Tung chiêu kích cầu
“Cơn bão” giảm giá ô tô vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, các hãng xe tiếp tục công bố mức giá giảm cho các sản phẩm của mình, trong đó có cả những mẫu bình dân lẫn hạng sang. Điều đáng chú ý là dù các nhà sản xuất chỉ đưa ra những chương trình ưu đãi như hỗ trợ phí trước bạ, mua xe kèm quà tặng... nhưng các đại lý lại sẵn sàng trừ thẳng tiền mặt vào giá xe cho khách hoặc giảm giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để kích cầu. Cụ thể, các đại lý của Toyota đang giảm giá khoảng 50 triệu đồng cho mẫu Vios, kéo giá bán thực tế hiện xuống dưới mốc 500 triệu đồng, thấp hơn khá nhiều so với thời điểm đầu năm 2017. Phiên bản cũ của mẫu xe Camry cũng được đại lý giảm giá 75 - 100 triệu đồng. Tương tự, Công ty Ô tô Trường Hải (THACO) tiếp tục giảm giá hàng loạt mẫu xe Mazda do hãng phân phối tại Việt Nam. Trong đó, giảm giá nhiều nhất đợt này là mẫu sedan hạng trung Mazda 6 (giá giảm 45 - 106 triệu đồng cho cả 3 phiên bản); mẫu xe Mazda CX-5 2017 sau đợt giảm giá kỷ lục vào các tháng trước tiếp tục giảm thêm 20 - 41 triệu đồng, cho cả 3 phiên bản.
Ô tô đợi khách mua tại một cửa hàng Hyundai . Ảnh: Cao Thăng
Dẫn đầu trong danh sách giảm giá hiện nay là mẫu SUV Pajero Sport của liên doanh Mitsubishi Việt Nam. Đặc biệt là mẫu SUV 7 chỗ Pajero Sport được giảm lên tới 198 triệu đồng, kéo giá bán ở mức chỉ từ 704 triệu đồng. Ngoài ra, tất cả các mẫu xe Mitsubishi đều được ưu đãi 40 - 170 triệu đồng, tùy từng phiên bản, nhưng rất ế ẩm. Đối với hãng Honda, sau khi giảm giá “sốc” cho dòng Honda CR-V, đưa phiên bản 2.0AT chạm đáy 730 triệu đồng, giá bản 2.4AT và 2.4AT-TG lần lượt là 766 triệu và 835 triệu đồng, hiện nay giá bán hầu như không có sự thay đổi nhiều. Sau khi giảm giá dòng Honda CR-V, lượng khách đặt mua tại các đại lý tăng lên, nhưng nhiều người khá thất vọng vì bị “bẻ kèo” khi được thông báo chỉ khuyến mại nội bộ, không còn xe. Trên thực tế, đây là một trong những chiêu bài lôi kéo khách hàng của các đại lý ô tô nhằm bán các dòng ít được ưa chuộng, đang ế ẩm. Do đó, sau khi tung chiêu nhưng không có xe bán, các đại lý thường đưa ra điều kiện trả lại tiền cọc hoặc khách hàng sẽ phải chi thêm tiền để mua phiên bản khác cao hơn hoặc hoán đổi dòng thấp hơn để đẩy bán các dòng đã lỗi mốt.
Xe nhập khẩu khó giảm
Mặc dù giá ô tô đã giảm khá mạnh, nhưng sức mua vẫn ảm đạm. “Có lẽ do tâm lý chờ thuế nhập khẩu về 0% và thuế tiêu thụ đặc biệt giảm thêm nên sức mua khá chậm, giảm khoảng 50% so với thời điểm trước. Với động thái giảm giá sâu ở nhiều dòng xe, các đại lý gần như không còn lợi nhuận hoặc lãi rất ít, nhưng vẫn buộc phải áp dụng để kích cầu và đạt chỉ tiêu đề ra”, đại diện Toyota Đông Sài Gòn cho biết.
Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy, trong tháng 9, toàn thị trường ô tô chỉ bán được 21.216 xe, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ô tô du lịch giảm 7%, xe thương mại giảm 7% và xe chuyên dụng giảm 18% so với cùng kỳ. Tính chung trong 9 tháng năm 2017, lượng xe nhập khẩu (bao gồm ô tô dưới 9 chỗ, ô tô tải, ô tô trên 9 chỗ) là 71.559 chiếc, giảm 7,7% về lượng và 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Theo đại diện VAMA, thực trạng thị trường 9 tháng qua cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh ô tô đang đối mặt với lượng hàng tồn ngày càng lớn. Trong khi đó, chỉ còn hơn 2 tháng nữa tới năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN sẽ về 0%, hàng loạt mẫu xe mới đang sẵn sàng chờ để nhảy vào thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng càng có lý do để chờ đợi một đợt giảm giá “về đáy” vào thời điểm đầu năm 2018. Ngoài tâm lý chờ đợi của khách hàng, yếu tố quan trọng dẫn đến thị trường suy giảm mạnh là người tiêu dùng cảm thấy hoang mang trước các đợt giảm giá liên tiếp vừa qua. Điều này đã tạo nên bức tranh u ám, bao phủ thị trường ô tô trước thời điểm 2018.
Nhiều chuyên gia đánh giá, thuế nhập khẩu 0% chỉ áp dụng cho những xe sản xuất tại khu vực ASEAN đạt tiêu chuẩn nội địa hóa liên khối 40% trở lên. Những xe nhập khẩu từ các quốc gia khác hoặc không đạt điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa sẽ không được hưởng ưu đãi này. Chưa kể, trong một diễn biến mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2017 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô; có hiệu lực từ ngày 17-10-2017. Đáng chú ý, quy định mới này không hề cởi trói cho nhập khẩu ô tô như nhiều người mong đợi, mà còn siết chặt hơn so với các quy định cũ. “Với những điều kiện mới ban hành, giá ô tô nhập khẩu phải đóng phí khoảng 30 - 40 triệu đồng cho mỗi lô hàng và bị kiểm soát gắt gao. Như vậy, khi số lượng xe nhập khẩu vào không nhiều và chi phí tăng lên thì giá ô tô khó có thể giảm, thậm chí sẽ xảy ra tình trạng thao túng giá nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ phía Nhà nước”, ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH XNK Ô tô Hoàng Sơn (quận Bình Tân), nhận định.
Dự báo, năm 2018 sẽ là năm sôi động của các mẫu xe nhỏ nhập khẩu khi thuế tiêu thụ đặc biệt giảm còn 35% với xe có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống; giảm còn 40% với xe 1.5L đến 2.0. Với xe sản xuất lắp ráp trong nước, các cơ quan chức năng đang xem xét phương án giảm thuế suất thuế nhập khẩu bộ linh kiện từ mức 15% hiện nay xuống còn 7%.