Trong đó, 58% tổng giá trị các giao dịch M&A đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính. Theo đó, thị trường tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nội và ngoại nhưng tỷ trọng giá trị M&A mà doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên. Cụ thể, có 1,6 tỷ USD được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước trong 10 tháng đầu năm 2021. Trong đó, có đến 1,13 tỷ USD với 11 thương vụ được thực hiện bởi 5 công ty hàng đầu của Việt Nam như Vingroup, Masan, NovaLand, Hòa Phát, Vinamilk. Sự thu hút của thị trường M&A Việt Nam không chỉ thể hiện qua sự tăng trưởng của tổng giá trị giao dịch, mà ngày càng nhiều thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD được ghi nhận.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn thương vụ được thực hiện thành công, đạt tổng giá trị hơn 50 tỷ USD. Mới đây, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua với nhiều điểm đột phá về hoàn thiện chính sách, thúc đẩy mạnh mẽ việc cơ cấu lại không gian kinh tế, cơ cấu lại các ngành, cơ cấu lại đầu tư công, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước… Đây sẽ là những động lực quan trọng để thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước cho phục hồi kinh tế, góp phần dẫn dắt dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư thông qua các hoạt động M&A vào Việt Nam.