Thị trường ô tô điện: “Trăm hoa đua nở” nhưng thiếu hạ tầng

Ngoài ô tô điện của VinFast, gần đây các hãng xe điện của nước ngoài cũng có kế hoạch đưa nhiều dòng xe vào tiêu thụ tại Việt Nam, với đa dạng mức giá. Xe điện lăn bánh ở các thành phố lớn ngày càng nhiều, nhưng bên cạnh nỗi lo hạn chế hệ thống trạm sạc pin, là thiếu vắng nhiều quy chuẩn, quy định trong quản lý liên quan đến loại xe này.

Nhiều thương hiệu ngoại xuất hiện

Cuối năm 2021, xe điện phổ thông bắt đầu được nhắc đến nhiều tại Việt Nam sau khi VinFast chính thức trình làng mẫu xe thuần điện đầu tiên - VinFast VF e34. Kể từ thời điểm đó, thị trường ô tô điện dần định hình và ghi nhận doanh số liên tục tăng trưởng. Trong vòng 2 năm trở lại đây, các hãng xe danh tiếng như BMW, Mercedes… cũng đã đưa các dòng xe điện vào Việt Nam. Song, với mục tiêu thăm dò, các “ông lớn” này vẫn chưa phát triển mạnh mẽ các dòng xe, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, phần lớn vẫn chỉ tập trung nhập khẩu một số dòng ô tô điện cao cấp, với giá từ 3-5 tỷ đồng/ chiếc. Đơn cử, Mercedes-Benz công bố bán xe điện dòng EQS tại Việt Nam với 2 mẫu là 450+ và 580 4MATIC, giá bán lần lượt là hơn 4,8 tỷ đồng và hơn 5,9 tỷ đồng.

E5a.jpg
Trạm sạc ô tô điện VinFast trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: CHÍ HÙNG

Tương tự, BMW công bố 2 mẫu xe điện là i4 và iX3 cho thị trường Việt Nam, giá bán từ 3,4 tỷ đồng; Audi cũng đã đưa về thị trường Việt Nam các mẫu e-tron, e-tron GT và RS e-tron GT, giá từ 2,97 tỷ đồng. Trong khi đó, hãng xe điện BYD (Trung Quốc) quyết tâm giành lợi thế tại thị trường Việt Nam bằng một kế hoạch quy mô và dự kiến 15/30 showroom trên toàn quốc sẽ được ra mắt trong tháng 6 này. Trước đó, TMT Motors cũng đã công bố hợp tác với SGMW (liên doanh SAIC - GM - Wuling Automobile) đưa mẫu xe điện Wuling Hongguang ra thị trường, với 4 phiên bản cùng mức giá dao động từ 239-279 triệu đồng/chiếc. Một cái tên khác đến từ Trung Quốc là Great Wall Motor (GWM), sau khi ra mắt mẫu SUV hybrid Haval H6 HEV (giá hơn 1 tỷ đồng), nhà phân phối của đơn vị này đưa mẫu Haval Jolion bản xăng và hybrid vào Việt Nam trong quý 2-2024...

Theo quy định mới nhất vừa được Bộ GTVT ban hành (sẽ có hiệu lực từ ngày 5-10-2024), các trạm dừng nghỉ xây dựng trên các tuyến cao tốc, quốc lộ phải có trạm sạc, cũng như điểm đậu dành riêng cho ô tô điện. Các trạm dừng nghỉ loại 1 (có tổng diện tích 10.000m2 trở lên và khu vực đậu xe từ 5.000m2 trở lên) và các trạm dừng nghỉ loại 2 (có tổng diện tích 5.000m2 trở lên, bãi đậu xe từ 2.500m2 trở lên) bắt buộc phải có số lượng vị trí đậu cho xe điện vào sạc chiếm tối thiểu 10% tổng vị trí đậu xe. Còn đối với những trạm dừng nghỉ loại 3 và loại 4 (có diện tích khai thác tối thiểu lần lượt từ 3.000m2 và 1.000m2 trở lên), quy định khuyến khích xây dựng số lượng vị trí đậu và sạc dành cho xe điện chiếm 10% dung lượng bãi xe. Tuy nhiên, ở bình diện lớn hơn, nhiều quy định liên quan đến việc quản lý xe điện vẫn còn thiếu khiến người sử dụng xe điện gặp khó.

Theo ông Liu Xueliang, Tổng Giám đốc BYD Auto khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng của công ty ở khu vực, bởi với hơn 100 triệu người, lại phần lớn là người trẻ quan tâm tới công nghệ. Mặc dù nhiều cái tên đến từ Trung Quốc tham gia thị trường ô tô điện tại Việt Nam nhưng cho đến hiện tại, dẫn dắt thị trường về quy mô bán ra vẫn là VinFast, thành viên của Tập đoàn Vingroup. Trong quý 1-2024, hãng xe này đã bán ra 8.200 chiếc, gồm cả xe bán cho các hãng taxi.

Ở phân khúc tầm trung, hãng xe nội địa VinFast cũng đưa ra nhiều dòng xe dao động trên dưới 1 tỷ đồng; và chỉ duy nhất mẫu xe VS 9 cao cấp có giá 1,9 tỷ đồng. Một số hãng xe cùng phân khúc giá tầm trung cũng nhập khẩu vào Việt Nam như Huyndai IONIQ 5 giá từ 1,3 tỷ đồng… Trên thực tế, Việt Nam là thị trường ô tô xét về doanh số lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Theo đánh giá của các hãng ô tô, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng bởi nhu cầu mua ô tô rất lớn, trong khi ngành ô tô nội địa chưa phát triển mạnh. Trung bình hàng năm, thị trường tiêu thụ khoảng 400.000 chiếc và dự báo lượng tiêu thụ có thể sẽ đạt mốc 560.000- 570.000 chiếc vào năm 2024; khoảng 600.000-610.000 chiếc vào năm 2025.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố cho biết, thị trường xe điện tuy nhỏ nhưng có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Theo Công ty Chứng khoán SSI, xe điện đã trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam, chiếm 6% doanh số tiêu thụ xe du lịch trong năm 2023. Còn ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nhận định, xu hướng xe điện trong năm 2024 sẽ tiếp tục bùng bổ và nhu cầu người tiêu dùng tìm đến dòng xe này sẽ tăng cao.

Trạm sạc - yêu cầu bức thiết

Một trong những lợi thế cạnh tranh giữa các hãng xe điện đó là trạm sạc. Chính vì vậy, Vingroup đã thành lập Công ty Phát triển trạm sạc toàn cầu V-Green, với mục đích đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc nhằm hỗ trợ tối đa cho VinFast nhanh chóng vươn ra toàn cầu. Đồng thời, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup cho hay, sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới để nâng tổng mức đầu tư cho hạ tầng lên gấp 3 lần so với kế hoạch ban đầu, hướng đến mục tiêu phủ trạm sạc trên khắp đất nước. Để giữ lợi thế, VinFast cũng chưa có chiến lược cho các hãng dùng chung trạm sạc trong ít nhất 5 năm. Về phía BYD, tập đoàn xe điện này chọn hướng đi không phát triển hạ tầng trạm sạc như VinFast. Khách hàng mua xe BYD giai đoạn đầu có thể sạc tại nhà, trạm sạc nhanh ở đại lý và của bên thứ 3.

Bởi theo quan điểm của BYD, trạm sạc là mảng kinh doanh rất riêng, cơ hội cho các nhà cung cấp trạm sạc. Hãng này cho rằng, nếu thị trường đón nhận tốt thì hạ tầng tự khắc sẽ phát triển theo, có nghĩa khi thị trường xe điện đủ lớn sẽ mở ra thị trường “trạm sạc” ô tô điện. Các hãng xe khác như BMW, Huyndai… đều không có chiến lược đầu tư trạm sạc riêng tại Việt Nam mà chỉ ở một vài điểm tại các đại lý, công ty nên khách hàng mua xe phải tự trang bị bộ sạc tại nhà. Đây cũng là điều khiến nhiều người muốn sở hữu xế hộp chạy điện còn chần chừ, vì hạ tầng các trạm sạc của các hãng này còn hạn chế. Các thương hiệu khác như Audi, Porsche hay Mercedes-Benz vẫn có trạm sạc cho khách hàng, tuy nhiên số lượng vẫn còn ít, hầu hết chỉ lắp đặt tại showroom hoặc nhà máy của hãng. Đại diện Audi Việt Nam cho biết, dự kiến sắp tới mở rộng thêm khoảng 15 điểm sạc tại TPHCM.

Theo ghi nhận, cho đến nay EV One được xem là thương hiệu triển khai trạm sạc độc lập đầu tiên tại Việt Nam. Thương hiệu này không phân phối xe điện, thay vào đó mang đến hạ tầng sạc cho các đối tác (đang là đối tác của Audi ở Việt Nam). Khách hàng khi mua xe điện Audi sẽ được hỗ trợ lắp hệ thống sạc của EV One tại nhà. Trong tương lai, EV One sẽ phát triển các trạm sạc độc lập với hãng để phục vụ khách hàng sử dụng xe điện. Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô từng nhiều năm làm việc cho hãng Volkswagen (Đức), chia sẻ, hạ tầng sạc điện là bài toán cần giải quyết, rồi mới tính đến chuyện phát triển ngành ô tô điện. Các hãng đều hứa hẹn sẽ phát triển hạ tầng trạm sạc nhưng thực tế chỉ bán xe, chưa ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng. Lúc này, rất cần thiết có chính sách ràng buộc các hãng xe, doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất ô tô điện tại Việt Nam cùng đầu tư hạ tầng trạm sạc, gia tăng tiện ích cho khách hàng, thay vì chỉ chú trọng bán xe kiếm lời.

Ngày 16-7-2014, Chính phủ ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, nhận định đây là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn. Mục tiêu đến năm 2025, sản lượng đạt hơn 466.000 chiếc, năm 2035 đạt hơn 1,5 triệu chiếc, tỷ lệ xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78%.

Nhiều chuyên gia ô tô nhìn nhận, để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thật sự phát triển, nước ta cần phải đạt mức tiêu thụ khoảng 600.000 xe/năm. Các cơ quan hoạch định chính sách chiến lược phải có cơ chế đột phá, ưu tiên phát triển, thì đến đầu những năm 2030, sức tiêu thụ thị trường ô tô tại Việt Nam mới có thể đạt 1 triệu xe/năm.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính chung cả năm 2023, các đơn vị thành viên VAMA có tổng doanh số bán 301.989 xe các loại, giảm tới 25% so với năm 2022. Điều đáng chú ý, cả ba phân khúc xe đều giảm mạnh, trong đó ô tô du lịch giảm 27%, xe thương mại giảm 16% và xe chuyên dụng giảm đến 56%.

Tin cùng chuyên mục