Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) cho biết, trong nửa đầu năm 2018, số doanh nghiệp BĐS thành lập mới đã tăng nhanh, đồng thời số lượng dự án xếp hàng thi công và chờ cấp phép nhiều. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước vào BĐS ngày càng tăng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam và mong muốn cơ chế cởi mở, thông thoáng để đầu tư. Tại TP Hồ Chí Minh, một số dự án đã và đang hợp tác đầu tư thành công.
Theo số liệu thống kê được các tổ chức quốc tế công bố, thị trường BĐS Việt Nam thu hút gần nửa tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay và chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước trong giai đoạn này. Đây là những dấu hiệu đáng mừng cho thị trường BĐS nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, diễn biến thị trường BĐS trong thời gian gần đây đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Cơn sốt đất bùng phát ở 3 khu vực có thông tin trở thành đặc khu là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), đã lan ra nhiều tỉnh thành trên cả nước. Cho đến thời điểm này, mặc dù Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều động thái để hạ nhiệt nhưng trên thực tế, cơn sốt vẫn còn đang âm ỉ.
Nhận định về thị trường ở thời điểm này, ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng, hiện đã có 8/10 dấu hiệu cho thấy có hiện tượng bong bóng BĐS. Đó là: giao dịch tăng; giá tăng; các công trình khởi công tăng; địa bàn triển khai tăng; chủ thể tăng; quy mô dự án tăng; giá trị một dự án tăng; nguồn tiền vào các dự án BĐS tăng. Như vậy, chỉ còn 2 dấu hiệu nữa là “chạm” vào khủng hoảng như những năm 2000 - 2009. Cũng theo ông Chung, thị trường BĐS có chu kỳ cứ 10 năm lại quay vòng lại một vòng: phục hồi - tăng trưởng - suy thoái - khủng hoảng. Từ năm 2011 đến năm 2013, thị trường BĐS nằm ở đáy khủng khoảng, 2014 phục hồi, các năm 2015 - 2016 - 2017 bắt đầu tăng, còn năm 2018 thì theo chu kỳ là “không làm gì cũng tăng” và đến 2019 “thì làm gì cũng khủng hoảng”. Do đó, đây là thời điểm nhạy cảm đối với thị trường BĐS.
Thay đổi chính sách để củng cố thị trường BĐS
Tại diễn đàn, các chuyên gia đều mong muốn có những thay đổi về chính sách để củng cố lại thị trường BĐS trong thời gian tới. Trong đó, đại diện Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho biết đã kiến nghị điều chỉnh một số nội dung của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS trong dự thảo mà Chính phủ đã trình Quốc hội theo hướng sửa đổi, cắt giảm những điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư. Nhiều ý kiến của doanh nghiệp BĐS cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đưa ra chính sách phù hợp giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận quỹ đất để phát triển, giảm bớt phiền hà trong quy trình đấu giá BĐS… Bên cạnh đó, cần có giải pháp phát triển thị trường vốn, tạo nguồn vốn trung dài hạn và cân đối cấu trúc thị trường tài chính, tạo vốn mồi tại các quỹ tiết kiệm nhà ở, chương trình nhà ở xã hội... Đây là những vấn đề đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng chưa thực hiện.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 21-5 tới sẽ xem xét ban hành nhiều dự luật có liên quan trực tiếp đến thị trường BĐS, xây dựng như: dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Đơn vị hành chính đặc biệt… Những khuôn khổ pháp luật và chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng góp phần thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường BĐS trong những năm tới.