Thiếu vắng phim nhà nước đặt hàng
Sau 1 năm được đa phần các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, các nhà quản lý, giới truyền thông... nhận định là thất bát, phim Việt đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Bằng chứng là, bộ phim Em chưa 18 vừa xác lập kỷ lục mới - phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại khi đạt 107 tỷ đồng sau chưa đầy 2 tuần công chiếu. Nhiều bộ phim ra mắt gần đây như Dạ cổ hoài lang, Lô tô, Cha cõng con, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa... cũng nhận được khá nhiều phản hồi tích cực. Tuy nhiên, các phim đó đều đóng mác tư nhân và thị phần gần như tuyệt đối thuộc về các nhà làm phim khu vực phía Nam. Nhìn một cách thẳng thắn, phim Việt hiện vẫn phát triển tương đối tự phát, chạy theo trào lưu khán giả thích gì làm đó mà chưa có được sự định hướng hay chiến lược phát triển lâu dài.
Chưa kể, sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (nhà nước đặt hàng và bỏ ra 8 tỷ đồng kinh phí sản xuất), dòng phim nhà nước đặt hàng hoàn toàn vắng bóng. Tại tọa đàm Sáng tác điện ảnh và truyền hình 2016 tổ chức vào đầu tháng 4 vừa qua, TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết, hiện nay không còn hình thức phim tài trợ mà chỉ có phim đặt hàng, thuộc các thể loại: lịch sử, dân tộc, miền núi, thanh thiếu niên, thiếu nhi... Tuy nhiên, phim nhà nước đặt hàng hiện đang vướng phải hàng loạt những yêu cầu, quy định liên quan đến cơ chế đấu thầu. “Các phim nhà nước đặt hàng Cục Điện ảnh không thể quyết định mà phải do Bộ Tài chính trình Chính phủ. Chúng tôi đã nhận được đề nghị phải xây dựng được thông tư đấu thầu nhưng đã bị tắc khá lâu. Mọi phim muốn được cấp kinh phí phải qua đấu thầu. Nhưng một tác phẩm điện ảnh không thể đấu thầu bởi nó là một chỉnh thể nguyên khối, nếu bắt cắt khúc ra, sau khi tuyển xong kịch bản đem ra đấu thầu ai là nhà sản xuất, chắc chắn thất bại”, bà Ngô Phương Lan cho biết.
Theo nhà báo Tô Hoàng, việc thiếu vắng phim tài trợ, đặt hàng của nhà nước giống như con thuyền mất bánh lái. Mất phim điện ảnh nhà nước là mất đi tính định hướng, là thực trạng đáng báo động. Nó không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của lớp trẻ mà có thể khiến chúng ta mất đi thị trường điện ảnh. Còn theo đạo diễn Việt Linh, dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ những phim nào thấy cần thiết là việc cần làm.
Một tín hiệu vui được bà Ngô Phương Lan đưa ra hiện vấn đề đang có những chuyển biến tích cực. Theo đó, từ năm 2017 việc cấp tiền làm phim sẽ được đưa vào hạng mục đặc biệt, không còn theo cơ chế đấu thầu. Thực tế được triển khai đến đâu, câu trả lời vẫn là... thời gian.
Mòn mỏi chờ quỹ điện ảnh
Để quỹ điện ảnh sớm hiện thực hóa và đi vào hoạt động mãi vẫn là việc khó của điện ảnh Việt. Nhìn sang nước bạn, Hàn Quốc có Ủy ban Chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc, đơn vị trực tiếp điều hành quỹ đầu tư điện ảnh đã hoạt động rất hiệu quả. Quỹ này cung cấp và quản lý nguồn vốn ổn định; cải thiện cơ cấu của ngành điện ảnh; giảm bớt rủi ro cho các hãng phim và tăng tính cạnh tranh với các phim Hollywood, hỗ trợ khâu sản xuất, phát hành. Tại Đan Mạch, quỹ hỗ trợ cho cả các dự án phim truyện, phim tài liệu cũng như các tài năng mới và được chia nhỏ thành từng công đoạn: tóm tắt kịch bản, viết kịch bản, sản xuất, quảng bá, tham gia liên hoan phim...
Theo biên kịch Đoàn Minh Tuấn, trong bối cảnh hiện nay cần lắm sự ra đời của quỹ điện ảnh nhằm hỗ trợ các nhà làm phim mang hình ảnh, tiếng nói, văn hóa dân tộc đi “khoe” với thế giới. Sự việc này đã được nói nhiều lần nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan.
Trả lời vấn đề nêu trên, theo TS Ngô Phương Lan, dự thảo về quỹ phát triển điện ảnh đã được Cục Điện ảnh soạn thảo 2 lần, trình lên Bộ VH-TT-DL để trình lên Chính phủ vào các năm 2010, 2012 nhưng cho đến nay vẫn ách do nguồn vốn duy trì không có. Cũng theo bà Lan, ở các nước khác quỹ điện ảnh được trích từ doanh thu phim chiếu rạp, doanh thu từ truyền hình và một số nguồn khác nhưng ở Việt Nam hiện đều không có. “Với tốc độ phát triển doanh thu phim chiếu rạp dao động 20%-25% mỗi năm như hiện nay chỉ cần trích 3% chúng ta có thể triển khai hàng loạt các dự án tài trợ, đặt hàng, hỗ trợ các nhà làm phim độc lập... Tuy nhiên do liên quan đến Luật Ngân sách, Luật Phí và lệ phí nên mọi thứ chưa thể khai thông. Sắp tới đây, ban soạn thảo chúng tôi sẽ có các cuộc họp với các chuyên gia và tiếp tục soạn thảo thêm lần nữa dự thảo này”, bà Lan nhấn mạnh.
Trong lúc trông chờ được đặt hàng hay tài trợ, nhiều nhà làm phim mang đứa con tinh thần của mình đi “cầu cứu” các quỹ điện ảnh nước ngoài, tham gia các chợ phim, LHP để chào hàng. Trong khi đó, phim tư nhân vẫn cứ nở rộ và dòng phim nhà nước đang đứng ngoài cuộc chơi.