Nhiều dự án chuyển nhượng thành công
Cuối tháng 12-2023, UBND tỉnh Bình Dương thông qua quyết định cho phép Becamex IDC chuyển nhượng dự án khu đô thị Tân Thành tại TP Thủ Dầu Một cho CapitaLand (Singapore). Dự án rộng 18,9ha, tổng diện tích xây dựng gần 593.000m² với tổng mức đầu tư 13.645 tỷ đồng, dự kiến cung cấp 462 căn biệt thự và khoảng 3.300 căn hộ. Giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dự án là 5.085 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hàng loạt thương vụ khác có thể kể đến như Gamuda Land (Malaysia) chi 315,8 triệu USD mua lại dự án quy mô 3,68ha của Công ty CP BĐS Tâm Lực tại TP Thủ Đức (TPHCM).
Hay như Sky World Development Berhad mua dự án với 2.060m² đất ở quận 8 (TPHCM) từ Công ty CP Thuận Thành với giá 14,3 triệu USD; CapitaLand mua một dự án gồm 4.000 căn hộ thuộc phía Tây Hà Nội.
Cùng chung xu hướng này, các doanh nghiệp trong nước như Kim Oanh group cũng ký kết hợp tác với Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore); Hưng Thịnh hợp tác với Marubeni (tập đoàn đa ngành của Nhật Bản) để thực hiện dự án tại TP Thủ Đức. Hay First Real Land mua 22% cổ phần vốn điều lệ của Công ty CP thương mại dịch vụ Bạch Đằng, chủ sở hữu dự án 6.879m² đất ở TP Đà Nẵng có giá 8,2 triệu USD.
Theo ghi nhận, một lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục gia tăng tại Việt Nam. Năm 2023, tổng nguồn vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Trong đó, ngành kinh doanh BĐS vẫn trụ vững ở vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT, tháng 1-2024, tổng số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hoạt động kinh doanh BĐS được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất, với số vốn đăng ký hơn 1,24 tỷ USD, chiếm gần 62%. Đây là lần đầu tiên kinh doanh BĐS vượt qua ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thu hút nguồn vốn FDI.
Hấp dẫn thị trường Việt Nam
Đánh giá về hoạt động M&A và xu hướng hợp tác cùng doanh nghiệp nước ngoài, đơn vị nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp BĐS Việt Nam buộc phải cơ cấu lại sản phẩm lẫn danh mục đầu tư, nên có động lực và cởi mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là khi những khó khăn về tài chính của đa số chủ đầu tư chưa thể giải quyết sớm. Vì niềm tin vào môi trường đầu tư ổn định ở Việt Nam nói chung và ngành BĐS nói riêng, nhà đầu tư quốc tế đánh giá Việt Nam là địa điểm kinh doanh hấp dẫn, dân số trong độ tuổi lao động lớn, nhiều chính sách thuận lợi, tiềm năng tăng trưởng tích cực, phù hợp cho đầu tư lâu dài.
TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, cho hay, nhà đầu tư nước ngoài phải nghiên cứu, đánh giá rất kỹ chính sách, thị trường Việt Nam trước khi rót vốn. Dân số Việt Nam đã trên 100 triệu người, nhu cầu về nhà ở và văn phòng tại các đô thị rất lớn. Hiện nay, các đơn vị nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực BĐS từ Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều là những doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác đầu tư trong điều kiện dự án có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, chủ đầu tư quyết tâm trong hợp tác kinh doanh. Những chủ đầu tư được tiếp thêm dòng vốn ngoại sẽ nhanh chóng có nguồn cung mới, từ đó mang đến tín hiệu tích cực hơn cho thị trường BĐS trong năm 2024.
Trong khi đó, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield (công ty cung cấp dịch vụ BĐS toàn cầu) nhận định, hiện nay, nhà đầu tư ngoại bắt đầu chuyển vốn vào các dự án BĐS theo hình thức mua lại cổ phần. Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đến từ khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á có nhu cầu khá lớn với quy mô cho mỗi thương vụ khoảng 20-50 triệu USD. Đặc biệt, thời điểm hiện tại được đánh giá là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài có sẵn nguồn tiền để có thể bắt đầu thu gom, mua hoặc đầu tư vào các dự án đang “đuối” vốn.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, một nguồn vốn lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào thị trường BĐS Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, và nhiều giao dịch đang trong quá trình đàm phán tích cực. Nhu cầu đầu tư là dự án có quỹ đất sạch, chất lượng tốt, có giá trị thật cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển. Hơn nữa, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được ban hành quy định cụ thể về xác định tiền sử dụng đất, nguồn gốc đất để triển khai các dự án thương mại và quy hoạch các dự án mới. Từ đó, có thể rút ngắn thời gian, thủ tục pháp lý triển khai dự án và cải thiện nguồn cung cho thị trường, kỳ vọng sẽ tạo sức bật mới cho thị trường BĐS.