Thị trường hoa kiểng bị “bỏ rơi”

Nổi tiếng về hoa kiểng chỉ có thể nói đến tỉnh Lâm Đồng, sau này có thêm tỉnh Đồng Tháp, nhưng cũng chỉ chuyên về hoa nền. Hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều hoa kiểng, trong khi chúng ta có nhiều vùng chuyên canh trồng hoa. Vì sao trải qua nhiều năm, hoa kiểng vẫn chưa cung cấp đủ cho thị trường nội địa?
Người tiêu dùng chọn mua hoa kiểng
Người tiêu dùng chọn mua hoa kiểng

Thiếu giống, thiếu liên kết

Lâm Đồng là trung tâm sản xuất hoa lớn nhất nước, cung ứng 50% sản lượng hoa và chiếm 40% diện tích trồng hoa cả nước, sản lượng ước đạt trên 3 tỷ cành/năm. Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, ngành hoa tại Đà Lạt nói riêng và cả tỉnh Lâm Đồng nói chung thực sự chuyển mình và bắt đầu phát triển một cách mạnh mẽ từ năm 1995 với sự xuất hiện của một số công ty nước ngoài đầu tư, đặc biệt là Công ty TNHH Dalat Hasfarm. Nhờ vậy mà ngành trồng hoa tại Lâm Đồng trở thành một ngành công nghiệp “không khói”, đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân.
 
Nổi tiếng “thủ phủ” hoa chậu, ông Phạm Hữu Phước - Giám Đốc Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh tập trung hoa chậu chứ không phát triển hoa cắt cành do yếu tố khí hậu không phù hợp. Cũng giống như Lâm Đồng, nhờ tiếng tăm sản xuất hoa vang xa mà tỉnh đã thu hút nhiều du khách đến tham quan và mua sản phẩm. Đây là một mô hình phát triển bền vững không những nâng cao giá trị sản phẩm hoa, đem lại lợi nhuận cao cho người sản xuất, mà còn có hiệu quả về quảng bá, giúp mọi người tiếp cận, hiểu rõ hơn về nền nông nghiệp trồng hoa.

TPHCM là thị trường tiêu thụ rất lớn nhưng lại không thể sản xuất do chi phí lao động cao; nhưng lại có lợi thế công nghệ và giống tốt hơn các địa phương khác. Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN-PTNT TPHCM) cho biết, hiện nay TP phát triển trồng các loại lan chậu, lan cắt cành và một số hoa nền đạt hiệu quả cao. Định hướng TPHCM sẽ tiếp tục phát triển trồng hoa tại các khu vực trước đây có truyền thống trồng hoa hoặc khu vực sản xuất rau không còn hiệu quả do đô thị hóa đã làm đất nông nghiệp thu hẹp. Song song đó, TPHCM cần phải phát triển thị trường trong nước qua việc tổ chức sản xuất, chế biến sau thu hoạch để hướng đến xuất khẩu.
Hiện nay, các giống hoa có giá trị thương phẩm cao trên thị trường đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Nhận xét về các giống hoa trong nước, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Hoa Đà Lạt chia sẻ, các giống đã có từ lâu đời tại địa phương, đa số đang bị thoái hóa và nhiều giống không có bản quyền. Công tác lai tạo chọn giống, phát triển giống mới của các tổ chức, trường đại học, trung tâm nghiên cứu chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Dù sản xuất nổi tiếng nhưng Lâm Đồng chưa chủ động được nguồn giống, hầu hết đều phải nhập giống để có sản phẩm chất lượng, đồng thời cơ chế để nhập khẩu giống mới của Việt Nam còn hạn chế, nhiều thủ tục phức tạp và kéo dài thời gian dẫn đến đang rất thiếu nguồn giống chất lượng, mới lạ.

Hiện chỉ có một số công ty nước ngoài có diện tích sản xuất lớn mới sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 2.000ha sản xuất hoa trong nhà lưới, nhà kính, đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Về phía nông dân, không có nhiều điều kiện để tham khảo các thông tin về nhu cầu thị trường tiêu thụ, về giá cả sản phẩm nên bán sản phẩm qua người mua trung gian. Có thể thấy, phương thức kinh doanh hoa truyền thống bộc lộ nhiều hạn chế như giá trị lợi nhuận thấp, đầu ra cho hoa không ổn định vì thiếu khâu cất trữ an toàn; hoa bị hư hỏng, hao hụt nhiều trong quá trình xử lý sau thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ; các chợ hoa bán sỉ không có phòng trữ lạnh nên hoa càng dễ hỏng. 

Bảo quản tốt sẽ gia tăng lượng xuất khẩu

Với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 10% về diện tích trồng và 15% về sản lượng hoa, ngành trồng hoa của Lâm Đồng vẫn đang phát triển và có thế mạnh lớn so với các khu vực khác trong cả nước. Hoa Lâm Đồng đã chinh phục nhiều nước, vùng lãnh thổ, như: Nhật Bản, Australia, Đài Loan, Trung Quốc…, theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt thì tiềm năng xuất khẩu vẫn còn rất nhiều. Hiện nay, thị trường hoa nội địa vẫn nhập từ Trung Quốc với giá rẻ, số lượng lớn, hoa cao cấp nhập từ các nước khác… Chỉ trong dịp Tết Nguyên đán năm 2018, Việt Nam nhập khẩu hoa, cây cảnh đạt 18 triệu USD; đây là phân khúc mà các vùng chuyên canh hoa đang bỏ trống trên chính sân nhà.  

Một yếu tố quan trọng khác đó là khâu bảo quản hoa sau thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm cho biết, phần lớn nông dân thu hoạch hoa vẫn còn thói quen bó thành các bó nhỏ và đóng gói vào thùng giấy carton, vận chuyển hoa bằng xe tải thông thường đến nơi tiêu thụ. Với cách làm như vậy, cành hoa dễ bị mất nước, hoa gãy, hư, do bị nhồi nhét làm hao hụt 10% - 30%. Công nghệ sau thu hoạch rất quan trọng trong xuất khẩu hoa, giải quyết vấn đề vận chuyển xa vẫn đảm bảo chất lượng quyết định đến 35% lợi nhuận. 

Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hiện nay, quy định tiêu chuẩn chất lượng hoa nội địa chưa có nên chất lượng không đồng đều. Mối liên kết giữa 4 bên sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước, nhà nghiên cứu còn lỏng lẻo, chưa đồng bộ nên chưa phát huy hiệu quả. Cần có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu giống mới. Nhà nước với vai trò “bà đỡ” cần tạo điều kiện chính sách, công nghệ, thuế, địa điểm… tạo thành chuỗi liên kết. Song song đó, nông dân cần phải liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác, công ty tạo thành chuỗi liên kết để cạnh tranh hướng đến xuất khẩu và tăng năng lực cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa.

Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Tổ chức JICA triển khai Dự án thành lập Trung tâm giao dịch hoa tại Đà Lạt; công suất thiết kế 2,5 triệu cành hoa cho ngày cao điểm, khối lượng giao dịch dự báo khoảng 550 triệu cành hoa mỗi năm. Thành lập trung tâm giao dịch hoa giúp hình thành đầu mối giao dịch tin cậy cho người trồng và người mua, với giá cả minh bạch, công tác xử lý hoa sau thu hoạch được cải thiện, nâng cao giá trị cho hoa và quản lý chi phí hiệu quả. Ngoài ra, Lâm Đồng được xem là “xưởng gia công” giống của nhiều nước trên thế giới, với 54 cơ sở nuôi cấy mô invitro, cung cấp cho thị trường nội địa 34 triệu cây giống/năm, xuất khẩu hơn 22 triệu cây giống invitro/năm cho các nước phát triển như Hà Lan, Nhật Bản, Australia…

Tin cùng chuyên mục