Chưa biết việc này có tạo nên cú hích giúp thị trường nhạc Việt trở lại thời hoàng kim hay không, nhưng rõ ràng nó đáng để ghi nhận và kỳ vọng.
Lấn lướt khắp các bảng xếp hạng
Từ đầu năm đến nay, các sản phẩm âm nhạc của giới biểu diễn chuyên nghiệp vẫn liên tục được tung ra, nhưng đa phần đều không mấy tạo được hiệu ứng nổi bật. Ở thời buổi nghe nhìn trực tuyến lên ngôi, nếu lấy số lượng lượt nghe trên các bảng xếp hạng âm nhạc làm hàn thử biểu sẽ dễ dàng nhận ra điều này, khi hàng loạt ca khúc được đầu tư bài bản, chi phí ngất ngưởng và cả sử dụng sức mạnh truyền thông để tăng cường hiệu ứng đến với công chúng - đa phần các sản phẩm ấy đều nhanh chóng biến mất trên các bảng xếp hạng nhạc Việt. Một số bài hát có khả năng trụ trong tốp 10 ca khúc được nghe nhiều nhất mỗi tuần cũng chỉ đạt thứ hạng trung bình, không quá nổi bật.
Tuy nhiên, ở phía khác, một hiện tượng thú vị đang ngày càng trở thành xu hướng có ảnh hưởng mạnh mẽ, khi những tháng vừa qua, các sản phẩm của giới Indie/Underground ngày càng lan tỏa và trở nên thịnh hành trong cộng đồng người yêu nhạc Việt. Không khó để nhận ra các ca khúc nổi bật từ những tháng đầu năm 2018 đến nay hầu như đều đến từ giới Indie/Underground như Buồn của anh, Kém duyên, Cùng anh, Mình cưới nhau đi... và tất cả đều đến từ những tên tuổi xa lạ với showbiz và khán giả. Buồn của anh và Kém duyên đều có điểm chung là do Masew, một nhà sản xuất nghiệp dư của cộng đồng Underground tạo ra và mời những giọng ca nghiệp dư thu âm. Hai sản phẩm của Masew đều sở hữu hàng trăm triệu lượt nghe, có thời gian trụ hạng rất lâu trên các bảng xếp hạng.
Tiếp đó, thời gian gần đây, Vpop tiếp tục bị “xáo trộn” bởi 2 tên tuổi mới mẻ khác là Osad và Huy - Tùng Viu. Cũng như Ngọc Dolil (tác giả Cùng anh), 2 tên tuổi trên đến với âm nhạc hoàn toàn theo con đường nghiệp dư.
Trong đó, Người âm phủ của chàng sinh viên Osad nắm giữ vị trí cao nhất và Cô gái M52 của Huy - Tùng Viu liên tục bám đuổi sát nút. Cuộc cạnh tranh căng thẳng diễn ra suốt nhiều tuần giữa 2 ca khúc trên không để bất kỳ “kẽ hở” nào cho những sản phẩm của nghệ sĩ khác có cơ hội vươn lên.
Một ca khúc khác cũng tạo được nhiều ấn tượng với công chúng là Mình cưới nhau đi của Huỳnh James và Pjnboys. Chất nhạc mới mẻ trong ca khúc là món lạ trên bàn tiệc tràn ngập pop/ballad của nhạc Việt, đồng thời giúp Mình cưới nhau đi đứng vững ở tốp 3 bảng xếp hạng Zingchart trong nhiều tuần liên tiếp.
Có thể thấy, âm nhạc của những tác giả, nghệ sĩ Indie/Underground đã chiếm ưu thế áp đảo so với giới nghệ sĩ showbiz suốt những tháng đầu năm. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng nghệ sĩ bấy lâu vẫn bị khuất trong bóng tối của âm nhạc Việt.
Bước ra vùng ánh sáng
Thực ra, Underground không phải là thể loại hay phong cách âm nhạc mà chính xác là “cách thức” mà những người nghệ sĩ đưa hình ảnh và sản phẩm của mình đến với khán giả.
Khác với thứ âm nhạc được trình diễn công phu với hàng trăm ngọn đèn và trước hàng ngàn khán giả, những nghệ sĩ Underground sáng tác độc lập, hát bằng đam mê, lặng lẽ đăng tải online mà không phụ thuộc vào thị trường.
Thế nhưng, sự vụt sáng thời gian gần đây của giới Underground với các bản hit cực khủng trong thị trường nhạc số đã cho thấy một diện mạo mới của Underground Việt - không còn xù xì, gai góc mà thay bằng lớp áo mới, từ cảm thụ âm nhạc đến cách hòa âm phối khí mang hơi hướng hiện đại, tươi mát và sáng tạo hơn. Đó có lẽ là lý do quan trọng giúp Underground bước ra ánh sáng ngày một nhiều hơn, trở nên phổ biến và được công chúng đón nhận một cách tích cực, văn minh hơn. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các trang chia sẻ nhạc, Underground đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành nhân tố tích cực trong xu hướng nghe nhìn của nhạc Việt thời điểm hiện tại.
Nếu trước kia, tên tuổi những nhân tố nổi bật trong giới Underground gần như hoàn toàn lạ tai với số đông người yêu nhạc Việt, thậm chí ngay cả giới trẻ, thì hiện tại, một bài hát Underground nào đó tạo bão, lập tức được lan truyền với tốc độ chóng mặt, hình ảnh của họ liên tục xuất hiện trên truyền thông, thậm chí các chương trình game show cũng ngay lập tức săn đuổi để khai thác.
Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, Underground không chỉ tạo ra ca khúc hit, phát hiện những giọng hát độc đáo, thú vị mà còn tạo ra nhiều gương mặt nhà sản xuất tài năng. Hoàng Touliver là một trong số đó. Là thế hệ đầu của Underground Việt, không chỉ góp phần vào tiến trình phát triển của phong trào này, mà đến nay, anh còn là nhà sản xuất góp phần làm nên những tên tuổi hàng đầu của nhạc Việt hiện nay như: Tóc Tiên, Soobin Hoàng Sơn… Hay gương mặt không thể không nhắc đến ở thời điểm hiện tại là Masew. Nhiều người gọi Masew là “phù thủy âm nhạc” thế hệ mới, khi những ca khúc mà anh bắt tay sản xuất cùng đồng nghiệp đều trở thành hit.
Với sự phổ biến và sức ảnh hưởng khó chối cãi, các sản phẩm âm nhạc của Underground giờ đây được mong đợi, trông chờ không kém sản phẩm của những ngôi sao ăn khách thị trường. Suy cho cùng, dù thế nào, giá trị âm nhạc vẫn là mang đến sự chia sẻ, thấu cảm và đồng điệu của tâm hồn. Đó cũng là lý do những buổi trình diễn của Vũ, Ngọt Band hay Streetshow của Đen luôn trong tình trạng cháy vé.
Thứ âm nhạc được xem như “Âm nhạc dưới lòng đất” ngày nào, sau khi gặp những tác động khách quan của cuộc sống, mà ở đây chính là sự phát triển vượt bậc của công nghệ Internet đã góp phần khiến nó “thoát thai”, tạo nên cộng đồng Underground vững mạnh và cũng chính nó đẩy những chiến binh xuất sắc nhất bước ra vùng sáng của âm nhạc thị trường mà Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn, Suboi, Hoàng Touliver, Tiên Tiên… là những minh chứng không thể chối cãi. Chính những tài năng ấy đang đóng góp cho âm nhạc đại chúng không chỉ trong khuôn khổ Việt Nam mà còn mang rất nhiều kỳ vọng, gửi gắm về một thế hệ những nhân tố mới có thể bước ra với thế giới bên ngoài, làm nên sự hội nhập thật sự cho nhạc Việt ở tầm vóc khu vực lẫn thế giới!