Chính sự liên kết và hợp tác giữa nghệ sĩ, họa sĩ và hệ thống các gallery giữ vai trò nền tảng, then chốt trong việc hình thành và thúc đẩy sự phát triển của thị trường mỹ thuật. Nhưng, đáng buồn thay mối quan hệ có tính nền tảng này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Sự liên kết không thể thiếu
Không khó để nhận thấy sự kết nối chặt chẽ và cách làm việc chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, họa sĩ và gallery ở các nước phát triển. Trong vai trò cầu nối, gallery ở các nước tổ chức hầu hết các hoạt động bài bản nhằm hỗ trợ cho nghệ sĩ, họa sĩ. Từ việc chọn lọc tác phẩm, trưng bày, giới thiệu thông tin về tác giả đến khách thưởng lãm và giới sưu tập, đến định giá tác phẩm, dự báo xu hướng thị trường hoặc đầu tư bằng việc ký hợp đồng hợp tác lâu dài để các họa sĩ yên tâm và dốc sức cho sáng tạo nghệ thuật.
Tác phẩm của họa sĩ trẻ Trần Thanh Cảnh được mua tại sàn Ly Thi Auction.
Ảnh: LÊ MINH
Ảnh: LÊ MINH
Chủ các gallery còn sáng tạo nhiều hoạt động liên quan để thông qua đó giới thiệu tác giả đến với công chúng yêu nghệ thuật như hội thảo, tọa đàm về quá trình hoạt động nghệ thuật hay những thành tựu xã hội của người nghệ sĩ. Với các tác giả và tác phẩm của họa sĩ nước ngoài, khi chọn lọc để trưng bày hay hợp tác, họ có cả một đội ngũ curator (giám tuyển) chuyên nghiệp để thẩm định, tùy theo từng khu vực (châu Âu, châu Á, châu Mỹ…), hoặc theo phong cách sáng tác của tác giả (trừu tượng, hiện thực, lập thể…). Với sự hỗ trợ và cách thức tổ chức chuyên nghiệp của hệ thống gallery, các họa sĩ hầu như chỉ còn tập trung sức lực cho sáng tác và tác phẩm, mà không phải đau đầu suy tính những khâu còn lại.
Làm sao để đưa tác phẩm mỹ thuật, nhất là tranh Việt Nam ra với thị trường thế giới là vấn đề trăn trở lâu nay. Nhiều chuyên gia mỹ thuật hàng đầu thế giới từng nhận định, giá trị nghệ thuật trong tranh Việt rất cao. Tuy nhiên thị trường mỹ thuật trong nước thì khá trầm lắng. Một trong những điểm mấu chốt của vấn đề là giới sáng tác, các họa sĩ và hệ thống gallery thiếu sự liên kết. “Điều này có phần trái ngược so với thị trường các nước phát triển và trong khu vực, bởi phòng tranh là nơi được tổ chức bài bản, khoa học, có đội ngũ giám tuyển chuyên nghiệp, có sẵn một lượng khách hàng đông đảo và đa dạng. Để tác phẩm đến được với khách hàng trong nước và quốc tế, trước hết cần phải có phòng tranh làm cầu nối. Đó là điểm yếu thứ nhất”, họa sĩ Lim Khim Katy chia sẻ. Điểm yếu thứ hai ở đây, chính là sự mờ nhạt của các hội chuyên ngành, thiếu vắng sự kết nối quảng bá giữa họa sĩ và các phương tiện truyền thông. Thực tế thời gian qua, nhiều họa sĩ và tác phẩm tranh Việt đã góp mặt tại các phiên đấu giá lớn tầm cỡ khu vực và thế giới, phần lớn là những tên tuổi làm nên giá trị kinh điển của mỹ thuật Việt - xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, một số khác là các bậc đàn anh giàu kinh nghiệm, còn những họa sĩ trẻ thì rất hiếm hoi.
Họa sĩ Nguyễn Quang Vinh cho rằng, để thúc đẩy thị trường mỹ thuật phát triển, ngoài kênh gallery, Nhà nước cần có chính sách cụ thể và kêu gọi đầu tư tương xứng cho mỹ thuật như đã từng đầu tư cho văn học, âm nhạc hay sân khấu. Một khi hình thành được lượng khách hàng tiềm năng (giới trung lưu, trí thức, doanh nhân…) thì sẽ tạo được nguồn lực rất lớn thúc đẩy thị trường mỹ thuật trong nước phát triển.
Rất cần sự chuyên nghiệp
Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân cho rằng, để thị trường nghệ thuật phát triển phải có hai điều kiện cần và đủ, đó là: sự kiên định trong sáng tạo, sự trung thực của người nghệ sĩ và phải tuân thủ quy luật thị trường. Trong đó, người nghệ sĩ luôn phải tuân thủ theo nguyên tắc giao dịch thị trường và chủ gallery, giám tuyển phải minh bạch về tài chính. Điều này cần được xem là mối quan hệ tương hỗ, cả hai bên cùng có lợi, nhất thiết phải được cả hai phía tôn trọng và tuân thủ. Thị trường mỹ thuật không thể phát triển thực chất và lành mạnh khi hai yếu tố này không song hành cùng nhau.
Trên thực tế, họa sĩ và phòng tranh “cơm không lành, canh không ngọt” với nhau là… chuyện thường ngày. Bà Quỳnh Nga, chủ gallery Không gian xanh, kể lại câu chuyện. Một nhà sưu tập người Hàn Quốc sau khi xem tranh ở gallery đã tìm đến tận nhà họa sĩ. Tại đây, nhà sưu tập xem thêm tác phẩm của họa sĩ, sau đó kết luận: “Tranh của anh ở gallery đẹp hơn, tôi thích hơn”. Thế là anh chàng họa sĩ tức tốc chạy ra gallery nằng nặc lấy tranh về bán cho nhà sưu tập. Trong trường hợp này, chính người sáng tác đã không tôn trọng gallery và tự phá vỡ giao kết trước đó.
Ở một câu chuyện khác, họa sĩ Phúc An chia sẻ, một Việt kiều Canada trong chuyến về Việt Nam đã tìm đến các gallery ở Hà Nội để xem tranh. Thấy bức tranh ưng ý, anh hỏi thông tin thì chủ gallery quả quyết “đây là bức tranh độc nhất”. Hai hôm sau, anh dạo qua một phòng tranh khác và cũng nhìn thấy bức tranh tương tự, và chủ phòng tranh lại khẳng định “đây chính là bức tranh duy nhất”! Rõ ràng ở đây, chủ phòng tranh đã không trung thực với khách hàng. Điều này một phần lý giải vì sao nhiều nhà sưu tập nước ngoài ngán ngẩm khi mua tranh Việt.
Cũng có trường hợp, người giới thiệu và gallery mất niềm tin lẫn nhau vì những khoản phí giao dịch. Chủ gallery bán tranh giá 5.000 USD nhưng nói với người giới thiệu là bán 2.000 USD, mục đích là để chia cho người này 200 USD (thông thường là 10%, được xem là phí giới thiệu, phí môi giới) thay vì phải là 500 USD. Tương tự, một họa sĩ giấu tên kể, anh ký gửi tác phẩm ở phòng tranh và được báo tranh bán giá 2.000 USD. Nhưng thật hy hữu, trong một lần du lịch sang Marocco, anh nhìn thấy bức tranh của mình. Nhờ vậy anh mới biết giá tranh mua tại Việt Nam dĩ nhiên là khác xa với cái giá mà anh được nhận.
Một câu chuyện từ nhà sưu tập Lê Thái Sơn khiến chúng ta phải suy ngẫm. Sinh thời, trong một lần sang Singapore, Lê Thái Sơn tìm đến nhà một họa sĩ trẻ. Thấy tranh quá đẹp, anh ngỏ ý muốn mua vài tác phẩm. Tuy nhiên, anh chàng họa sĩ trẻ nhất định không bán, một mực bảo anh “muốn mua tác phẩm của tôi thì hãy đến gallery”. Và anh này thẳng thắn: “Chính gallery đã giúp tôi có được như ngày hôm nay, tôi không vì việc khách trả giá tranh cao hơn mà phá vỡ nguyên tắc làm việc của mình”.
Theo nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân, bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng cần ít nhất từ 3-4 thế hệ mới có được một thị trường tranh đúng nghĩa, tức là có người sưu tập. Ở Việt Nam trước năm 1975, giới sưu tập mỹ thuật chỉ có vài người, phần lớn thuộc tầng lớp trung lưu và trí thức. Thời đó, những người có nhiều tiền cũng chưa có mấy ai quan tâm đến tranh hay thị trường mỹ thuật. Trong khi cũng tại thời điểm đó, bộ sưu tập của các bảo tàng mỹ thuật của Singapore, Malaysia, Indonesia... được mua cả chục, thậm chí đến cả trăm tác phẩm của họa sĩ. “Hiện nay đã xuất hiện một lớp người trẻ thế hệ 8x quan tâm đến mỹ thuật, họ bắt đầu xem tranh như một tài sản. Theo tôi, đấy là tín hiệu đáng mừng. Việc còn lại là chúng ta có làm việc chuyên nghiệp hay không mà thôi”, họa sĩ Nguyễn Quân trăn trở.