Không thiếu hàng thực phẩm tuơi sống
Vào thời điểm này, tại hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh nói chung, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường (BÔTT) trên địa bàn TPHCM nói riêng, đã gần hoàn thành kế hoạch hàng tết. Ngoài việc chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường chung, các DN BÔTT còn phải dự trữ một lượng hàng khá lớn để thực hiện nhiệm vụ chính trị là giữ ổn định về cung - cầu, giá cả trong trường hợp thị trường có dấu hiệu biến động.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vissan, cho biết tính đến ngày 15-1 (tức 21 tháng Chạp), công ty đã sản xuất và đưa ra thị trường các loại thực phẩm chế biến đạt hơn 90% kế hoạch tết. Sản lượng hàng tiêu thụ tăng khoảng 10% - 25% (tùy mặt hàng) so với ngày thường. Giá tất cả các mặt hàng thực phẩm chế biến của Vissan đều rất ổn định. Riêng nhóm thực phẩm tươi sống như thịt heo, Vissan đang phối hợp với trang trại và các nhà phân phối để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm cao điểm trong những ngày tới.
Rảo qua một vòng các siêu thị như Vinmart Thảo Điền, MM Mega Market, Big C, Co.opXtra Phạm Văn Đồng, hàng hóa chất ngồn ngộn trên các quầy kệ với đa dạng chủng loại, giá bán ổn định. Chị Kim Phúc, phụ trách khu vực thực phẩm tươi sống siêu thị Vinmart Thảo Điền, khẳng định nguồn cung thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt heo, thịt gà, thủy hải sản, rau củ quả và trái cây cung ứng cho nhu cầu tết sẽ không thiếu. Đối với thịt heo, giá bán không chỉ ổn định mà còn giảm nhẹ vì mức cầu thịt heo thấp. Điển hình như thịt heo của nhà cung cấp MeatDeli đã treo bảng giảm giá 10% cho tất cả các sản phẩm kể từ ngày 14 đến ngày 24-1-2020. Tương tự, tại hệ thống Co.opmart, Big C cũng đồng loạt bán mặt hàng này với giá gốc để kích cầu tiêu dùng.
Theo dự báo của các bộ ngành, sức mua dịp tết năm nay sẽ tăng khoảng 30% - 50% so với các tháng thường và tăng 10% - 15% so với cùng kỳ. Với sự chuẩn bị hàng hóa từ rất sớm và chu đáo, các sở ngành chức năng hy vọng, thị trường tết tại TPHCM sẽ không xảy ra tình trạng khan hàng - sốt giá, đảm bảo một mùa tết an lành và đầm ấm. |
Sức mua dồn vào siêu thị
Nhiều người có cùng ý kiến khi cho rằng, mùa kinh doanh tết năm nay khá yên ắng, có thể sức mua bão hòa hoặc do khởi động chậm. Đây là nhận xét rất chủ quan, bởi điểm nóng của sức mua hàng tết là ở các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại. Tại siêu thị Emart, lượng khách hàng ra vào để mua sắm luôn đông nghẹt, để gói được các giỏ quà tết cũng phải xếp hàng dài và chờ cả tiếng đồng hồ mới đến lượt. Tại nhiều siêu thị, lượng khách đến mua sắm cũng đã tăng bình quân khoảng 30% so với ngày thường. Nhiều khả năng sức mua hàng tết sẽ “bùng nổ” trong 2 ngày cuối tuần sắp tới. Do vậy, các siêu thị cũng đã lên kế hoạch điều phối hàng hóa để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tết năm 2020 tiếp tục là một mùa kinh doanh sôi động, với sự có mặt ngày càng nhiều những sản phẩm đến từ các nước. Nguyên nhân chính là từ năm 2018 đến nay, hàng loạt dòng thuế quan tiếp tục được cắt giảm theo cam kết từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước, giữa Việt Nam với khu vực. Trong số đó, rất nhiều dòng thuế được đưa về mức 0% - 3%, đã tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng khi mua sắm, đặc biệt là hàng tết.
Để trả lời câu hỏi tại sao sức mua hàng tết dồn vào siêu thị, phó tổng giám đốc phụ trách mua của một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất tại TPHCM cho biết, đó chính là các nhãn hàng đang bước vào cuộc đua khuyến mãi giảm giá để khẳng định thương hiệu, đặc biệt là các sản phẩm có yếu tố nước ngoài. Chẳng hạn, với sản phẩm bánh LU nhập khẩu từ Pháp của Mondelez Kinh Đô, khách hàng không chỉ mua sản phẩm khuyến mãi giảm giá mà còn được tặng thêm một phần quà có giá trị cao; bánh Danisa - trước đây làm mưa làm gió thị trường tết thì nay cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để cạnh tranh…
Cùng với việc phối hợp nhà cung cấp thực hiện khuyến mãi, bản thân các siêu thị cũng tung ra chương trình giảm giá 10% - 30% đối với các sản phẩm hàng nhãn riêng để thu hút khách hàng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc đua nhau khuyến mãi giảm giá sẽ có lợi cho người tiêu dùng nhưng về lâu dài, các nhà sản xuất và kinh doanh sẽ rất mệt mỏi vì giảm giá cũng đồng nghĩa phải cắt một phần lợi nhuận.