Tại tọa đàm, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết, các hệ sinh thái ven biển và đất ngập nước (bao gồm rừng ngập mặn, đầm lầy, thủy triều, cỏ biển) đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo sinh kế và an sinh xã hội cho cộng đồng ven biển.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, rừng ngập mặn và đất ngập nước có khả năng hấp thụ carbon rất nhiều so với hệ sinh thái khác. Tuy nhiên, thị trường carbon xanh từ hệ sinh thái này vẫn chưa được khai thác và phổ biến rộng rãi.
TS Vũ Tấn Phương, Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững cũng cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng tạo tín chỉ carbon trong lâm nghiệp. Cụ thể, rừng ngập mặn khoảng 15.000ha, 80% phân bố ở phía Nam; bãi triều khoảng 18.000ha, chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long; cỏ biển khoảng 15.637ha (66% ở khu vực đảo Phú Quốc); trữ lượng carbon cao ở rừng ngập mặn, khoảng 8,7 triệu tấn carbon (1,4% tổng trữ lượng carbon trong hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái rừng Việt Nam có tiềm năng khoảng 612 triệu tấn carbon).
Theo ông Phương, việc phát triển thị trường carbon trong lĩnh vực lâm nghiệp đang gặp nhiều thách thức. Đơn cử, khung pháp lý, hướng dẫn chưa chi tiết và rõ ràng về đầu tư, quyền carbon, chia sẻ lợi ích; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; quy định về đăng ký, thương mại tín chỉ carbon.
Song song, hạn chế về năng lực kỹ thuật trong xây dựng, thực hiện dự án carbon rừng (xây dựng dự án, đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải khí nhà kính; theo dõi, giám sát…). Hạn chế về dữ liệu, minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu sử dụng trong đo đạc, báo cáo phát thải; thông tin về đầu tư, kết nối doanh nghiệp. Tăng chi phí trong xây dựng, thực hiện dự án và thương mại tín chỉ carbon (xây dựng dự án, báo cáo, giám sát phát thải; chi phí thẩm định; chi phí giao dịch tín chỉ carbon).
TS Phạm Thu Thủy, Đại học Adelaide nhận định, Việt Nam có nhiều ưu thế phát triển thị trường carbon trong lâm nghiệp. Theo đó, tiềm năng thị trường carbon có giá trị cao: đa dạng sinh học thứ 16 trên thế giới; 25 triệu người nghèo dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng; diện tích và chất lượng rừng ngập mặn, rừng trên cạn tiềm năng; có thể tiến hành nhiều loại hình dự án (trồng mới và tái trồng rừng). Song, quá trình phát triển thị trường này vẫn gặp một số khó khăn, như: hạn chế về thông tin và tài chính để xây dựng các dự án; thách thức về kỹ thuật trong đo đếm, thẩm định và báo cáo carbon cùng các vấn đề khác.
Để có thể phát triển thị trường carbon trong lâm nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần đồng bộ triển khai các giải pháp, từ việc đầu tư các dự án cho đến xúc tiến thị trường mua bán carbon…
Theo TS Vũ Tấn Phương, Việt Nam cần có chiến lược, kế hoạch về phát triển lâm nghiệp gắn với tạo tín chỉ carbon rừng: tiềm năng, vùng ưu tiên, khách hàng, cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư; đảm bảo năng lực kỹ thuật trong toàn bộ quá trình thực hiện, đặc biệt là năng lực về xây dựng dự án, đo đạc, báo cáo và thẩm định; đảm bảo minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu phục vụ cho đo đạc, báo cáo và thẩm định, chia sẻ lợi ích, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường xã hội. Đồng thời, cần tối ưu hóa nguồn lực đầu tư thông qua lồng ghép các chương trình, dự án, đa dạng thị trường carbon, đảm bảo hiệu quả thực hiện.