Sức hấp dẫn từ 100 triệu dân
Ngành bánh ngọt Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều tiềm năng phát triển hơn trong thời gian tới. Hiện nay, cơ hội cho ngành bánh ngọt phát triển được nhiều yếu tố hậu thuẫn, trong đó cần nói đến sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng. Khi dân số trẻ tập trung đông ở các đô thị sẽ là tiền đề cho nhiều loại hình kinh doanh phát triển. Đơn cử như mô hình cà phê kết hợp với bánh ngọt đang là xu hướng mới, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Mô hình này như mở ra thêm một kênh tiêu thụ cho ngành bánh ngọt.
Nhìn nhận về mức độ phát triển của thị trường, ông Kao Siêu Lực, Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), cho rằng thị trường bánh trong nước đang có mức tăng trưởng 20% - 30% mỗi năm và dân số đông của Việt Nam được cho là thị trường rất lớn. Vì thế, ngoài doanh nghiệp trong nước, hiện đang có nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh của các nước khu vực Đông Nam Á muốn tham gia vào thị trường Việt Nam. Bởi, họ cũng đánh giá thị trường Việt Nam đang phát triển nhanh và còn rất nhiều tiềm năng để có thể tham gia khai thác.
Thời gian qua, ngành bánh ngọt tại Việt Nam đã được biết đến là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và là phân khúc cạnh tranh mạnh mẽ nhất trong ngành hàng tiêu dùng. Song ở hiện tại, theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, mức tiêu thụ bánh tại Việt Nam vẫn ở mức thấp khi mới chỉ đạt khoảng 2kg/người/năm (thấp hơn mức 3kg/người/năm của thế giới) và 65% dân số ở nông thôn có mức tiêu thụ bánh còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Như vậy, nếu nói về dư địa phát triển, có thể thấy lĩnh vực bánh ngọt vẫn còn nhiều. Cũng bởi thị trường tiềm năng nên những năm trở lại đây đã có hàng loạt tên tuổi tham gia vào. Trong đó, doanh nghiệp trong nước phải kể tới như ABC Bakery, Givral, Brodard, Đức Phát, Sweet Home Bakery, còn thương hiệu ngoại có Tous les Jours, BreadTalk…
Cuộc đua cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ mới
Theo đánh giá của giới chuyên môn, hiện các doanh nghiệp sản xuất bánh trong nước không thua kém gì các nước trong khu vực về công nghệ và kỹ thuật. Mặc dù vậy, do có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia đã khiến thị trường cạnh tranh hơn. Để không mất thị phần, doanh nghiệp bánh vẫn đang từng ngày phải chạy đua trong công cuộc đổi mới sản phẩm, đầu tư thiết bị - công nghệ và đưa ra các mô hình dịch vụ kinh doanh mới.
Theo thống kê, hiện một vài thương hiệu bánh lâu năm đã phát triển được quy mô vài chục cửa hàng như Hỷ Lâm Môn (lịch sử 35 năm và 9 cửa hàng), Givral (37 cửa hàng), Brodard (16 cửa hàng), Tous les Jours (22 cửa hàng)... Tuy nhiên, do chi phí mặt bằng và nhân công tăng cao tại các thành phố lớn nên ngày càng đặt ra thách thức cho việc mở rộng, buộc họ phải đa dạng loại hình kinh doanh.
Theo đó, nếu trước đây các cửa hàng này chỉ đơn thuần bán bánh thì nay đã kinh doanh thêm nước uống và cà phê. Riêng với các doanh nghiệp sản xuất, ngoài việc phát triển thêm chuỗi cửa hàng đã chọn thêm giải pháp cung ứng cho các nhà hàng, chuỗi thức ăn nhanh. Như chia sẻ của ông Kao Siêu Lực, trong năm 2019, bên cạnh hệ thống 30 cửa hàng ở TPHCM, doanh nghiệp này sẽ mở rộng thêm 40 cửa hàng tại một số các tỉnh, thành phố khác. Bên cạnh đó, ACB Bakery sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp bánh cho hơn 50 thương hiệu từ các chuỗi thức ăn nhanh như KFC, Lotteria, Popeyes, Dunkin’ Donuts, Burger King; chuỗi cà phê và nước uống như kem DQ, Swensens, Starbucks, Angel-In-us coffee, The Coffee Bean & Tea Leaf; chuỗi tiện lợi như Family Mart, Shop & Go; các hệ thống nhà hàng của Golden Gate, rạp chiếu phim CGV, bán lẻ sân bay của SASCO...
Theo giới kinh doanh, xu hướng tiêu dùng hiện nay đang quan tâm tới những sản phẩm ngon và có chất lượng. Vì vậy, việc đảm bảo chất lượng thực phẩm nói riêng cũng như chất lượng bánh ngọt nói chung sẽ là một lợi thế cạnh tranh của các cửa hàng, doanh nghiệp.