Lợi dụng điểm yếu của hệ thống y tế
Báo cáo tập trung làm rõ khẳng định của ngành công nghiệp dược phẩm rằng “giá thuốc cao là cần thiết để tạo nguồn kinh phí cho những nghiên cứu đổi mới và các chương trình phát triển trong ngành này”. Tuy thị trường của các sản phẩm này khác nhau, nhưng ủy ban đã phát hiện ra các thông lệ chung trong toàn ngành.
Thứ nhất, các công ty dược phẩm đã thành công trong việc trì hoãn hoặc ngăn chặn cạnh tranh, tăng giá để đạt được mục tiêu doanh thu ngày càng tăng.
Thứ hai, các công ty đã thao túng hệ thống bằng sáng chế và độc quyền tiếp thị do Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm cấp.
Thứ ba, các công ty đã sử dụng các chiến lược chống cạnh tranh để ngăn chặn cạnh tranh chung. Một số công ty cũng đã sử dụng các chương trình hỗ trợ bệnh nhân và quyên góp cho các tổ chức bên thứ ba như những công cụ để tăng doanh số bán hàng và tăng doanh thu.
Theo báo cáo, một số công ty dược phẩm đã thực hiện những điều chỉnh không đáng kể trong các công thức bào chế, qua đó có được bằng sáng chế mới và rồi hướng bệnh nhân sang phiên bản mới hơn, đắt tiền hơn. Các hãng dược Eli Lilly and Co (Mỹ), Novo Nordisk (Đan Mạch) và Sanofi (Pháp) - những thương hiệu hiện đang chiếm thị phần lớn trên thế giới đối với thuốc viên insulin dành cho các bệnh nhân đái tháo đường, kiểm soát khoảng 90% thị trường thuốc insulin toàn cầu - vốn được ra đời từ thập niên 20 của thế kỷ trước. Xét riêng đối với các loại thuốc insulin bán chạy nhất thế giới, Eli Lilly đã nâng giá bán thuốc Humalog của hãng lên 1.219% mỗi lọ kể từ khi ra mắt sản phẩm này.
Trong khi đó, Novo Nordisk đã tăng giá NovoLog 627% so với thời điểm ra mắt và Sanofi cũng “thổi giá” Lantus tới 715%. Pfizer thì nhắm mục tiêu vào thị trường Mỹ để có giá cao hơn cho sản phẩm thuốc giảm đau Lyrica. Giá của Lyrica đã tăng 420% kể từ khi loại thuốc này được phê duyệt trong năm 2004. Trong năm 2019, doanh thu từ thuốc này vào khoảng 2 tỷ USD. Ngoài các hãng trên, một số công ty dược khác cũng được xướng tên như Teva, Amgen, Novartis, Mallinckrodt, AbbVie, Celgene....
Kế hoạch “Xây dựng lại tốt hơn”
Cuộc điều tra đã cung cấp một cái nhìn hiếm có về việc ra quyết định của nhiều công ty dược phẩm có lợi nhuận cao nhất trên thế giới.
Trong bức thư gửi Hạ viện, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ Carolyn Maloney viết: “Những gì ủy ban phát hiện được sẽ gây khó khăn cho các nhà lập pháp, người đóng thuế và bất kỳ người Mỹ nào đã từng phải vật lộn để mua thuốc theo toa của họ”.
Kết quả của cuộc điều tra là để lý giải vì sao các công ty dược phẩm liên tục tăng giá, các chiến lược họ sử dụng để bảo vệ sức mạnh thị trường và giữ giá cao, cũng như cách quốc hội có thể cải cách ngành công nghiệp để giúp cho các loại thuốc kê đơn có giá hợp lý hơn cho bệnh nhân và người đóng thuế.
Giá thuốc cao cũng đang làm kiệt quệ các chương trình chăm sóc sức khỏe liên bang. Từ năm 2014-2018, người nộp thuế đã mất 25 tỷ USD tiền tiết kiệm chỉ vì các khoản chi tiêu y tế.
Theo giới chuyên gia, Medicare - chương trình bảo hiểm y tế của Chính phủ Mỹ dành cho những người từ 65 tuổi trở lên và người tàn tật, lẽ ra có thể tiết kiệm được hơn 16,7 tỷ USD chi phí mua insulin trong khoảng thời gian từ năm 2011-2017, nếu chương trình này được phép thương lượng chiết khấu với các công ty thuốc.
Bằng chứng này hoàn toàn ủng hộ sự cần thiết phải thông qua “Đạo luật Xây dựng lại tốt hơn” của chính phủ Tổng thống Joe Biden, đã được Hạ viện Mỹ thông qua, và sẽ được trình lên Thượng viện trong năm nay. Theo đó, đạo luật bao gồm một điều khoản cho phép Medicare thương lượng với các nhà sản xuất thuốc để có giá thấp hơn, hạn chế tăng giá và giới hạn chi phí điều trị ngoại trú.