Việt Nam là quốc gia nhiệt đới, có lợi thế rất lớn về sản xuất mật ong. Về đông y, mật ong có giá trị dinh dưỡng cao, với nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt là đường Fructose (đường tự nhiên) rất tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, hiện nay mật ong được bày bán tràn lan trên thị trường, giá thành thì thượng vàng hạ cám, thật giả lẫn lộn, làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến “ngành công nghiệp thiên nhiên” này. |
Đi săn ong mùa nghịch
Anh Nguyễn Văn Tám (người chuyên đi săn ong ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) chia sẻ, giờ nghịch mùa, mật ong hiếm, giá 1,8 - 2 triệu đồng/lít mà không đủ bán. Anh nói tiếp, tôi bán mối quen ở Sài Gòn, săn về bao nhiêu mật cũng hết sạch. Mật ong ruồi mới có giá đó nha! chứ ong mật thì bắt về nướng thịt ăn chứ bán không bao nhiêu tiền. Nói chuyện một lúc, tôi ngỏ ý đi cùng anh Tám trải nghiệm một chuyến đi săn ong. Anh Tám gật đầu, nói: Đợi có đợt sẽ alo…! Hơn một tuần sau, khoảng 7 giờ sáng, chuông điện thoại của tôi reo lên. Giọng anh Tám bên kia đầu dây sang sảng: “10 giờ em rảnh không? Lát nữa anh qua Vĩnh Long đi bắt ong nè, em đi được thì sắp xếp chạy qua. Cho em đi theo một chuyến lấy hình làm tư liệu viết bài”. Tôi lập tức dạ…được…được…!
Ngoài chiếc xe máy cà tàng của anh Tám, dụng cụ bắt ong của anh là một cái xề bằng tre, một gói thuốc lá và một cây kéo cắt cành. Anh Tám ôm cái xề vào lòng, rồi cho xe chạy chầm chậm, mắt nhìn vào những lùm cây cặp con lộ nhựa, dò xét. Anh thấy nơi nào lùm cây um tùm, lau sậy nhiều thì dừng xe, tiến sâu vào. Dáng người nhỏ nhắn, với đôi dép tổ ong, áo sơ mi dài tay và một quần tây cũ kỹ trên người, anh Tám cầm gói thuốc rồi lao vào lùm cây, mất hút. Một lát sau quay ra, anh bảo: “Lùm này ngon vầy mà không có ổ ong nào đóng”.
Nói rồi, chúng tôi mỗi người một xe chạy tiếp, len lỏi vào những cung đường nông thôn, để đến những khu vườn bên trong. Vừa chạy vừa trò chuyện, anh Tám nói: “Đợt rồi thuận mùa, độ sau tết từ tháng 2 đến tháng 5, nhiều lắm! Đi bắt thấy ham, không biết mệt, 10 tổ ong ruồi được cả lít mật hoặc hơn. Có khi đi tận Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ... phải thuê nhà nghỉ ngủ lại, sáng đi bắt tiếp! Mật bắt được ngày nào bán hết ngày đó, tiền thấy mà mê! Mùa thuận chứ bán cũng được 1,2 - 1,4 triệu đồng/lít chứ không rớt giá đâu. Còn giờ là mùa nghịch, cây trái ít bông nên ong không có thức ăn, mật ít, bắt gấp đôi mùa nghịch mới được 1 lít mật, cực lắm. Nhưng mật mùa nghịch thì lúc nào cũng ngon, đậm đặc, nên có giá cao từ 1,8 - 2 triệu đồng/lít là bình thường, anh Tám bật mí.
Thượng vàng hạ cám
Đối lập với giá mật ong của anh Tám, một cơ sở nuôi ong lấy mật ở rừng tràm (xin được giấu tên cơ sở, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) một lít mật ong nguyên chất chỉ dao động từ 250.000 đến 400.000 đồng. Đây cũng là mức giá chung của thị trường sản phẩm mật ong nuôi ở rừng tràm thiên nhiên.
Theo chủ cơ sở nuôi ong lấy mật trên chia sẻ: Một năm có 2 mùa hoa tràm là sau tết và mùa nước nổi nên cứ có mật đều đều. Cho nên, ong nuôi ở rừng tràm cũng khỏe, không có mùa thuận mùa nghịch như ong hút mật từ vườn cây ăn trái. Chỉ đợt nắng hạn vừa rồi, tràm không ra hoa thì mới đem ong dưỡng ở khu vực Bến Tre, cho hút mật hoa dừa. Chủ cơ sở nuôi ong cho biết, với 500 thùng ong, hơn 30.000 con/thùng, thì trung bình một tháng cơ sở của anh thu hoạch được khoảng 2 tấn mật, cung cấp cho thị trường nội địa. Quá trình thu hoạch mật cần khoảng 20 nhân công. Họ sử dụng công nghệ máy quay ly tâm, thu mật mà không trực tiếp dùng tay vắt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chủ cơ sở này còn khẳng định, mật hoa tràm không có thuốc trừ sâu, còn mật lấy từ hoa cây ăn trái dễ bị nhiễm độc thuốc trừ sâu, chất lượng không bằng mật ong hoa tràm! Ngoài ra, mật sau khi thu hoạch, được cô đặc ở nhiệt độ 550C, riêng chi phí máy làm cô đặc mật ong cũng gần 200 triệu đồng. Như vậy, mật ong thành phẩm cần nhiều công đoạn, tốn nhiều chi phí… nhưng chúng tôi cũng không hiểu tại sao có sự chênh lệch về giá khá lớn như thế giữa mật ong 100% từ hoa tràm và mật ong ruồi mà tôi cùng anh Tám đi săn.
Lân la trên các trang Facebook, gõ hashtag “mật ong”, thì kết quả có khá nhiều trang bán sản phẩm này. Thử vào một trang Facebook cá nhân của người bán mật ong online, người này giới thiệu sản phẩm mật ong của mình xuất xứ ở rừng tràm U Minh, còn mật ong ruồi được lấy ở Cà Mau, giá dao động từ 450.000 đến 750.000 đồng/lít.
Chủ trang hỏi: “Anh muốn mua nguyên tổ hả? Bên em bán cả tổ (ong ruồi) cân ký thì 600.000/kg, còn vắt sẵn thì 750.000/lít. Anh lấy loại mật còn nguyên trong tổ, anh về tự vắt cho an tâm”. “Còn ong mật rừng tràm U Minh, vắt thành phẩm, 1 lít giá 450.000 đồng… nhưng anh lấy ong ruồi đi, tốt hơn!”, người bán đề nghị. Để khẳng định chất lượng, người bán bảo “anh mang về bỏ 1 ít ngăn đông tủ lạnh, mật thật không bị đông đá còn ngược lại là mật pha”. Ngoài ra, một số trang Facebooker khác rao bán mật đảm bảo là “mật ong nhà làm”; hay chiêu trò tìm số điện thoại, gọi như người quen là “sẵn chuyến về quê mình săn được khoảng 7 lít mật ong tràm, giá 600k/lít, khoảng 1 lít mật ong ruồi giá 1,2 triệu đồng, cần thì đặt liền nhé!”. Nhiều người cả tin dính trò lừa này vì mua về toàn là… đường!
Tôi đến một siêu thị trên địa bàn TP Cần Thơ… Thấy tôi đang xem sản phẩm mật ong ở một quầy bán thực phẩm chức năng như trà thảo dược, nhân sâm, đông trùng hạ thảo, một nhân viên ở đây bước đến, nói: Bên em có nhiều loại mật ong, anh muốn mua loại nào? Có mật ong Hàn Quốc thô và loại thành phẩm. Tôi hỏi mật thô là sao? Cô nhân viên bảo, mật thô là mật được vắt ra từ tổ ong rồi đóng chai, bán cho khách hàng. Còn thành phẩm, thì qua công đoạn lược bỏ cặn trong mật, cô đặc… rồi mới đóng chai.
Cô nhân viên thấy tôi không thích loại mật ong Hàn Quốc, nên giới thiệu tiếp: Ở đây tụi em có mật ong được lấy từ mật hoa cà phê; mật hoa bông trắng - cỏ lào, chỉ 120.000 đồng cho 500ml. Nói rồi, cô nhân viên nhanh nhạy rót ra một ít mật hoa cà phê vào một ly nhựa cho tôi dùng thử. Có vẻ mật hoa cà phê không ngon bằng mật ong ruồi mà tôi được anh Tám cho nếm thử, tuy nhiên, giá cũng rẻ, tôi hiếu kỳ mua đại 1 chai mang về.
Ông Đỗ Minh Hiển, Chủ tịch Hội nông dân huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) cho biết, năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ”. Tuy nhiên, sau khi “Mật ong U Minh Hạ” được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể thì phát triển chưa như kỳ vọng. Mặc dù, sản lượng mật ong từ rừng U Minh Hạ hàng năm khoảng 100 ngàn lít/ (tương đương 130 tấn/năm). Hiện nay, mới có 23 thành viên tham gia đăng ký kinh doanh nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ”, trong đó có 4 hộ đã đăng ký mã số, mã vạch, nhãn hiệu độc quyền. Điều này cho thấy, sản lượng mật ong từ rừng U Minh Hạ không nhiều và những đơn vị, cá nhân kinh doanh “Mật ong U Minh Hạ” cũng “đếm trên đầu ngón tay”. Tuy nhiên, trên thị trường xuất hiện rất nhiều “Mật ong U Minh Hạ”, khiến người tiêu dùng bối rối, không biết đâu là thật, đâu là giả hay nhái thương hiệu. Còn để phân biệt “Mật ong U Minh Hạ” với các loại mật ong khác, hay mật ong nguyên chất… thì không phải ai cũng là “người tiêu dùng thông minh”. |