“Nút thắt” hạn mức sở hữu nước ngoài
Theo kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 TTCK trên thế giới mà tổ chức xếp hạng toàn cầu MSCI (Mỹ) vừa công bố vào cuối tháng 6, Việt Nam không được đưa vào danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi. Đáng lưu ý, trong 9 tiêu chí TTCK Việt Nam không đạt được, MSCI nhấn mạnh vào các tiêu chí về giới hạn sở hữu nước ngoài (room ngoại) và cho biết “nút thắt” này đang tác động tới khoảng 15% cổ phiếu trên TTCK Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trong năm 2021, khối ngoại bán ròng hơn 62.300 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam. Theo lý giải của giới chuyên gia, ngoài lo ngại dịch bệnh nên nhà đầu tư muốn thu tiền về thì có nguyên nhân do nhiều nhóm ngành mà nhà đầu tư quan tâm bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Đại diện Quỹ Dragon Capital phân tích, động thái bán ròng của khối ngoại do TTCK Việt Nam chưa được xét vào danh sách các thị trường mới nổi trong năm 2021 nên chưa thu hút được vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thế giới, xu hướng dòng vốn ngoại đầu tư vào các thị trường cận biên đang ngày càng giảm.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam được tổ chức tại TPHCM trong tháng 6-2022, ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, chia sẻ, nhà đầu tư nước ngoài như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… rất quan tâm đến TTCK Việt Nam vì đang có định giá hấp dẫn hơn so với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, nhưng: “Quy định về giới hạn sở hữu nước ngoài đang kìm hãm sự phát triển của TTCK Việt Nam, hạn chế lượng cổ phiếu mà người nước ngoài có thể đầu tư khiến họ phải trả các khoản phí đắt đỏ nếu muốn đầu tư thêm. Chẳng hạn như lĩnh vực ngân hàng, là nhóm ngành lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất trên thị trường, luôn là lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm nhưng lại bị giới hạn ở mức 30% vốn nước ngoài sở hữu”.
Các chuyên gia trong ngành cũng nhận định, vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhiều nhóm ngành trọng điểm khác như logictics, cảng biển… cũng là “nút thắt”. Nếu Việt Nam không tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài mua cổ phần thì họ sẽ chuyển hướng đầu tư vào các thị trường khác.
Hướng tới nâng hạng
Lên tiếng về việc nâng hạng TTCK Việt Nam, Bộ Tài chính khẳng định, đây là một trong những mục tiêu lớn mà TTCK Việt Nam đang hướng tới. Bộ Tài chính cũng đã đưa mục tiêu này vào Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” và dự thảo “Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030”. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ được nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trước năm 2025.
Theo Bộ Tài chính, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý, vì việc đánh giá, phân loại và xếp hạng phải tuân theo các nguyên tắc, tiêu chí của các tổ chức như MSCI hay FTSE (Anh). Hiện nay, dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều điều cần có quyết tâm chung, phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng. Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu tập trung hoàn thiện, vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới (hệ thống KRX) cho TTCK. Từ nền tảng hạ tầng sẽ phát triển, đa dạng hóa, gia tăng chất lượng các sản phẩm trên thị trường, thu hút nhà đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng liên quan.
Các động thái gần đây cho thấy sự quyết tâm rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam. Đó là, vừa qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc với Ngân hàng Thế giới và FTSE để tháo gỡ những vướng mắc về nâng hạng TTCK Việt Nam. Cơ quan này sẽ chủ động trao đổi với các bộ, ngành, hiệp hội, thành viên thị trường và các nhà đầu tư để tháo gỡ các vấn đề rất quan trọng như: tỷ lệ sở hữu nước ngoài; một số quy định trên thị trường ngoại hối…
Tiếp đó, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cũng đã lấy ý kiến về dự thảo quy chế thay thế Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán và quy chế thành viên lưu ký. Dự kiến trong tháng 8-2022, thời gian thanh toán, bù trừ chứng khoán sẽ được rút ngắn, nhà đầu tư có thể được giao dịch ngay trong chiều T+2 (rút ngắn được 1 ngày so với hiện tại), kỳ vọng thanh khoản được cải thiện hơn. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế nên sẽ thu hút được nhà đầu tư tham gia, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, cũng sẽ tác động quan trọng đến việc nâng hạng TTCK Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện quy mô vốn các quỹ có thể phân bổ cho các thị trường cận biên khoảng 95 tỷ USD, dành cho các thị trường mới nổi đang vào khoảng 6.800 tỷ USD. Nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam có thể đón nhận hàng trăm tỷ USD đổ vào thị trường. |