Dư địa hấp dẫn
Liên quan đến vấn đề này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM, cho biết tính từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng đóng góp chính cho nền kinh tế với mức tăng trưởng đạt 11,18%. Đây cũng là ngành đang thu hút sự đầu tư ngoại kết nối với thị trường. Xét về thị trường, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 2-2019 cho thấy có 45,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 2 năm nay tốt hơn quý trước, 16,5% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,3% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Còn về dự kiến quý 3-2019, có 52% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên, 11,4% dự báo khó khăn hơn và 36,6% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Đây cũng chính là lý do mà nhiều doanh nghiệp ngoại ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này tại nước ta trong thời gian qua.
Đồng thuận với quan điểm này, về phía Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc nhận xét, xu hướng tiêu dùng thực phẩm chế biến tại Việt Nam đang có sự chuyển đổi nhất định. Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. Điều này xuất phát từ thực tế thực phẩm bẩn, thực phẩm có dư lượng thuốc kháng sinh, đang là nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc, nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó, để đón đầu xu hướng trên, doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tập trung đầu tư mạnh vào sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn organic, GlobalGap… Hiện Hàn Quốc cũng đang là quốc gia dẫn đầu đầu tư tại Việt Nam. Về phía doanh nghiệp trong nước, bà Lý Kim Chi cho biết thêm, hiện có đến 20% doanh nghiệp trong ngành chế biến lương thực - thực phẩm đã chuyển sang sản xuất sản phẩm hữu cơ.
Riêng với thị trường sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có quy mô thị trường đạt 9 tỷ USD/năm và tốc độ tăng trưởng sẽ duy trì ở mức trung bình 14%/năm. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực sản xuất còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên khả năng tham gia của doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Thực tế này đã tạo dư địa thị trường lớn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Tăng độ tin cậy thương hiệu hàng Việt
Ở góc độ ngược lại, việc thu hút mạnh đầu tư cũng gia tăng sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước. Do đó, để có thể tồn tại, nhất thiết doanh nghiệp trong nước phải nâng cao chất lượng sản xuất, cải thiện bao bì sản phẩm. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần thắt chặt kiểm soát nguồn thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh sử dụng trong thực phẩm, nuôi trồng nông - thủy - hải sản, giảm thiểu rủi ro cho hàng hóa xuất khẩu.
Còn với thị trường xuất khẩu, hiện Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt gần đây nhất là Việt Nam và Liên minh châu Âu đã hoàn thành ký kết hiệp định thương mại sau 9 năm theo đuổi. Điều này đã mở ra thị trường xuất khẩu rất lớn cho hàng hóa Việt, nhất là hàng nông - thủy - hải sản, thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi đạt được, doanh nghiệp trong nước cần chủ động đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm tốt, đặc biệt là phát triển thương hiệu và tăng độ tin cậy sản phẩm mang thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
Riêng với lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm, ông Hứa Phú Doãn, Phó chủ tịch Hội Thiết bị y tế TPHCM, nhấn mạnh hiện trong nước có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế nhưng sản phẩm ở cấp thấp, giá trị gia tăng không cao và chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh trong nước.
Do vậy, các cơ quan chức năng cần thiết phải có chính sách thúc đẩy để hoàn thiện chuỗi cung ứng hỗ trợ cho ngành. Mặt khác, có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư, chính sách thuế ưu đãi… Về lâu dài, có những điều kiện ràng buộc hệ thống đầu tư y tế công phải có giải pháp ưu tiên sử dụng hàng Việt. Có như vậy mới tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước gia tăng dần nội lực vốn, đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ cao.