Điều tiết số lượng in
Mùa lịch năm 2021, Công ty Lịch xuân Phương Nam giới thiệu đến khách hàng nhiều bộ lịch được đầu tư công phu. Có thể kể đến bloc siêu đại “Làng nghề Việt” với những bức ký họa làng nghề Việt bằng màu nước trong trẻo, tươi đẹp do họa sĩ của Lịch xuân Phương Nam thể hiện kỳ công. Hay bloc siêu đại “Việt Nam đất nước tôi yêu” tái hiện một Việt Nam với rừng vàng biển bạc, non sông gấm hoa trải dài từ Bắc chí Nam.
Năm nay, Công ty CP Văn hóa Văn Lang mang đến thị trường nhiều mẫu lịch độc đáo, sáng tạo với nhiều thông điệp được truyền tải qua từng chủ đề, gần gũi với đời sống thường nhật ở cả 3 thể loại: lịch bloc, lịch treo tường và lịch để bàn. Trong đó, đáng kể có bộ lịch “May mắn - Thành công” chứa đựng nhiều thông điệp truyền cảm hứng về sự thành công và may mắn trong cuộc sống. Bộ lịch “Việt Nam quê hương tôi” mang đến những góc hình chân thật, tự nhiên, thể hiện nét đẹp chân phương của đất nước và con người Việt Nam.
Cá biệt, trên hệ thống phát hành của Phương Nam tại nhasachphuongnam.com, một số bộ bloc được giảm tới 50%. Mặc dù được giảm sâu như vậy nhưng lượng người mua vẫn chưa đáng kể.
Bà Lan Phương, đại diện Công ty An Hảo, cho biết: “Dưới tác động của Covid-19, có thời điểm đầu mùa dịch thì việc nhập giấy, giá giấy có nhiều biến động, các đơn đặt hàng cũng khá dè dặt, vì khách hàng cũng gặp khó khăn do dịch. Chúng tôi phải điều tiết số lượng in. Thay vì in với số lượng lớn, năm nay chúng tôi chỉ dám in bằng 50% số lượng của năm ngoái, rồi tùy tình hình thực tế để cân nhắc in tái bản hay không”.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng Phòng Xuất bản - Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết, tính đến ngày 20-11, các nhà xuất bản đã đăng ký hơn 14,1 triệu bản, tăng 300.000 bản so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm hiện tại, các NXB và đối tác liên kết mới xuất bản được khoảng 1/3 số lượng đã đăng ký. “Các nhà làm lịch sẽ căn cứ vào nhu cầu thị trường để xuất bản và in ấn trong hạn mức đã đăng ký”, ông Minh nói.
Thấp thỏm chờ đợi
Theo chia sẻ của bà Kiều Minh Phụng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Văn hóa Văn Lang, năm nay công ty lên kế hoạch giảm số lượng in xuống còn 70% và cho in thành nhiều đợt theo kiểu vừa thăm dò vừa sản xuất. Sự chủ động này một phần nhờ công ty có nhà in riêng nên mặc dù các vật tư khác đều tăng giá (riêng giá giấy không tăng) nên công ty giữ nguyên giá bán như năm trước.
Đánh giá về thị trường lịch Tết 2021, đại diện Văn Lang cho biết, đến thời điểm hiện tại, sức mua từ các công ty, doanh nghiệp không có thay đổi lớn, chỉ giảm 5%-10%. Riêng đối với thị trường người tiêu dùng thì chưa đánh giá được do năm nay nhuận 1 tháng nên khả năng sẽ tiêu thụ chậm hơn. Vị đại diện này cho rằng, thị trường lịch xuân sẽ hút hàng vào giữa tháng 12, bởi nhu cầu có một bộ lịch, thậm chí nhiều thể loại khác nhau là nhu cầu thực tế.
“Mặc dù chịu sức ép của công nghệ 4.0 nhưng chúng tôi vẫn tự tin và khẳng định sách, lịch là một nhu cầu không cấp thiết nhưng cần phải có, bởi công nghệ điện tử cũng có mặt trái là thông tin đa chiều, ít được kiểm chứng nên có thể không chính xác so với sản phẩm in ấn trên giấy. Hơn nữa, việc thiết kế sản phẩm trên giấy sẽ tạo sự linh động cho không gian sống và tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống phương Đông - luôn có một tờ lịch nơi phòng khách, một tín hiệu may mắn vào dịp đầu xuân”, bà Kiều Minh Phụng bày tỏ.
Trong khi đó, bà Lan Phương cũng cho rằng, nhu cầu sử dụng lịch không giảm, chỉ là doanh số giảm nên khách hàng (chủ yếu là khách sỉ) phải cân nhắc số lượng cũng như mẫu lịch để đặt. Chẳng hạn, thay vì đặt 500 bloc lịch kích thước 25x35cm dành để tặng khách hàng như năm trước, năm nay họ vẫn giữ nguyên số lượng đó, nhưng chọn bloc kích thước 20x30cm.
“Khó khăn cũng là cơ hội để mỗi nhà làm lịch chọn cho mình phương án kinh doanh hợp lý và hiệu quả nhất. Có một số nhà làm lịch thậm chí không in lịch mà chỉ in lịch mẫu để chào hàng và khi có khách đặt họ mới in thực tế. Còn An Hảo vẫn in lịch bình thường, có điều là giảm số lượng và chia ra in chứ không in một lượt”, bà Lan Phương chia sẻ.