Thông tin nói trên được ông Abir Aich, Phó Chủ tịch điều hành học thuật, nội dung và công nghệ Tập đoàn Aptech toàn cầu chia sẻ tại Hội thảo quốc tế Bùng nổ sáng tạo cùng công nghệ phim trường ảo, tổ chức sáng 11-8 tại TPHCM.
Sự kiện do Học viện Kỹ xảo điện ảnh và hoạt hình MAAC, Arena Multimedia cùng Tập đoàn Aptech (Ấn Độ) phối hợp tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, một số nhà sản xuất phim cùng hàng trăm sinh viên đang quan tâm, theo đuổi lĩnh vực này.
Đề cập riêng đến thị trường Ấn Độ, ông Abir Aich dẫn chứng số liệu từ báo cáo mới của Grand View Research, Inc, quy mô thị trường sản xuất ảo tại nước này dự kiến đạt 507,1 triệu USD (2030), tương đương tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 22%, giai đoạn 2023-2030.
Theo đại diện Aptech, khái niệm phim trường ảo ngày càng phổ biến. Nó là sự pha trộn giữa làm phim truyền thống với hệ thống công nghệ mô phỏng hình ảnh CGI theo thời gian thực và công nghệ kỹ thuật số, tạo ra môi trường tương tác, hấp dẫn để kể chuyện bằng hình ảnh.
Ngày càng có nhiều nhà làm phim lựa chọn phim trường ảo để làm phim do tính hiệu quả và sự tiện lợi. Dẫn chứng, nhiều bom tấn kỹ xảo trên thế giới đã áp dụng công nghệ này từ TV series như Mandalorian (2019), House of dragon (2022), Percy Jackson and the Olympians (2023)… cho đến các phim điện ảnh đình đám: Thor: Love and Thunder (2022), Top gun: Maverick (2022), Black Adam (2022), Megalopolis (2024)…
Thị trường Việt Nam, công nghệ này dù còn tương đối mới mẻ nhưng cũng đã được áp dụng trong sản xuất phim điện ảnh, trong đó phải kể đến 1 số phân cảnh trong hai phần phim Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh và Lật mặt 7: Một điều ước.
Việc ứng dụng phim trường ảo trong sản xuất các dự án TV series hay phim điện ảnh, theo ông Abir Aich bởi nhiều lý do, như giải phóng sự tự do sáng tạo, tiết kiệm thời gian và chi phí, giảm nhu cầu về một địa điểm thực tế, tăng tính linh hoạt và lặp lại, tăng tính hợp tác...
Ông Trần Hoàng Hải, nhà sáng lập LumiGrade Media cũng đồng tình khi cho rằng, công nghệ phim trường ảo đang góp phần làm thay đổi cách làm phim hiện tại.
Trước đây, với hình thức sản xuất phim truyền thống phải trải qua các công đoạn: kịch bản, tiền sản xuất, sản xuất, hậu kỳ, phát hành...
Hiện nay, với công nghệ phim trường ảo, giai đoạn tiền sản xuất sẽ được tích hợp cả việc thiết kế, xây dựng 3D cho đến hiệu ứng từ đó giảm nhẹ công việc cho giai đoạn sản xuất và hậu kỳ.
Ông Hải cho biết, với công nghệ này các đoàn phim có thể thực hiện 5-7 bối cảnh khác nhau từ trên rừng, dưới biển, dưới nước... chỉ trong một ngày và hạn chế được rủi ro ở mức tối đa. Để làm được việc này cần phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng ở khâu tiền kỳ.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này của Việt Nam tham gia buổi hội thảo, dù có nhiều tiềm năng song thực tế việc ứng dụng phim trường ảo vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Bởi công nghệ này còn khá mới mẻ, cần thêm thời gian để tạo niềm tin, thuyết phục các đạo diễn, nhà sản xuất.