Trong khi thị trường bất động sản Việt Nam nói chung vẫn đang trầm lắng thì gần đây, Đà Nẵng lại nổi lên như một hiện tượng đặc biệt khi nhiều nhà đầu tư tìm đến giao dịch một cách khá sôi động. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, sức hút của bất động sản Đà Nẵng đến từ những yếu tố như thị trường còn non trẻ, kinh tế tăng trưởng nhanh, môi trường đầu tư thuận lợi, cảnh quan tuyệt đẹp với những bãi biển nổi tiếng, hệ thống hạ tầng cơ sở và tiện ích dịch vụ ngày càng hoàn thiện…
Sức hút từ nội tại
Có thể khẳng định, thành phố Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch. Nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc – Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; là cửa ngõ giao thông quan trọng của cả miền Trung, còn là điểm cuối trên hành lang kinh tế Đông – Tây đi qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Việt Nam. Không chỉ có vậy, Đà Nẵng còn có cơ sở hạ tầng tốt, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều khu vực khác ở Việt Nam, GDP bình quân đầu người ước đạt 33,2 triệu đồng, bằng 1,6 lần bình quân cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 12%; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng đầu Việt Nam trong hai năm liên tiếp 2008 và 2009 đồng thời đứng đầu về chỉ số hạ tầng và thứ 4 về môi trường đầu tư. Riêng về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến tháng 5-2010, Đà Nẵng đã thu hút được 2,7 tỷ USD và có đến 80% số vốn này đổ vào các dự án xây dựng khu đô thị, du lịch và các dự án căn hộ, biệt thự cao cấp… Đây chính là những nền tảng giúp Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực miền Trung, Tây Nguyên nhằm “chia lửa” cho hai đầu tàu khác là Hà Nội và TPHCM.
Nhiều năm qua, chính quyền Đà Nẵng đã nhấn mạnh sẽ phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao và công nghệ cao phù hợp với xu thế phát triển của ASEAN và châu Á. Tại cuộc hội thảo “Các ý tưởng xây dựng thành phố Đà Nẵng” vào tháng 3 vừa qua, quyết tâm này lại một lần nữa được chính quyền thành phố nêu ra để thu hút đầu tư và đẩy nhanh tốc độ phát triển các dự án từ hạ tầng giao thông cho đến các tiện ích công cộng, các khu du lịch, cầu cảng,… Riêng về du lịch, tính đến giữa năm 2010, Đà Nẵng đã có 55 dự án được cấp phép đầu tư với tổng số vốn khoảng 54.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Sun Group, VinaCapital, Indochina Capital… với các dự án như khu du lịch Bà Nà – Suối Mơ, The Sun Villas, Novotel Han River, Son Tra Intercontinental Resort & Spa… cùng với đó, số du khách đến với Đà Nẵng cũng tăng lên nhanh chóng, nếu năm 1999 chỉ đón chưa đến 500.000 lượt khách thì năm 2009 con số đó đã tăng gấp ba lần. Dự kiến đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón hơn 8 triệu lượt du khách đến thăm. Bên cạnh du lịch, công nghiệp và đào tạo cũng là những mũi nhọn phát triển kinh tế của Đà Nẵng. Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 10 khu công nghiệp đang hoạt động tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và 13 trường đại học, 19 trường cao đẳng…đào tạo nhân lực cho cả các tỉnh lân cận.
Về tiềm năng thị trường bất động sản du lịch, năm 2010, tổng số vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm là 96,41 triệu USD và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2011, số vốn FDI cấp mới là 364,68 triệu USD. Hiện vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài có 80% đầu tư vào xây dựng khu đô thị, du lịch và căn hộ biệt thự cao cấp. Đà Nẵng có một bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp như Non Nước, Mỹ Khê, Thanh Khê, Nam Ô với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Quanh khu vực bán đảo Sơn Trà có những bãi san hô lớn, thuận lợi trong việc phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ, du lịch biển. Tiềm năng bất động sản du lịch ở Đà Nẵng là rất lớn.
Bứt phá trong tương lai
Trước đây, khi nói đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, người ta thường hay nghĩ đến Hà Nội hoặc TPHCM. Tuy nhiên, theo tạp chí Financial Times thì nhà đầu tư nên chú ý đến Đà Nẵng vì đây mới là địa chỉ có môi trường đầu tư tốt nhất. Nhiều doanh nghiệp đã đón đầu xu hướng khi ngày càng nhiều các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hướng biển được triển khai xây dựng tại thành phố biển này. Các chuyên gia nhận định, so với các nơi khác, thị trường BĐS Đà Nẵng đang ở giai đoạn khởi đầu. Tuy nhiên, với lợi thế là tâm điểm của tam giác di sản văn hóa, điểm cuối và là cửa ngõ duy nhất thông ra biển Đông của trục hành lang kinh tế Đông - Tây, hệ thống kết nối giao thông thuận lợi và hạ tầng kỹ thuật đô thị khá hoàn chỉnh, một địa chỉ du lịch biển tuyệt đẹp; bên cạnh đó, chính quyền địa phương có các chính sách cởi mở trong kêu gọi đầu tư, Đà Nẵng đã và đang thu hút sự chú ý của giới BĐS trong nước và quốc tế.
Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, hơn 10 năm qua, Đà Nẵng đã làm được một việc hết sức quan trọng là quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh. Đà Nẵng là cửa ngõ hướng ra biển Đông của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền các thành phố của Thái Lan, Lào với Việt Nam. Mỗi năm có hàng vạn khách du lịch của các nước khu vực Đông Nam Á đến Đà Nẵng thông qua tuyến đường này. Cùng với việc sở hữu một bờ biển đẹp, môi trường trong lành, Đà Nẵng còn tạo dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo cho các dự án đầu tư có khả năng phát triển bền vững, lâu dài. “Chúng tôi đã di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực trung tâm đến các khu công nghiệp tập trung, thu hồi đất sử dụng không hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích để tạo quỹ đất phát triển đô thị. Hệ thống đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng… được quy hoạch và xây dựng đồng bộ. Chúng tôi có thể đảm bảo 20 năm nữa, các bạn đến Đà Nẵng, thành phố vẫn không bị tắc đường”, ông Viết nói.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã kích thích lĩnh vực bất động sản Đà Nẵng phát triển để đáp ứng nhu cầu. Dọc các tuyến đường chính như Thuận Phước, Sơn Trà – Điện Ngọc… các dự án mọc lên san sát hứa hẹn biến Đà Nẵng thành một đô thị hiện đại trong tương lai không xa. Cùng với đó, thị trường cũng trở nên sôi động với nhiều người mua kẻ bán tìm kiếm cơ hội. Theo báo cáo của CBRE, trong quí 1-2011, đã có 3.218 lô đất nền ở Đà Nẵng được chào bán trên thị trường, tăng 24% so với tổng số lượng đất nền được bán trong cả năm 2010. Giá đất nền ở nhiều khu vực tại Đà Nẵng trong quí 1-2011 đã tăng trung bình từ 5 - 10% và tính thanh khoản rất tốt. Điều này chứng tỏ sức hút của thị trường bất động sản Đà Nẵng đối với giới đầu tư. Các nhà đầu tư thứ cấp và những người có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Đà Nẵng cũng nhanh chóng vào cuộc để không bỏ lỡ thời cơ khi giá bất động sản còn ở mức phù hợp. Trong đó, có đến 80% số người mua đất nền ở Đà Nẵng là đến từ Hà Nội hoặc khu vực phía Bắc. Anh Lê Hoàng Hải, một nhà đầu tư đến từ Hà Nội, cho biết sau khi kênh đầu tư vàng, ngoại tệ bị thắt chặt, anh đã quyết định chuyển vốn đầu tư vào bất động sản tại Đà Nẵng. Chỉ sau một tháng, mảnh đất anh mua với giá 9 triệu đồng một mét vuông đã bán được 10 triệu đồng/mét vuông. “Lợi nhuận tương đối khả quan trong khi các kênh đầu tư khác đã rơi vào bế tắc nên một số bạn bè của tôi cũng đang tính chuyển vốn đầu tư vào bất động sản ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chỉ đầu tư vào phân khúc đất nền bởi tiềm năng gia tăng giá trị cao và ít rủi ro hơn”, anh Hải nói.
|
Phương Nam