Thị trường quốc tế của hàng không Việt Nam đã tăng trưởng trở lại

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ GTVT vào sáng 3-7, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục hoàn toàn và tăng nhẹ so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Thị trường quốc tế của hàng không Việt Nam đã tăng trưởng trở lại

Cụ thể, thị trường hàng không quốc tế đã tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019 - năm trước dịch Covid-19. Các hãng hàng không Việt Nam chiếm 44% thị phần hành khách quốc tế với hệ số sử dụng ghế trung bình trên 77%.

Theo lịch bay mùa hè 2024, 63 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn đường bay quốc tế như giai đoạn trước dịch Covid-19. Đồng thời, các hãng đang tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Australia.

Trong đó, Hàn Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất, đạt 5,3 triệu khách trong 6 tháng qua. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 2,5 triệu khách, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 62% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường Trung Quốc đã quay trở lại vị trí thứ 2 trong số 10 thị trường quốc tế lớn nhất trong quý 2.

Cục Hàng không Việt Nam đặt mục tiêu, trong năm 2024, thị trường vận tải hàng không đạt 78,3 triệu khách (34,8 triệu khách nội địa và 43,5 triệu khách quốc tế) và 1,21 triệu tấn hàng hóa, tăng 7,7% về hành khách và 13,4% về hàng hóa so với năm 2023.

Trong thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam sẽ phối hợp với các hãng hàng không, cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, để nắm bắt các nhu cầu nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hãng hàng không mở mới, tăng cường những đường bay thẳng giữa Việt Nam và các quốc gia/vùng lãnh thổ, đặc biệt là việc khai thác trở lại các đường bay quốc tế đến các điểm du lịch như: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.

Cục Hàng không Việt Nam cũng theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, đội máy bay của các hãng hàng không, đặc biệt các hãng hàng không đang thực hiện tái cơ cấu như Bamboo Airways, Pacific Airlines để đảm bảo hoạt động khai thác an toàn, an ninh cũng như đảm bảo quyền lợi của hành khách.

Thông tin từ hội nghị cho biết, hiện các hãng vẫn đang gặp khó khăn do thiếu máy bay khai thác. Trong đó, Vietnam Airlines đang phải tạm dừng 12 máy bay A321NEO do ảnh hưởng bởi triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney và 2 máy bay A350 bị ảnh hưởng của động cơ RollRoyce.

Đến cuối năm 2024, 17 chiếc máy bay A321NEO, 3-5 chiếc A350 cũng sẽ ảnh hưởng bởi lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất. Quá trình đưa động cơ vào bảo dưỡng kéo dài đến 300 ngày, gần gấp 3 lần thời gian trước kia. Do đó, việc thiếu máy bay sẽ còn tiếp diễn đến nửa đầu năm 2025. Hãng đang tiếp tục làm việc với nhà sản xuất để có phương án xử lý.

Tin cùng chuyên mục