Trông người...
Tại một số quốc gia có định hướng xây dựng nền điện ảnh phát triển, có bản sắc, nhà nước đã ban hành những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, toàn diện. Tại Trung Quốc, hạn ngạch nhập khẩu phim dựa trên cơ sở chia sẻ doanh thu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hiện nước này chỉ cấp phép 34 phim được nhập khẩu/năm (năm 1994 là 10 phim, năm 2001 là 20 phim). Về chia sẻ doanh thu, Trung Quốc chỉ cho phép tỷ lệ ăn chia trả cho chủ phim Hollywood vào khoảng 25%, trong khi đó tỷ lệ này tại Bắc Mỹ là khoảng 50% và trên toàn cầu (ngoại trừ Trung Quốc) là 40% và Việt Nam tuần đầu là 55% - 60%.
Chính sách này giúp hạn chế doanh thu từ phòng vé chuyển về cho các nhà làm phim nước ngoài.
Năm 2014, Trung Quốc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, yêu cầu kho bạc nhà nước hàng năm phải dành ra 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 15 triệu USD) để hỗ trợ sản xuất 5-10 phim.
Tại Hàn Quốc, nếu những năm 1980 - 1990, thị phần của phim điện ảnh Hollywood thống lĩnh tới 70% - 80% doanh thu phòng vé, thì cán cân này đã dần thay đổi nhờ chính sách hạn mức chiếu phim cho các rạp của chính phủ.
CGV với hệ thống rạp lớn nhất đang thâu tóm thị trường điện ảnh Việt
Một giai đoạn dài, nhà nước yêu cầu thời lượng 40% trong ngày các rạp phải chiếu phim Hàn Quốc, sau đó thời lượng này giảm xuống còn 20% do áp lực của đàm phán thương mại WTO.
Nhưng đến khi đó thì công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã rất mạnh. Đến nay, thị phần doanh thu phim nội địa tại Hàn Quốc chiếm 60%. Số lượng khán giả tăng từ hơn 61 triệu lượt (năm 2000) lên hơn 217 triệu lượt (năm 2015).
Số phim sản xuất trong nước tăng từ 57 lên 232 phim (năm 2015), tổng doanh thu đạt khoảng 1,83 tỷ USD. Ủy ban Chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) sau khi thành lập năm 1973 đã tạo nên những bước đột phá lớn với rất nhiều chương trình hiệu quả, giúp nền điện ảnh nước này có những bước tăng trưởng đáng kinh ngạc.
Pháp lấy toàn bộ thuế đánh vào phim điện ảnh ở rạp tạo thành quỹ để hỗ trợ lại điện ảnh và nhiều chính sách tài chính cũng như chính sách bảo hộ khác. Ấn Độ kể từ năm 2009 đã ấn định tỷ lệ phân chia doanh thu cố định, theo đó bên sản xuất/phát hành phải được hưởng ít nhất 50% doanh thu trong tuần chiếu thứ nhất và 42.5% trong tuần chiếu thứ hai.
... Ngẫm đến ta
Năm 2015, Bộ VH-TT-DL đặt hàng ông Jakob Kirstein Hogel, Ủy viên Quỹ điện ảnh Tây Đan Mạch, nghiên cứu “Các chính sách hỗ trợ và khuyến khích để bảo vệ và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia”. Nghiên cứu này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của phim ảnh trong việc định hình bản sắc quốc gia.
“Nếu chính sách và ưu đãi của nhà nước được áp dụng phù hợp với năng lực của cộng đồng các nhà làm phim, phù hợp với thị hiếu của khán giả và hình thức phát hành thì một nền điện ảnh quốc gia hùng mạnh có thể được tạo dựng, một bản sắc quốc gia được củng cố vững chắc sẽ hình thành”, ông Jakob nhấn mạnh. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thị trường điện ảnh Việt hiện nay, vẫn còn khá nhiều bất cập.
Không còn bao cấp, cơ chế chính sách phim đặt hàng còn nhiêu khê, chưa có quỹ điện ảnh... khiến phim nhà nước hoàn toàn vắng bóng trong khoảng 2 năm trở lại đây, đẩy thị trường điện ảnh nghiêng về phía tư nhân.
Điện ảnh Việt dù đang tăng trưởng ở mức ấn tượng 20% - 25%/năm, doanh thu thị trường năm 2017 có thể cán mốc hơn 3.200 tỷ đồng với khoảng 45 triệu lượt khán giả (so với hơn 2.800 tỷ đồng - 38 triệu lượt khán giả năm 2016) nhưng bất cập lại nằm chính ở việc thị phần rạp chiếu và doanh thu phần lớn thuộc về các đơn vị nước ngoài.
Cụ thể, tính riêng CGV và Lotte Cinema (đều đến từ Hàn Quốc) đã chiếm lĩnh đến hơn 60% thị phần số phòng chiếu và doanh thu vé. CGV cũng có kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư khoảng 200 triệu USD cho các hoạt động liên quan đến điện ảnh. Riêng năm 2017, đơn vị này đã đầu tư xây dựng 14 cụm rạp.
Điều đáng nói là tình trạng công ty nước ngoài nắm giữ đa số thị phần trong ngành điện ảnh, văn hóa ít khi xảy ra tại các nước có nền điện ảnh phát triển. Tại Hàn Quốc, 3 hệ thống rạp phim nội địa lớn chiếm hơn 92% thị phần. Tại Trung Quốc con số này là 95%; Thái Lan khoảng 80%; Indonesia, Malaysia hơn 70%...
“Điện ảnh tư nhân mới được nhà nước mở cửa cho phát triển từ đầu những năm 2000 trở đi, vốn chưa nhiều, tiềm lực chưa mạnh đủ. Trong khi đó, các tập đoàn lớn nước ngoài vào Việt Nam với vốn lớn, bề dày kinh nghiệm và đang có nhiều biểu hiện chèn ép để thống lĩnh thị trường điện ảnh Việt”, báo cáo của Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim cho biết.
Đại diện một nhà sản xuất cho rằng: “Cần có quy định về việc tỷ lệ ăn chia tối thiểu cho phim Việt Nam của các nhà sản xuất trong tuần đầu tiên; đảm bảo giờ chiếu, suất chiếu cơ bản cho các phim Việt ra rạp để khán giả có cơ hội biết đến và là người quyết định suất chiếu của phim”.
Theo bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Tổ hợp truyền thông và giải trí Mega GS, chính những đặc thù ở lĩnh vực kinh doanh văn hóa nên rất cần những chính sách bảo trợ nền điện ảnh nước nhà, cần sự kiểm soát chặt chẽ, không để doanh nghiệp Việt phải chịu thiệt thòi không đáng có. Nhà sản xuất Mai Thu Huyền cũng có chung quan điểm: “Tôi chỉ mong các cơ quan quản lý có những biện pháp cụ thể giúp doanh nghiệp Việt Nam để thị trường phát hành phim hiện nay thực sự là cuộc cạnh tranh công bằng, sòng phẳng”