Ngành bảo hiểm (BH) Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn: từ tháng 1-2008 sẽ không còn rào cản phân biệt giữa DN BH trong nước và DN BH có vốn đầu tư nước ngoài. Cuộc cạnh tranh giữa các DN BH nội địa và các công ty BH nước ngoài dưới nhiều hình thức đã bắt đầu.
Từ “bắt tay” đến “lấn sân”
Tuần qua, Công ty BH ACE (phi nhân thọ) thành viên của Tập đoàn ACE (một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về BH và tái BH) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với DongA Bank. Theo đó Công ty BH ACE sẽ cung cấp những sản phẩm BH đa dạng và linh hoạt như BH tai nạn cá nhân, BH du lịch, BH quản lý rủi ro cho chính bản thân hoặc DN… qua hệ thống mạng lưới các chi nhánh trên cả nước của DongA Bank. Có thể thấy xu hướng các công ty BH “bắt tay” với NH để cung cấp các sản phẩm BH qua NH (bancassurance) đang ngày càng phổ biến.
Từ đây các công ty BH đã tận dụng được mạng lưới hoạt động rộng lớn của NH để làm kênh phân phối các sản phẩm BH, giúp các công ty BH có được một lượng khách hàng lớn từ các NH. Riêng các NH cũng muốn sử dụng các sản phẩm BH để gia tăng tiện ích, tạo ra các sản phẩm tài chính trọn gói cho khách hàng.
Không chỉ hợp tác với các NH, các công ty BH nước ngoài còn “lấn sân” sang lĩnh vực NH bằng việc nhảy vào mảng cho vay tiêu dùng - vốn là độc quyền của các NH trước nay. Thời gian gần đây, Công ty Tín dụng tiêu dùng của Prudential đã âm thầm “làm mưa làm gió” trong lĩnh vực cho vay mua nhà ở, mua ô tô và nhất là cho vay tiêu dùng.
Khách hàng không cần chứng minh năng lực tài chính, chỉ cần photocopy hộ khẩu, CMND là được công ty cho vay tín chấp 10 triệu đồng để sinh hoạt tiêu dùng. Với thủ tục nhanh gọn, giải ngân nhanh chóng, công ty không cần quảng cáo rầm rộ mà người dân đã truyền tai nhau đến vay vốn nườm nượp.
Với cách cho vay này, thoạt nhìn có thể thấy Công ty Tín dụng tiêu dùng Prudential khá liều lĩnh, nhưng thực tế đây lại là chiêu thức cạnh tranh khá chuyên nghiệp của Prudential. Theo nhận định của một chuyên gia, bỏ ra 5 tỷ đồng để cho 500 người vay vốn, nếu có bị rủi ro thì chi phí rủi ro vẫn còn quá thấp so với chi phí quảng bá thương hiệu, thêm vào đó Prudential đã có một lượng khách hàng lớn và ngày càng có nhiều người biết đến kênh tín dụng của Prudential.
Cạnh tranh khốc liệt
Năm 2007 tiếp tục ghi nhận sự thành công của các DN ngành BH với doanh thu khá lớn. Bảo Việt Nhân Thọ đạt doanh thu đến 550 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 30% so với năm 2006; Prudential dẫn đầu với 44% thị phần cả nước; Manulife có tốc độ tăng trưởng trên 55%...
Việc các công ty BH tăng mạnh doanh thu trong năm 2007 có yếu tố tác động từ sự hạ nhiệt của TTCK. Tuy nhiên, thực tế nguồn lợi nhuận chính đem lại cho các công ty BH trong thời gian qua chủ yếu là từ các hoạt động khác (đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ, gửi NH…) chứ không phải từ kinh doanh BH.
Năm 2008 được dự báo là năm cạnh tranh khốc liệt trong ngành BH khi ngành này mở cửa hoàn toàn. Các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm y tế…) lâu này là mảnh đất béo bở của các DN BH trong nước, nay sẽ phải chia thị phần cho các công ty BH nước ngoài.
Ý thức được sự cạnh tranh này, các công ty BH trong nước cũng đã tích cực đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế như BH y tế điều trị chất lượng cao, BH khả năng trả nợ, BH tín dụng, BH trách nhiệm của DN...
Đến nay đã có trên 720 sản phẩm BH phi nhân thọ và 130 sản phẩm BH nhân thọ trên thị trường. Đây là yếu tố hứa hẹn việc tăng doanh thu trong ngành BH. Tổng giám đốc một công ty BH trong nước vẫn lạc quan cho rằng mặc dù mở cửa hoàn toàn nhưng các công ty BH nước ngoài khó có thể cạnh tranh ở những sản phẩm BH bắt buộc do hạn chế về mạng lưới hoạt động.
Muốn phát triển sản phẩm mới theo tiêu chuẩn quốc tế thì thường vướng hành lang pháp lý. Vì vậy, các DN BH nước ngoài sẽ có xu hướng nhắm đến những hợp đồng BH lớn như tàu biển, hàng không… Hiện nay các DN BH trong nước cũng đã đẩy mạnh tăng vốn nhằm có điều kiện mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực tài chính khác như thành lập NH, công ty chứng khoán, công ty tài chính…
Mai Thảo