Một số kênh đầu tư như trái phiếu doanh nghiệp, vàng, bất động sản, các sản phẩm phái sinh mới cũng khiến dòng tiền tham gia thị trường cổ phiếu kém sôi động, đặc biệt là việc bán ròng liên tục của khối ngoại - tín hiệu không tích cực đối với xu thế thị trường 2020.
Tăng trưởng bằng nội lực
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2019 đạt trên 7%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhìn vào xu hướng tăng trưởng GDP qua các năm cũng cho thấy Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt. Tất nhiên, điều đó đang phản ánh qua chỉ số chứng khoán, hàn thử biểu của nền kinh tế, VN Index đang xu hướng tăng so với giai đoạn 2015-2017, khi chỉ số VN Index chỉ ở mức dưới mốc 800 điểm.
2019 là năm hàng loạt ngân hàng trung ương (NHTW) đưa ra các chương trình thúc đẩy kinh tế, các hoạt động kích thích tăng trưởng, kích cầu vẫn sẽ là động thái được ưu tiên tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Và trong năm 2019, NHNN đã tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, được xem là động thái nhạy bén và bám sát biến động chính sách tiền tệ của các NHTW thế giới, nhất là việc điều chỉnh lãi suất là cần thiết trong bối cảnh nhu cầu về vốn phát triển bất động sản, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng… đang gia tăng nhanh chóng.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Việt Nam 2020 cho dù lạc quan nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, cũng như phải thận trọng vì nền kinh tế có độ mở rất lớn và phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và Mỹ. Rủi ro địa chính trị thế giới đặt Việt Nam đứng trước ranh giới bấp bênh, mong manh giữa cơ hội to lớn với nguy cơ, thách thức. Trong khi đó, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra rất chậm chạp, không hoàn thành mục tiêu dự tính, khiến nội lực kinh tế trong nước khó có thể đủ khả năng chống chịu trước các cú sốc đến từ bên ngoài.
Hơn nữa, chiến lược định hướng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ bị Mỹ áp đòn trừng phạt do vấn đề “lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, kể cả việc quy chụp Việt Nam thao túng tiền tệ có thể được Mỹ sử dụng từ giữa 2020. Những biến cố xấu này đẩy Việt Nam vào thế kẹt trong cuộc đối đầu chiến lược Mỹ - Trung, thay vì tiếp tục được đứng giữa hưởng lợi.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng mạnh trong các năm gần đây, đặc biệt là 2019. Ước tính năm 2019 tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt khoảng 35 tỷ USD, tăng 3,3% so với 2018. Số vốn đăng ký tăng, vốn đăng ký cấp mới, góp vốn mua cổ phần đều tăng tốt. Do vậy năm 2020, Việt Nam sẽ đẩy mạnh thu hút các dự án có chuyên môn khoa học công nghệ cao. Kết hợp với tích cực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, hợp tác khu vực. Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến thu hút dòng vốn FDI.
Khối ngoại bán ròng
Nếu không tính các giao dịch thỏa thuận, khối ngoại chủ yếu bán ròng trên sàn trong cả năm 2019. Xu hướng bán ròng của khối ngoại là tín hiệu khá lo ngại đối với xu hướng thị trường trong năm 2020, khi dòng tiền khối ngoại luôn được coi là động lực mua lên các cổ phiếu lớn, có dẫn dắt dòng tiền nội.
Khi khối ngoại bán ròng, ngoài việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế, dòng vốn đầu tư thông qua các quỹ ETFs, thì việc Việt Nam không lọt vào danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI Index, cũng khiến nhà đầu tư ngoại “ngó lơ” TTCK Việt Nam. Cho dù một số quỹ ETFs mới thành lập và hứa hẹn giải ngân trên thị trường giai đoạn 2020 và cơ hội mua vào ở các cổ phiếu lớn như VHM, HCM, VRE, nhưng cần phải xuất hiện dòng tiền lớn giải ngân ở nhóm cổ phiếu VN30 đến từ khối ngoại mới có thể kéo chỉ số lên các điểm cao mới.
Hiện chỉ số P/E toàn thị trường vẫn ở mức 16,5x, khá hấp dẫn so với khu vực khi triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Bên cạnh đó 3 chỉ số chứng khoán mới là Vietnam Leading Financial Index (VNFIN LEAD), Vietnam Financial Select Sector Index (VNFIN SELECT) được xây dựng dựa trên chỉ số ngành tài chính của HOSE, và Vietnam Diamond Index (VN DIAMOND) bao gồm 10-20 cổ phiếu thành phần có giá trị vốn hóa tối thiểu 2.000 tỷ đồng, khớp lệnh tối thiểu 5 tỷ đồng mỗi ngày đối với cổ phiếu thuộc nhóm VNAllshare, cũng sẽ hứa hẹn thu hút dòng tiền tham gia. Cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ ETFs giải ngân ở các cổ phiếu bluechips thị giá hấp dẫn.
Thoái vốn DNNN không đạt tiến độ
Một vấn đề khác cần đề cập là lộ trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Năm 2019 chỉ có 3 DNNN CPH và theo kế hoạch 2020 là 93 DN CPH theo 3 mức tỷ lệ Nhà nước nắm giữ, gồm 4 DN mà Nhà nước sở hữu trên 65%, 62 DN Nhà nước nắm giữ >50% và < 65% và 27 DNNN nắm giữ dưới 50%. Cho dù nguồn cung hàng CPH, IPO lớn nhưng không phải DN nào cũng hấp dẫn nhà đầu tư.
Chúng ta vẫn chưa tính đến việc chậm tiến độ, quy trình định giá tài sản DN, cơ chế còn nhiều bất cập dẫn đến việc thoái vốn không thành công. Do vậy, đây có thể không được coi là yếu tố hỗ trợ TTCK trong giai đoạn 2020.
Thất vọng về lộ trình nâng hạng
Dù chưa được FTSE Russell nâng hạng trong kỳ công bố xếp hạng thị trường tháng 9-2019, do TTCK Việt Nam còn quá nhiều tiêu chí chưa đáp ứng được lộ trình nâng hạng, tuy nhiên nhìn xa hơn, cơ hội để thị trường được FTSE và cả MSCI nâng hạng chỉ là vấn đề thời gian.
Như vậy, năm 2020 nếu mọi chuyện cải cách thuận lợi, Chính phủ, Bộ Tài chính và UBCKNN sẽ đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường pháp lý, hoạt động công bố thông tin các DN niêm yết, minh bạch thông tin, hay kể cả việc tự do hóa thị trường ngoại hối, nới room cũng sẽ sớm đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng. Lúc đó dòng vốn ngoại sẽ được kỳ vọng giải ngân nhiều hơn vào TTCK còn nhiều tiềm năng như Việt Nam.
LÊ ĐỨC KHÁNH
Giám đốc Chiến lược đầu tư CTCK Maritime Bank (MSI)