Tiền chưa rút khỏi thị trường
Sau tết, khối ngoại đã có tới 24 phiên bán ròng tạo áp lực không nhỏ lên TTCK Việt Nam. Lý giải việc khối ngoại bán ròng trên TTCK trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19 và hoạt động kinh tế phục hồi tốt, các chuyên gia trong ngành nhận định, nhìn vào tổng thể, động thái trên chỉ là khối ngoại cơ cấu lại danh mục đầu tư sau một thời gian TTCK Việt Nam tăng trưởng nóng.
Bởi lẽ, khối này giải ngân trong giai đoạn VN-Index ở mức khoảng 600-700 điểm và đến cuối năm 2020 VN-Index đã tiệm cận 1.200 điểm, vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm (năm 2018) vào ngày 1-4-2021, và đang liên tục lập đỉnh mới đã khiến cho P/E (thị giá thu nhập trên mỗi cổ phần) của TTCK tăng lên 17-18 lần. Các danh mục đầu tư đều có lãi nên khối ngoại bán ròng chốt lời. Riêng tháng 3-2021, khối ngoại đã bán ròng gần 14.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán TPHCM (HoSE) có nguyên nhân từ việc nghẽn lệnh của sàn này.
Đi vào chi tiết, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho biết, không chỉ ở Việt Nam, khối ngoại đã rút hơn 100 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi. Ngoài ra, xu hướng này tiếp tục tiến triển những tháng đầu năm 2021 là do lợi suất trái phiếu của Chính phủ Mỹ (kỳ hạn 10 năm) liên tục tăng khiến đồng tiền của các thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Brazil… giảm giá so với USD. Điều này khiến nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng rút tiền khỏi TTCK để bảo toàn vốn.
Đơn cử, đồng won (KRW) của Hàn Quốc giảm khoảng 4% so với USD khiến Quỹ KIM (Korea Investment Management) rút vốn khỏi TTCK Việt Nam hơn 60 triệu USD từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, các TTCK khác như Mỹ, Nhật Bản có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn TTCK Việt Nam khi chính phủ các nước này tung ra nhiều gói kích cầu khiến TTCK tăng mạnh. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư ngoại đánh giá quy mô “bơm tiền” hỗ trợ nền kinh tế của Việt Nam không lớn nên họ cân nhắc việc đầu tư. Cùng với đó, Trung Quốc có xu hướng hạ đòn bẩy tài chính, giảm cung tiền bởi lo nguy cơ vỡ nợ trái phiếu. Việc này đã ảnh hưởng đến TTCK châu Á, từ đó gây áp lực bán ròng của khối này trên TTCK Việt Nam.
Phân tích thêm, đại diện Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho rằng, bên cạnh việc cơ cấu lại danh mục, nhà đầu tư nước ngoài còn bán ròng vì quan ngại về biến động tỷ giá. Tuy nhiên, khối ngoại trước đây sở hữu 21%-22% tổng số cổ phiếu lưu hành trên TTCK và hiện chỉ rút ra khoảng 3%. Đáng nói, khối ngoại bán ròng nhưng vẫn giữ tiền mặt trong tài khoản chứ không rút khỏi thị trường và đợi giải ngân vào thời điểm thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh. Hiện lượng tiền mặt khối ngoại để trên tài khoản khoảng 2,7 tỷ USD, trong khi con số cuối năm 2020 ở mức 1,2 tỷ USD.
Vốn ngoại sẽ sớm quay lại
Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, dù hơn 1 năm qua khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng nhưng đây là rủi ro không đáng kể vì có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân trong nước và các quỹ nước ngoài mới. Cụ thể, cuối tháng 3-2021, quỹ hoán đổi danh mục mới từ lãnh thổ Đài Loan Fubon FTSE Vietnam (ETF) đã tiến hành IPO và huy động được 5,28 tỷ TWD (Đài tệ, tương đương khoảng 4.279 tỷ đồng).
Trước đó, Fubon FTSE Vietnam dự kiến huy động tới 10 tỷ TWD (khoảng 8.100 tỷ đồng) để đầu tư vào TTCK Việt Nam. Do quỹ này tham chiếu chỉ số FTSE Vietnam 30 Index nên có khả năng dòng vốn này sẽ tạo nên sự khởi sắc cho nhóm cổ phiếu VN30 (chiếm 40%-50% giá trị giao dịch của VN-Index) và góp phần củng cố đà tăng của VN-Index thời gian tới. Ngoài sự xuất hiện của Quỹ ETF, dự báo của các công ty chứng khoán cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian tới. Cụ thể, Quỹ VFM VN30 ETF đã ngừng rút tiền và đưa tiền vào liên tục từ ngày 25-3; Quỹ VFM VN Diamond ETF (giá trị ròng 424 triệu USD) liên tiếp thu hút dòng tiền từ khối ngoại từ đầu năm 2021 với giá trị gần 95 triệu USD…
Giới chuyên gia cũng nhận định, năm 2021, nhiều dòng vốn ngoại đầu tư ròng sẽ sớm trở lại khi tổ chức xếp hạng MSCI chính thức nâng hạng cho TTCK Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm được dòng vốn của các quỹ đầu tư. Chưa hết, sau khi VN-Index đã chính thức vượt đỉnh 1.200 điểm năm 2018, các quỹ đầu tư nước ngoài kỳ vọng VN-Index có thể vươn lên mức 1.300-1.400 điểm trong năm 2021.
Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ vừa chính thức lên tiếng rút Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ cũng sẽ là động lực thu hút được nguồn vốn trở lại. Tuy nhiên, việc hệ thống giao dịch trên sàn HoSE quá tải vẫn là rủi ro hiện hữu. Nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE sớm giải quyết vấn đề này, giao dịch của khối ngoại sẽ sôi động hơn trong thời gian tới, trong đó có các quỹ đầu tư chủ động và quỹ ETF.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, hiện Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi giúp kích hoạt trở lại dòng vốn từ khối ngoại. Cụ thể, môi trường kinh doanh ổn định, kiểm soát cung tiền chặt chẽ… được kỳ vọng có thể giúp hạn chế lạm phát. Quan trọng nhất, các số liệu vĩ mô cho thấy sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam. Đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng bền vững của TTCK Việt Nam thời gian tới. Do đó, TTCK Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn trong dài hạn. |