Một showroom ô tô trên đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp) chuyên bán xe nhập từ châu Âu vắng khách. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Quan sát thị trường ô tô tại TPHCM vào cuối tháng 11, cho thấy không khí rất vắng lặng. Các showroom xe mới có mặt bằng rộng lớn tại phường An Lạc (quận Bình Tân), quận Gò Vấp, quận 7, quận 12… lác đác khách đến xem. Đa phần khách hàng quan tâm đến những dòng xe có giá từ 600 – 800 triệu đồng, thuộc các thương hiệu của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nhiều mẫu xe mới đang được trưng bày tại showroom Mazda Tân Sơn Nhất (quận Phú Nhuận). Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Theo các đại lý ô tô ở TPHCM, thời điểm cuối năm rất quan trọng trong kinh doanh ô tô mới. Các hãng và đại lý chấp nhận không có lãi ở những tháng đầu năm nhưng doanh số cuối năm tăng sẽ giúp bù đắp lợi nhuận. Năm nay, sức mua đến những tháng cuối năm vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi nên hãng và đại lý không thể cắt giảm, thậm chí phải tiếp tục đẩy mạnh ưu đãi. “Những tháng gần đây, các hãng, đại lý ô tô đã làm đủ các phương thức để kích cầu nhưng không hiệu quả lắm. Hãng buộc phải đẩy sản phẩm mới ra sớm hơn, với hy vọng tạo cú hích cho thị trường xe mới vào dịp giáp Tết Nguyên đán 2024”, anh Tấn Đạt, nhân viên kinh doanh showroom Mazda Tân Sơn Nhất (quận Phú Nhuận) chia sẻ.
Showroom Mazda Gò Vấp bày biện nhiều xe mới, nhưng lác đác khách hàng đến xem. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, trong tháng 10-2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 25.369 xe. Trong đó, xe du lịch là 19.624 xe, xe thương mại là 5.604 và xe chuyên dụng là 141 xe. Con số này gần bằng tháng 9-2023, nhưng giảm 31% so với tháng 10-2022. Doanh số xe du lịch giảm 0,2%; xe thương mại tăng nhẹ 1% và xe chuyên dụng giảm 14% so với tháng trước.
VAMA cho biết thêm, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 16.414 xe, giảm 1% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.955 xe, tăng 2% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng qua, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường của các thành viên VAMA đạt 235.296 xe, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xe du lịch giảm 32%, xe thương mại giảm 16% và xe chuyên dụng giảm 60%. Như vậy, các con số này cho thấy thị trường ô tô chưa thể khởi sắc dù đây đã là thời điểm cuối năm.
Các showroom ô tô tại TPHCM đang trông chờ khách hàng dịp cuối năm này. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, trong tháng 11 và tháng 12 tới, các hãng sẽ tiếp tục đưa về Việt Nam hàng loạt mẫu xe mới. Chẳng hạn, Huyndai đưa ra mẫu Custin 7 chỗ, giá từ 1,1 đến 1,5 tỷ đồng/chiếc; Mitsubishi nhập về mẫu SUV hoàn toàn mới Xforce, giá bán khoảng 700 triệu đồng/chiếc; Suzuki đưa về mẫu SUV cỡ nhỏ Jimny với giá hấp dẫn, chỉ khoảng 500 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, hãng xe MG có thêm mẫu HS bản hybrid và MG 7 – cùng phân khúc Mazda 6, Camry. Bên cạnh đó, các hãng xe cũng tiếp tục chạy chương trình ưu đãi lớn. Cụ thể, Toyota, Ford, Subaru… đều giảm giá trực tiếp trên mỗi chiếc ô tô, tặng 50%-100% lệ phí trước bạ, tặng thẻ dịch vụ.
Hãng xe MG đang có nhiều chương trình khuyến mãi "khủng" cho khách hàng. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước. Kể từ ngày 1-7-2023 đến hết ngày 31-12-2023, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ. Việc áp dụng chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước lần này dù đã có tác động nhất định tới việc tăng sức mua, nhưng vẫn chưa mang lại khối lượng tiêu thụ và doanh số bán hàng như kỳ vọng.
Theo một số chuyên gia kinh tế, việc doanh số bán ô tô tiếp tục sụt giảm mạnh kể cả khi đang áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cho thấy suy thoái kinh tế vẫn còn tiếp diễn, cộng thêm các diễn biến bất ổn, khó lường của kinh tế - chính trị - xã hội toàn cầu trong những tháng qua đã gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.