Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng hàng tốt từ doanh nghiệp nhà nước

Tính đến ngày 12-12, VN-Index đã đạt hơn 661 điểm, tăng hơn 80 điểm (tương đương khoảng 15%) so với đầu năm 2016. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) đã lấy lại vị thế và đang đứng trước cơ hội lớn khi quá trình thoái vốn nhà nước đang được đẩy mạnh.
Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng hàng tốt từ doanh nghiệp nhà nước

Tính đến ngày 12-12, VN-Index đã đạt hơn 661 điểm, tăng hơn 80 điểm (tương đương khoảng 15%) so với đầu năm 2016. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) đã lấy lại vị thế và đang đứng trước cơ hội lớn khi quá trình thoái vốn nhà nước đang được đẩy mạnh.

Còn nhiều biến động

Từ đầu năm đến nay, TTCK Việt Nam đã bao phen “điêu đứng” với những biến động khó lường, ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất ngờ của tình hình trong và ngoài nước. Dù vậy, đến cuối năm, VN-Index vẫn tăng 15%, vượt qua các kênh đầu tư khác như: vàng, gửi tiết kiệm, bất động sản hay nắm giữ USD - đều chỉ có tỷ suất sinh lời dưới 10%.

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh trong nước chưa có nhiều thông tin hỗ trợ, những diễn biến chính trị, kinh tế, tài chính, tiền tệ trên thị trường thế giới có tác động không nhỏ tới TTCK Việt Nam, TTCK sẽ còn những diễn biến khó lường. Thời gian tới, việc TPP có thể không được chính phủ mới của Mỹ ủng hộ trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong các năm qua, có thể sẽ gây tác động bất lợi đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Ngoài ra, trong bối cảnh khối ngoại vẫn còn bán ròng trên thị trường, khảo sát của Tổ chức CME Group (Mỹ) cho thấy xác suất FED tăng lãi suất trong tháng 12 đã tăng lên mức 90,6%, khiến dòng vốn ngoại đang có xu hướng rút ra khỏi các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với các tín hiệu được đưa ra trước đó, ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số chung được dự báo không quá lớn. Khi tình hình ổn định, TTCK sẽ theo hướng tích cực hơn.

Cổ phiếu chất lượng sẽ hút vốn ngoại

Nhận định về TTCK Việt Nam, ông Kim Thiên Quang, Tổng Giám đốc Maybank Kim Eng, đánh giá: “Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 5-12 cho thấy, mức tăng trưởng GDP Việt Nam dự kiến đạt 6% trong 2016 và năm tới đạt 6,3%. Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục được nhìn nhận như một điểm đến tiềm năng cho rất nhiều tổ chức tài chính, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó kênh đầu tư chứng khoán là lựa chọn hấp dẫn, đầy tiềm năng”.

Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành, VN-Index từ mốc 570 điểm đầu năm lên 660 điểm hiện nay cho thấy thị trường có sự  điều chỉnh, nhưng đây là điều chỉnh hợp lý để chuẩn bị cho một chu kỳ mới bắt đầu. Về căn bản, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vẫn ở mức cao, cùng với đó, Chính phủ đang quyết tâm thúc đẩy sự minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư và thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, nên tiềm năng thị trường còn rất lớn.

Tập đoàn Sữa Việt Nam, một trong số những doanh nghiệp quan trọng vừa được Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tiến hành thoái vốn. Ảnh: CAO THĂNG

Theo chủ trương, Nhà nước sẽ thoái vốn toàn bộ, kể cả tại các DN đang làm ăn tốt. Đây là tiền đề quan trọng để TTCK Việt Nam được bổ sung thêm hàng hóa chất lượng cao, đồng thời gia tăng quy mô vốn hóa thị trường. Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang triển khai tích cực thoái vốn 10 DN quan trọng nhất như: Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP), Công ty CP Bảo hiểm Bảo Minh (BMI)… Hiện SCIC đã tiến hành thoái vốn 9% tại Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) và trong năm 2017, SCIC sẽ tiếp tục thoái vốn tại FPT, SGC, BMP, NTP... Kỳ vọng trong thời gian sớm nhất, sẽ có thêm nhiều hàng hóa từ Nhà nước cung cấp ra thị trường để nhà đầu tư lựa chọn. Ước tính, tổng giá trị vốn hóa của 15 DN dự kiến IPO hoặc lên sàn trong thời gian tới vào khoảng 15 tỷ USD. Đó là còn chưa kể các đợt thoái vốn của SCIC tại 10 DN lớn.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Việc thoái vốn, cổ phần hóa là để các nhà đầu tư tham gia quản trị, điều hành công ty hoạt động hiệu quả hơn, chứ không phải chỉ bán vài chục phần trăm cổ phần và Nhà nước vẫn nắm giữ, điều hành, quản lý không hiệu quả, thì không đạt được mục tiêu thoái vốn, cổ phần hóa”. Theo ông, về lâu dài, yếu tố quan trọng nhất giúp Việt Nam thu hút vốn ngoại vẫn phải là nền tảng vĩ mô ổn định, triển vọng kinh tế khả quan cùng quyết tâm IPO thực chất, tăng tính minh bạch cho khối DN nhà nước.

Theo đánh giá của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, hiện các nhà đầu tư ngoại đang rất quan tâm đến nhóm cổ phiếu chào bán lần đầu (IPO) hoặc Nhà nước thoái vốn tại các DN lớn. Ngoài những cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đã biết rõ và nắm giữ trong một thời gian dài như VNM, HPG, FPT… giá trị đã định giá đúng với thực tế, những cổ phiếu mới như Sabeco (đã chính thức lên sàn HOSE) và những tên tuổi lớn như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV), Novaland, Petrolimex... khi được niêm yết sẽ thu hút rất lớn sự quan tâm của khối ngoại.

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục