Nhiều nông dân cho biết, để có hoa đẹp còn phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Ghi nhận toàn cảnh thị trường hoa kiểng tết cho thấy những gam màu tương phản...
Thấp thỏm “canh” thời tiết
Thời điểm này, người trồng đào ở Nhật Tân (quận Tây Hồ) và làng đào La Cả (quận Hà Đông) của TP Hà Nội đang tất bật tuốt lá đào để kịp phục vụ thị trường tết. Bà Trần Thị Xuân, người trồng đào ở làng La Cả, cho biết, giá đào mỗi năm mỗi khác, phụ thuộc vào thời tiết, ấm thì đào nở sớm, lạnh nở muộn.
“Nếu đào nở đúng dịp, mỗi cành có giá từ 200.000-300.000 đồng, hoa nở sớm giá bán rẻ hơn. Tất cả trông chờ vào... ông Trời”, bà Xuân nói.
Ngược về phía Tây của Hà Nội, người dân trồng hoa tại phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) cũng đang vất vả chăm sóc các loại hoa, nhất là cúc, thược dược, hoa hồng… phục vụ cho thị trường tết khu vực miền Bắc và Hà Nội.
Buộc lại dàn cây cho hoa thược dược, ông Nguyễn Thiện Định, cho hay, giống hoa năm nay đắt hơn mọi năm. Riêng cây hoa giống thược dược là 3.000 đồng, nếu sinh trưởng tốt vào dịp tết, mỗi cây cho 3 cành, mỗi cành bán từ 10.000-50.000 đồng.
“Nếu thời tiết ấm, hoa nở sớm và có hoa nhiều vào dịp đưa ông Công, ông Táo, thậm chí có thể cận Tết Nguyên đán sẽ khan hiếm hoa, giá sẽ cao”, ông Định nói.
Những ngày này, mưa lạnh thất thường nên nông dân các vùng trồng hoa, cây cảnh tại miền Trung cũng thấp thỏm lo thời tiết. Năm nay, toàn xã Cẩm Hà (TP Hội An) trồng khoảng 45.000 chậu quất Tết với khoảng 500 hộ chuyên canh.
Gia đình ông Nguyễn Thiện Nhân (thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) trồng 800 chậu quất chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. “Thương lái đã đặt mua đến 95%, hiện tôi chỉ còn 40 chậu quất. Lời lỗ chưa tính được, trong khi giá phân bón, thuốc trị nấm… đều tăng gấp đôi so với trước”, ông Nhân cho hay.
Những ngày này, các chủ vườn luôn túc trực chăm sóc, cắt tỉa để có những chậu quất đẹp nhất. Theo bà Nghiêm Thị Phượng (xã Cẩm Hà, TP Hội An), năm nay mưa nhiều nên việc chăm sóc vườn khá vất vả. Thị trường mua bán cũng kém sôi động vì sau đại dịch Covid-19, đa phần người dân thắt chặt chi tiêu.
Tại TP Đà Nẵng, nông dân làng hoa Dương Sơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đang nhộn nhịp chăm sóc, tạo dáng cho hoa Tết. Gắn bó với nghề trồng hoa cúc nhiều năm, năm nay bà Võ Thị Tươi (69 tuổi, xã Hòa Châu) trồng khoảng 1.000 chậu cúc pha lê và đại đóa. “Cúc hiện đang ở giai đoạn buộc dây, chăng lưới để giữ thẳng thân. Dự kiến cuối tháng 11 (âm lịch) cúc bắt đầu trổ nụ”, bà Tươi cho hay.
Ông Lý Phước Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hoa Dương Sơn, thông tin, toàn vùng có khoảng 4,5ha với 19 hộ trồng hoa cúc. Với ưu điểm dễ chăm sóc, tiêu thụ, cúc vẫn là loại hoa chủ lực, được nhiều hộ dân chọn trồng để bán vụ Tết. Năm nay, nông dân trong vùng dự kiến trồng 14.000 chậu cúc; các loại vạn thọ, đồng tiền, hoa treo… tiếp tục được bổ sung xuống giống. Ngoài ra, ông Dạng và một số hộ đang thử nghiệm trồng thêm mãn đình hồng.
“Năm nay mưa nhiều nên chăm sóc cây khó khăn, đòi hỏi nông dân phải kỳ công hơn. Các chi phí sản xuất như giá vật tư, giống, chậu... tăng hơn 10% so với năm trước; riêng đầu vụ giá phân bón đã tăng 30%-40%”, ông Dạng nói.
Thương lái mua cả vườn phật thủ
Phật thủ là một trong những loại quả có hương thơm dễ chịu và có ý nghĩa rất đặc biệt vào ngày Tết của người Việt. Nhiều thương lái đã đặt mua trọn gói các vườn phật thủ của người dân xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội trồng ở những vùng lân cận với diện tích hàng trăm hécta.
Quả phật thủ trước kia được trồng nhiều nhất ở xã Đắc Sở và Yên Sở, huyện Hoài Đức. Qua năm tháng, đất dần bạc màu nên loại cây này không còn phù hợp. Nhiều năm nay, dân trồng phật thủ phải tìm thuê đất ở vùng giáp ranh như huyện Phúc Thọ, Đan Phượng để trồng.
Bà Nguyễn Thị Ngát, một trong số ít người ở xã Yên Sở còn trồng phật thủ, cho biết: “Từ nay đến 20 tháng Chạp, tôi hái phật thủ chín để bán lẻ. Hiện phật thủ có giá từ 18.000-20.000 đồng/kg, quả đẹp giá từ 50.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/kg”, bà Ngát chia sẻ.
Gần đó là vườn trồng phật thủ của anh Nguyễn Phú Phượng. Anh Phượng trồng khoảng 200 gốc phật thủ đang trong giai đoạn quả già. “Phật thủ là loại cây khó tính, kén đất, kén phân nên chăm sóc rất khó. Năm nay cơ bản được giá, có quả vài chục ngàn đồng, có quả đẹp giá hàng triệu đồng. Người dân ở xã Đắc Sở và Yên Sở thường bán cả vườn cho thương lái, mỗi cây bán giá từ 1,4-1,8 triệu đồng, bán trước tết hơn 2 tháng”, anh Phượng nói.
Cách đó khoảng 20km là vườn phật thủ 500 gốc của anh Nguyễn Phú Thắng (xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức) thuê đất trồng tại xã Trung Châu A (huyện Đan Phượng). Anh Thắng thuê đất trồng phật thủ từ năm 2017 đến nay. Anh cho biết, thời điểm này, rất ít nhà vườn bán lẻ vì mất giá và nhiều rủi ro, thường là chủ sẽ bán cả vườn cho thương lái. Đến khoảng 25 tháng Chạp, thương lái thu hoạch xong và trả lại vườn.
“Tôi có 2 vườn, tổng cộng hơn 500 gốc phật thủ, trừ chi phí phân bón, chăm sóc, dự kiến thu về khoảng 300 triệu đồng. Hiện người dân bán lẻ cho người tiêu dùng giá 50.000 đồng/quả, những quả xuất sắc tầm 600.000 đồng/quả. Năm nay vậy là trúng mùa”, anh Thắng nhận định.
Giảm sản lượng để giữ vững thương hiệu
Thị trường hoa Tết Giáp Thìn 2024 được dự báo có nhiều biến động do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều nhà vườn hoa kiểng ở Đà Lạt và vùng phụ cận (Lâm Đồng) đang tất bật chăm sóc, nhưng tâm thế khá dè dặt. Hầu hết vùng trồng hoa tết chuyên canh tại các làng hoa đều giảm diện tích và sản lượng, do lo ngại sức mua năm nay sẽ không như kỳ vọng.
Giữa trưa nắng gắt, anh Trần Minh Sơn (làng hoa Vạn Thành, phường 5, TP Đà Lạt) vẫn cần mẫn ra vườn kiểm tra từng chậu, từng luống hoa lily vừa trồng. Gia đình anh Sơn đầu tư hơn 300 triệu đồng trồng khoảng 20.000 củ lily trên diện tích gần 1.000m2, giảm hơn 2/3 so với năm trước. Hoa đang phát triển tốt nhưng anh Sơn vẫn lo.
Anh chia sẻ: “Thời tiết diễn biến bất thường, mấy ngày nắng ấm kéo dài khiến cây phát triển nhanh, nay nhiệt độ xuống thấp nên rất khó canh thời điểm hoa nở. Trồng lily chỉ cần hoa nở lệch vài ngày là cả vụ sẽ thất bại. Vì vậy, gia đình tôi quyết định thu hẹp diện tích, thay vào đó trồng xen thêm hoa đồng tiền, cát tường”.
Rảo một vòng các làng hoa truyền thống tại Đà Lạt, chúng tôi nhận thấy năm nay diện tích một số loại hoa đặc trưng của Đà Lạt như lily, địa lan giảm diện tích đáng kể, một số khu vực hoa lily chỉ trồng khoảng 50% so với các vụ hoa Tết trước đây. Thay vào đó, người dân xen canh các loại hoa như cát tường, cẩm chướng, salem, đồng tiền, cúc… Điều này góp phần giảm rủi ro khi mức đầu tư của những loại hoa trên không lớn, khả năng can thiệp thuận tiện hơn so với các giống hoa lily.
Riêng tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, nơi được coi là “vựa” hoa layơn của Lâm Đồng, các nhà vườn đã xuống giống hơn 100ha hoa layơn các loại, tập trung ở giống layơn đỏ Pháp, đỏ thường, vàng cam, vàng… Thời tiết khá thuận lợi, layơn tại Hiệp An và vùng phụ cận bắt đầu cho thu hoạch, đến ngày 23 tháng Chạp sẽ vào cao điểm thu hoạch, nông dân nơi đây đang kỳ vọng về mùa hoa được mùa được giá.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, nhận xét, thị trường Tết có nhiều cơ hội cho nông dân, tuy nhiên với tình hình kinh tế còn khó khăn, nông dân cần tập trung nâng cao chất lượng để tăng sự cạnh tranh trên thị trường, giữ vững thương hiệu hoa Đà Lạt. Hiện sở đang phối hợp với Hiệp hội Hoa Đà Lạt khảo sát các khu vực sản xuất hoa để đưa ra khuyến cáo và nhận định thị trường, giúp người dân có vụ hoa thuận lợi hơn.
Sản xuất theo đơn đặt hàng
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tại làng hoa kiểng Chợ Lách (Bến Tre), nhiều nhà vườn trồng hoa số lượng cầm chừng để tránh rủi ro. Cúc mâm xôi vàng là loại hoa truyền thống, nhu cầu tiêu thụ lớn, tuy nhiên tết năm nay, hầu hết nhà vườn ở xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng. Ông Nguyễn Văn Tâm, một nhà vườn ở xã Tân Thiềng, cho biết, mọi năm gia đình ông trồng hơn 4.000 chậu cúc mâm xôi, thời điểm này thương lái đã đến đặt cọc mua hết, nhưng năm nay ông mới bán được một nửa.
Thế mạnh của làng hoa kiểng Chợ Lách vẫn là sản xuất các loại bonsai, kiểng hình thú. Đây là loại kiểng bán chạy nhất, mang lại thu nhập cao cho các nhà vườn ở đây.
Ông Công, chủ cơ sở sản xuất kiểng tạo hình Năm Công, cho biết, Tết Nguyên đán năm nay là Tết Giáp Thìn nên cơ sở đang tất bật tạo hình rồng để phục vụ thị trường tết. Theo ông Công, kiểng tạo hình linh vật thường kén khách hàng do giá cao, từ 15-50 triệu đồng/chậu. Năm nay, dù khó khăn nhưng lượng khách vẫn ổn định, chủ yếu là “khách ruột” các công ty, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước… ở Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Kiên Giang. Hiện 300 chậu kiểng hình rồng ở cơ sở Năm Công đã được khách hàng đặt cọc.
Những ngày này, tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), hàng trăm nhà vườn đang tập trung chăm sóc hoa cúc kim cương, cúc Tiger, sao nhái, hồng Pháp… Ngoài hoa cung ứng thị trường tết, năm nay, các nhà vườn ở đây còn trồng hoa để phục vụ lễ hội Festival hoa kiểng. Do đó, số lượng và chủng loại hoa ở Sa Đéc tăng và đa dạng hơn mọi năm, có nhiều loài hoa xuất xứ từ Hàn Quốc, Hà Lan...
Theo bà Võ Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc, hiện địa phương có trên 4.000 hộ trồng hoa, trong đó có 200 cơ sở sản xuất kinh doanh hoa kiểng, thu nhập bình quân 150 triệu đồng/người/năm, tổng giá trị sản xuất trên 3.000 tỷ đồng/năm. Vụ tết năm nay, tổng diện tích trồng hoa kiểng của thành phố tăng từ 650ha lên 950ha, với hơn 2.000 loại hoa kiểng, tập trung chủ yếu ở phường Tân Quy Đông, xã Tân Khánh Đông, xã Tân Quy Tây và phường An Hòa.
Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Tết Nguyên đán 2024, các trang trại, doanh nghiệp trồng lan sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 3 triệu cành lan hồ điệp các loại. Những doanh nghiệp có lượng cung lan hồ điệp lớn như Bonnie Farm Trường Hoàng, Ysa Orchid, Minh Huệ… từ sớm đã chuẩn bị số lượng lớn giá thể lan hồ điệp cung ứng cho vụ Tết.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, thông tin, bên cạnh một số loại hoa truyền thống phục vụ dịp Tết, một số đơn vị tập trung phát triển giống hoa cao cấp như lan vũ nữ hay nhuộm bằng hợp chất hữu cơ như cúc mẫu đơn, lan hồ điệp... nhằm mang đến thị trường sản phẩm đa dạng.
Theo ông Đoàn Văn Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp (Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng), hoa Tết là vụ sản xuất chính trong năm của người trồng hoa vùng ngoại ô TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, các đợt mưa bão thường là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh phát sinh trên cây, như đốm lá, thối rễ, héo xanh…
Do đó, Chi cục Nông nghiệp đã có hướng dẫn các địa phương, vùng sản xuất hoa thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại; cán bộ chi cục thường xuyên có mặt tại các vùng sản xuất để hướng dẫn và xử lý kịp thời các sự cố, không để ảnh hưởng đến tình hình trồng trọt của nông dân.