Dồi dào hàng hóa thiết yếu
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) chia sẻ, chỉ tính từ trung tuần tháng 3 đến đầu tháng 4, lượng đơn đặt hàng online trên toàn hệ thống đã tăng lên hơn 20.000 đơn hàng. Đây là lượng đơn hàng online lớn nhất từ trước đến nay. Ngược lại, đơn hàng thanh toán trực tiếp tại hệ thống siêu thị giảm mạnh. Điều này cho thấy người dân đã thực hiện rất tốt chủ trương giãn cách xã hội của Chính phủ. Phía đơn vị phân phối cũng như sản xuất đã tăng công suất sản xuất và lượng hàng dự trữ đủ để người dân yên tâm.
Liên quan đến vấn đề này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết ngay khi người dân có tâm lý hoang mang và mua hàng dự trữ với số lượng lớn, gây ra tình trạng khan hiếm hàng cục bộ tại một số hệ thống phân phối, hội đã nhanh chóng làm việc với các doanh nghiệp (DN) thành viên để lên kế hoạch tăng công suất sản xuất cũng như tăng lượng hàng dự trữ tại kho. Theo đó, các DN thành viên, nhất là những DN sản xuất hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm đã tăng công suất sản xuất 30%-40%. Cùng với đó, tỷ lệ lượng hàng dự trữ tồn kho cũng tăng thêm 50% để tránh nguy cơ bị đứt nguồn cung hàng hóa.
Ở nhóm mặt hàng thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm, các DN thành viên cũng khẳng định nguồn cung rất dồi dào, phong phú, giá bán tiếp tục ổn định. Đơn cử là Công ty cổ phần Ba Huân, hiện mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt gia cầm tăng 100%, đang thực hiện sản xuất 2-3 ca/ngày. Riêng trứng gia cầm, công ty cam kết cung ứng đầy đủ với sản lượng tại miền Nam đạt 1 triệu trứng/ngày, tăng độ phủ trên diện rộng và giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng. Tương tự, Công ty San Hà nguồn cung cũng dồi dào và giá thịt gia cầm sẽ tiếp tục ổn định đến hết năm 2020.
Riêng đối với mặt hàng lương thực như gạo, thì hiện tại dù giá lúa gạo đang có xu hướng tăng nhưng các DN vẫn duy trì giá bán ổn định, với sản lượng sản xuất tháng 4-2020 đạt 4 triệu tấn gạo; lượng gạo tồn kho lớn đạt gần 1,6 triệu tấn (chưa kể lượng gạo tồn kho của một số thương nhân nhỏ chưa báo cáo và lượng gạo tồn trong dân). Các DN khẳng định Việt Nam sẽ không bao giờ thiếu gạo, lượng gạo chẳng những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước đến 2021 mà còn có thể phục vụ xuất khẩu với lượng tương đương 6,5-6,7 triệu tấn gạo.
Ngoài những mặt hàng thiết yếu trên, các mặt hàng khác như gia vị, nước chấm, hầu hết đều đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ưu tiên cung ứng thị trường nội địa
Trên thực tế, lợi thế của các DN sản xuất hàng hóa thiết yếu là nguồn nguyên liệu nội địa. Có đến 90% nguồn nguyên liệu sản xuất là nội địa. Số ít phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu nhập khẩu này đang dần thay thế bằng nguồn cung trong nước nên DN sản xuất không gặp khó. Một yếu tố quan trọng khác là năng lực sản xuất chế biến lương thực thực phẩm của DN trong nước rất lớn. Trong điều kiện sản xuất bình thường, khi chưa có dịch bệnh xảy ra, phần lớn hàng hóa sản xuất phải xuất khẩu do quy mô thị trường trong nước hạn chế. Còn hiện tại, nhu cầu thị trường trong nước tăng mạnh, trong khi thị trường xuất khẩu đang bị hạn chế nên DN cũng nhanh chóng điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thị trường. Đại diện Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) cho biết, hiện công ty đã tạm cắt đơn hàng xuất khẩu để ưu tiên sản xuất cho thị trường nội địa, dù đơn hàng xuất khẩu tăng 300% so với trước.
Có thể thấy, thông qua việc điều chỉnh sản xuất và cung ứng thị trường, các DN lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm đã hoàn toàn có khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50%-100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Tuy nhiên về phía DN sản xuất cũng cho biết đang vấp phải nhiều khó khăn. Cụ thể, giá nguyên vật liệu trong nước vẫn còn cao, đã ảnh hưởng khả năng dự trữ nguyên liệu và thành phẩm. Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm đầu vào chênh lệch do buộc phải thay đổi xuất xứ hàng hóa, hoặc chi phí lãi vay kéo dài vì phải thay đổi xuất xứ hàng hóa ở vị trí địa lý xa hơn… Một số DN đang có doanh số giảm nhưng vẫn phải trả các chi phí cố định để duy trì hoạt động, trả lương và các khoản bảo hiểm cho người lao động để ổn định cuộc sống. Ngoài ra, các chi phí phục vụ cho việc vệ sinh, sát khuẩn, tăng cường các biện pháp ứng phó phòng dịch Covid-19 (khẩu trang, cồn, xà phòng, hóa chất sát khuẩn nhà máy, xe vận chuyển hàng) tăng gấp 30 lần so với ngày thường, cộng thêm áp lực nợ vay ngân hàng tới hạn đang gây khó cho DN.
Do vậy, cùng với việc DN “gồng mình” tăng lượng hàng dự trữ nhằm tránh nguy cơ gãy đứt nguồn hàng cung ứng trên thị trường, các cơ quan chức năng cần giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh gói hỗ trợ tài chính đến với DN, góp phần duy trì ổn định hoạt động sản xuất hiện tại cũng như trong thời gian tới.