Tại diễn đàn BĐS biển 2018 được tổ chức ngày 4-8 tại Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định và hướng phát triển cho thị trường tiềm năng nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro này.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, BĐS du lịch không chỉ phát triển ở 28 tỉnh thành có biển, mà còn ở rất nhiều tỉnh thành khác không có biển. Đó không chỉ mô hình kinh doanh khách sạn, mà còn nhiều loại hình kết hợp khác, như condotel, shophouse, resort… Theo thống kê, từ 2015 đến nay, Bộ Xây dựng đã thẩm định sơ bộ 25.000 căn condotel, officetel. Chưa kể hàng chục ngàn căn do địa phương thẩm định. Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng khách du lịch quốc tế của Việt Nam với gần 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017 là động lực tốt cho thị trường BĐS biển. Thực tế, các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng gồm căn hộ và khách sạn, trừ thị trường Nha Trang, tỷ lệ tiêu thụ gần như 100%. Nha Trang có tới hơn 12.000 căn hộ nghỉ dưỡng được đưa ra thị trường trong 3 năm nên tỷ lệ hấp thụ 80% - 85%.
Mặc dù phát triển mạnh như vậy, nhưng thị trường non trẻ này đang có nhiều vấn đề bất cập. 6 tháng đầu năm 2018, giao dịch trên thị trường sụt giảm mạnh, đặc biệt là trong quý 2, giao dịch condotel rất ít. Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng cho rằng, dưới góc độ nhà quản lý, thị trường nào cũng tuân thủ theo quy luật cung cầu. Thị trường chậm lại do cần có sự thanh lọc, điều chỉnh. Tuy nhiên, việc thị trường BĐS nghỉ dưỡng nở rộ nhanh nhưng lắng xuống cũng rất nhanh là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư nên cẩn trọng.
Một trong những vấn đề làm thui chột thị trường trong thời gian gần đây là về cam kết lợi nhuận. Lợi nhuận hấp dẫn khách hàng, nhưng việc đặt cam kết lợi nhuận cao, lên tới 12 - 15% là quá khó khăn. Không phải nơi nào cũng đạt hiệu quả đặt phòng cao. Kết quả là nhiều chủ đầu tư không thực hiện được cam kết với khách hàng. Bên cạnh đó, quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi khách hàng cũng chưa rõ ràng. Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã tạo cơ chế để thu hút các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm tới động thái từ phía cơ quan quản lý. Tuy nhiên, do cơ chế chưa rõ ràng, một số địa phương đang phải tạm dừng cho đầu tư vào condotel để chờ cơ sở pháp lý.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Nhà nước đã có công cụ điều tiết về thuế, tín dụng và luật pháp, để tránh tình trạng bong bóng như những năm trước. Tới đây, cơ chế chính sách và pháp lý cho đầu tư BĐS du lịch biển sẽ rất rõ ràng. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng khuyến cáo, các nhà phát triển dự án và các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần phải có sự chuyên nghiệp hơn. Họ phải hiểu đang đầu tư vào một mô hình nào, hiệu quả ra sao. Đầu tư theo phong trào như thời gian vừa qua thì khó có thể mong đạt được kết quả tốt. Các hiệp hội, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có phân tích, đánh giá chuẩn xác để có giải pháp quản lý thị trường BĐS du lịch biển phát triển bền vững hơn.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định Bộ sẽ sớm trình các quy định để đầu tư vào BĐS du lịch rõ ràng hơn, tạo điều kiện để khai thác hết tiềm năng tăng trưởng thị trường trong dài hạn.