Sáng 6-3, UBND TPHCM tổ chức phiên họp tình hình, kết quả kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 3-2024.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dự và chỉ đạo tại phiên họp. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TPHCM, lãnh đạo các sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức.
Mở đầu phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2024, các sở ban ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức đã tập trung quyết liệt điều hành có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ đề ra, nhất là trong việc thực hiện chủ đề năm.
Trong phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, lãnh đạo các sở ban ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức báo cáo kết quả đạt được và những giải pháp trọng tâm liên quan đến việc thực hiện chủ đề năm 2024, nhất là chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Trong đó, Sở TT-TT TPHCM tập trung báo cáo nội dung chuyển đổi số. Sở KH-ĐT TPHCM tập trung báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội. "Chúng ta đề ra chủ đề năm phải bám vào chủ đề này và hàng tuần, hàng tháng phải kiểm điểm để đảm bảo việc thực hiện đạt những chỉ tiêu, chủ đề”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 103.164 tỷ đồng (đạt 21,37% dự toán năm và tăng 13,69% so cùng kỳ). Trong đó, thu nội địa hơn 87.664 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 15.500 tỷ đồng.
Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, doanh thu kinh doanh bất động sản ước tăng 20,1% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng tăng 0,6% so với tháng 1; số doanh nghiệp thành lập mới là 6.283 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới là 56.851 tỷ đồng, tăng 18,2% về số lượng và tăng 44,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng cả nước, tạo điều kiện thúc đẩy sức mua tiêu dùng nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 84.200 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 41.783 tỷ đồng. Sở dĩ doanh thu hầu hết các nhóm hàng đều giảm so với tháng trước do thói quen tiêu dùng, nhu cầu mua sắm của người dân phần lớn tập trung vào tháng cận tết (tháng 1). Lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 184.888 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,1%).
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,8 tỷ USD, lũy kế 2 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,3 USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ). Nhìn chung trong ngắn hạn, các ngành hàng còn gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD, lũy kế 2 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu đạt 8,4 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ.
Khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 33,2 triệu lượt hành khách, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2023 và đạt 6,9% so với kế hoạch năm 2024 (477,67 triệu lượt hành khách.
Tổng doanh thu du lịch tháng 2 ước đạt 15.743 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023. Các thành phần kinh tế đã thu hút và giải quyết việc làm cho 27.232 lượt người (đạt hơn 9% kế hoạch năm), trong đó tạo việc làm mới là 14.461 lượt lao động (đạt 10,3% kế hoạch năm).
Trong lãnh đạo, điều hành, các hoạt động chăm lo, đón Tết cổ truyền được tổ chức tốt, bảo đảm toàn dân được đón Tết với phương châm “Tết yên vui - đầm ấm - an toàn - tiết kiệm”.
Bên cạnh kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Đó là, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; thu hút FDI mặc dù tăng về số lượng nhưng lại giảm về quy mô vốn (giảm 47% so với cùng kỳ).
Trong 2 tháng đầu năm 2024, các thành phần kinh tế đã thu hút và giải quyết việc làm cho 27.232/300.000 lượt người (đạt 9,08% kế hoạch năm), trong đó tạo việc làm mới là 14.461/140.000 lượt lao động (đạt 10,33% kế hoạch năm). TPHCM đã tổ chức 7 phiên sàn giao dịch việc làm, tư vấn và giới thiệu việc làm cho 20.808 lượt người.