Căn hộ… khởi sắc
Tháng 9 vừa qua, dự án căn hộ chung cư cao tầng Masteri Centre Point trên địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM) mở bán đã thu hút khá nhiều khách hàng đặt chỗ. Chủ dự án BĐS này đưa ra các chính sách ưu đãi như liên kết ngân hàng để cho người mua nhà vay 70% giá trị căn hộ, với lãi suất 0% trong 2 năm đầu; ưu đãi trả góp trong 7 năm; người mua được nhận nhà sau 2-3 năm kể từ khi đặt cọc, kể cả khi chỉ mới thanh toán 20%-40% giá trị căn hộ. Với nhiều “thiện chí” như vậy, chỉ sau vài ngày mở bán, dự án đã có gần 2.000 người đặt chỗ mua căn hộ.
Khách hàng xem mô hình mẫu một dự án nhà ở tại TP Thủ Đức, TPHCM .Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Chị Lê Kim Dung (ngụ phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức) đang tìm kiếm một căn hộ 2 phòng ngủ cho biết, chị lập gia đình cách đây 6 năm và có con đang học mầm non. Khoảng 2 năm trước, giá nhà tại TPHCM liên tục tăng, lãi suất ngân hàng cho vay cũng cao nên vợ chồng chị chưa thể mua được nhà. Gần đây, một số chủ đầu tư mở bán căn hộ kèm nhiều chính sách ưu đãi, lãi suất vay mua nhà của nhiều ngân hàng cũng giảm dần nên vợ chồng chị quyết định lựa chọn đặt mua.
“Vợ chồng tôi lâu nay dành dụm được khoảng 1,5 tỷ đồng, đang tính mua căn hộ có giá khoảng 2,5 tỷ đồng. Tôi thấy lãi suất ngân hàng giờ đã nhẹ hơn trước nên đang cân nhắc chọn phương thức thanh toán, để mua căn hộ trước Tết Nguyên đán 2024”, chị Kim Dung chia sẻ.
Báo cáo thị trường BĐS quý 3-2023 của tập đoàn dịch vụ BĐS Savills Việt Nam cho thấy, thị trường căn hộ tại TPHCM đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể, số căn mới tăng 572% theo quý (tăng so với quý 2-2023) và 11% theo năm (tăng so với năm 2022), lên 2.528 căn. Các dự án căn hộ trên địa bàn TP Thủ Đức chiếm 74% thị phần; các nguồn cung khác bao gồm các dự án hạng B (chung cư trung cấp) và C (chung cư bình dân) tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. Trong khi nguồn cung sơ cấp (căn hộ bán lần đầu từ chủ đầu tư) tăng 32% theo quý (so với quý 2-2023) và 12% theo năm (so với năm 2022) lên 7.722 căn, phần nào giải tỏa áp lực thiếu nguồn cung. Lượng giao dịch trong quý 3 đạt 2.003 căn, tăng 561% theo quý và 102% theo năm…
Theo chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, thị trường BĐS chỉ khởi sắc khi giá nhà ở giảm, hoạt động tín dụng từ ngân hàng dễ dàng hơn; nếu thiếu một trong hai điều kiện này thì BĐS sẽ khó tan băng. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn cho các ngân hàng trong hoạt động cho vay mua nhà, để các ngân hàng tránh được các rủi ro pháp lý, bớt “rụt rè” khi cho vay. Hiện các ngân hàng muốn cho vay nhưng sợ sai quy định, gây nợ xấu và họ muốn được hướng dẫn cụ thể hơn.
Theo dõi sát thị trường BĐS thời gian qua, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án DKRA Group, cho biết, trong quý 3-2023, số liệu cho thấy thị trường BĐS tại TPHCM đã có nhiều tín hiệu tích cực, dần bước vào đà hồi phục. Tuy nhiên, để thị trường chuyển biến sang chu kỳ tiếp theo sẽ cần thêm thời gian. Những phân khúc phục vụ cho nhu cầu ở thực tế sẽ hồi phục tốt hơn những phân khúc mang tính chất đầu cơ. Đơn cử như phân khúc căn hộ có mức giá phù hợp với tài chính và nhu cầu của người dân ở trung tâm TPHCM và ven trung tâm sẽ phục hồi tốt.
Doanh nghiệp cần chủ động tái cơ cấu
Đánh giá về thị trường BĐS TPHCM ở thời điểm này, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng, thị trường BĐS đang phục hồi chậm. Nhìn tổng thể, kinh tế Việt Nam vẫn cải thiện từng tháng, từng quý, nhưng năm 2023 khó có tăng trưởng cao. Trong bối cảnh đó, ngành BĐS còn khó hơn vì liên quan thị trường tài chính, tín dụng. TS Trần Du Lịch chỉ ra 2 điểm nghẽn lớn của thị trường BĐS là thể chế và hấp thụ vốn. Trong đó, điểm nghẽn hấp thụ vốn được xem là khó khăn lớn nhất. Theo đó, từ quý 4-2022, BĐS đã khó khăn về nguồn tiền, lãi suất cao. Hiện nay, lãi suất đã kéo giảm, nhiều chính sách thể chế đang tháo gỡ, dự báo thị trường BĐS sẽ có sự tích cực từ đây đến cuối năm và qua năm 2024.
Khách hàng xem nhà mẫu tại buổi ra mắt một dự án BĐS tại phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM Ảnh: HOÀNG HÙNG |
TS Trần Du Lịch cũng nhận định, thị trường BĐS không thể đổ vỡ, nhưng để thuận lợi như trước năm 2019 thì rất khó. Thị trường có thể chuyển từ âm ít sang dương ít vào quý 4 năm nay, khởi sắc hơn từ quý 2-2024. Song, để đạt được kết quả đó, thị trường BĐS cần giải quyết vấn đề cung và cầu, vì sản phẩm đầu cơ chiếm áp đảo; còn sản phẩm cho người có nhu cầu thực thì quá ít.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân nhận xét, hoạt động kinh doanh BĐS tại TPHCM trong 9 tháng năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục cả về tỷ lệ tăng trưởng và doanh thu, nguồn cung nhà ở thương mại cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào hoạt động kinh doanh BĐS còn hạn chế, nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường. “Thành phố đã có nhiều giải pháp quyết liệt, tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, ông Trần Hoàng Quân nói.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàng Quân, các doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh BĐS cần chủ động tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, tinh giản bộ máy, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo… để tiết giảm chi phí hoạt động; tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác; tái cơ cấu sản phẩm BĐS theo nhu cầu thực của thị trường, chú trọng phát triển phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp; rà soát giá bán, thời hạn, phương thức thanh toán… phù hợp thực tế, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là đối tượng có nhu cầu thực sự.
Vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24-10-2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong công điện, Thủ tướng nhấn mạnh, phải coi đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, cần tập trung giải quyết, theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, không né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê số lượng các dự án BĐS đang triển khai trên địa bàn; phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc; chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền gửi về Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời.
Đã thỏa thuận di dời 1.019 hộ dân tại 20 chung cư cũ
Sở Xây dựng TPHCM vừa có báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Theo đó, đối với công tác cải tạo, sửa chữa và tự xây dựng mới thay thế chung cư cũ, hiện TPHCM đã thỏa thuận di dời 1.019 hộ dân tại 20 chung cư. Trong đó, đối với 16 chung cư thuộc cấp D (cấp nguy hiểm), TPHCM đã di dời được 673 hộ dân; đối với chung cư cũ (không nằm trong danh sách 16 chung cư cấp D), thành phố đã hoàn tất di dời 346 hộ dân.
Về công tác tháo dỡ, thành phố đã tháo dỡ toàn bộ 10 chung cư, gồm 4 chung cư cấp D và 6 chung cư cũ (không nằm trong danh sách 16 chung cư cấp D). Về đầu tư xây dựng chung cư mới, chưa có chung cư cấp D nào được triển khai thực hiện.
Tại Quyết định số 3837/ QĐ-UBND, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn tất việc cải tạo, sửa chữa 246 chung cư cấp B, C (66 chung cư cấp C, 180 chung cư cấp B), dự kiến kinh phí 500 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Tuy nhiên, hiện nay, do chưa được bố trí vốn nên chưa có chung cư nào được cải tạo, sửa chữa.