đang khan hiếm hàng hóa thì ngay cả những cổ phiếu “chất lượng kém” cũng có thể mua bán dễ dàng. TỔ TƯ VẤN |