Tăng trưởng ấn tượng
Theo thống kê của Công ty Savills, ngành bán lẻ Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, vào khoảng 129,6 tỷ USD trong năm 2017, tăng 10,6% so với năm 2016. Nền kinh tế Việt Nam cũng nằm trong tốp những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Vì thế, ngành bán lẻ cần có sự chuẩn bị để phản ứng phù hợp với xu hướng mới, ví dụ như tích hợp thêm nhiều giá trị giải trí, ẩm thực dành cho khách hàng bên cạnh nhu cầu thương mại, mua sắm.
Mô hình pop-up store cũng đang khá phổ biến khi phù hợp với nhiều hoàn cảnh, mục đích, từ giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu cũng như kiểm tra thị trường mới… Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến nhiều tên tuổi mới gia nhập phân khúc cửa hàng tiện lợi. Gần đây nhất là Saigon Co.op và NTUC Fair Price (Singapore) liên doanh ra mắt thương hiệu Cheers, với tham vọng phát triển 50 cửa hàng trên toàn quốc trong năm 2018.
Savills đã chứng kiến nhiều thành công lẫn thất bại của các đơn vị và bài học trong đó là tìm hiểu kỹ trước khi triển khai bất kỳ giai đoạn nào. Bước tiến hay bước lùi của các thương hiệu cũng là điều rất hiển nhiên của ngành bán lẻ, nhưng ít nhất là trong thời điểm này, thị trường Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố, như thời điểm lý tưởng cũng như sự mở rộng nhanh chóng, người tiêu dùng có thu nhập cao và sở thích mua sắm đa dạng. Nói chung, đây là thời khắc thú vị.
Ông Nicholas, Giám đốc Điều hành Savills Hồng Công, nhận định: “Ngành bán lẻ tại Việt Nam đang trải qua quá trình biến chuyển và tiến hóa mạnh mẽ. Trong quá khứ, những loại hình bán lẻ đương đại rất hiếm thấy. Còn nay hàng loạt sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường, nhiều trung tâm mua sắm mọc lên với thiết kế thời thượng, đẹp mắt. Bán lẻ đang thay đổi từng ngày và điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến hành vi tiêu dùng. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ còn có dịp chứng kiến rất nhiều mô hình bán lẻ mới với những tiện ích hiện đại, phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sáng tạo. Thêm vào đó, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đang lớn mạnh cùng sự phát triển công nghệ thông minh. Tất cả những sự thay đổi, tiến hóa này đều hướng đến người tiêu dùng. Bên cạnh sự chuyển mình của mô hình bán lẻ truyền thống, những đầu tư về công nghệ như ứng dụng (app), điện thoại thông minh, thương mại điện tử… giúp việc mua bán hàng hóa trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Sự kết hợp gần đây của nhiều nhà bán lẻ truyền thống và các sàn thương mại điện tử cũng là câu trả lời cho việc thích ứng, thay đổi nhằm hướng đến một mô hình bán lẻ phù hợp với thời đại và người tiêu dùng”.
Thay đổi để phát triển
Ông Trevorr Vivian, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Benoy, phân tích trung tâm mua sắm đang thay đổi khắp châu Á, một phần cũng bởi sự thay đổi của người tiêu dùng và thói quen của họ. Sự thay đổi của thị trường bán lẻ Việt Nam vô cùng rõ rệt, điển hình tại TPHCM và Hà Nội. Sự thay đổi đến từ việc chuyển đổi của thị trường kinh tế thời kỳ đầu, sang một nền kinh tế có thể được gọi là “tinh tế” hơn. Sự tinh tế đến từ chính bản thân ngành bán lẻ, xu hướng thiết kế, thậm chí lan sang cả ngành ẩm thực.
Ngoài hương vị tuyệt vời, đồ ăn Việt Nam cũng vô cùng đẹp mắt. Chính vì thị trường thay đổi quá nhanh, chúng ta lại cần phải nhanh chóng tìm hiểu kỹ lưỡng hơn. Đối với nhà bán lẻ nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt Nam, nếu họ không chú ý đến những tiềm năng từ thị trường cũng như sự năng động từ kết cấu dân số trẻ và đặc biệt là thói quen sử dụng điện thoại thông minh thì rất đáng tiếc. Việc am hiểu khách hàng, nhất là người tiêu dùng tại Việt Nam, vốn là điều không dễ dàng. Và vì thế, sân chơi bán lẻ ở Việt Nam không dành cho những ai chỉ chú trọng vào sự màu mỡ của một thị trường đang lên mà còn là sự kiên định, quyết đoán. Thế hệ khách hàng trẻ cũng mang yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến phần lớn thói quen và hành vi tiêu dùng. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ có nhiều cân nhắc dành cho những nhà bán lẻ nước ngoài và điều đầu tiên có lẽ là việc am hiểu sâu sắc một thị trường mới.
Ông Trevor Vivian cũng nhấn mạnh về vai trò và sự chuyển đổi của các nhà bán lẻ nội địa tại Việt Nam, họ đang từng bước hiểu rõ hơn về chính sản phẩm của mình - điều sẽ làm nên sự khác biệt đối với các thương hiệu quốc tế. Việc các thương hiệu nước ngoài tham gia vào thị trường cũng là một tín hiệu khả quan, bởi sự kết hợp này sẽ tạo nên sự thay đổi, phong phú cho môi trường bán lẻ và người tiêu dùng Việt Nam. Đừng bỏ quên nét văn hóa đặc trưng và các sản phẩm bản địa đặc sắc của Việt Nam. Đây chính là yếu tố quan trọng để định vị giá trị và niềm tự hào của ngành bán lẻ Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Bán lẻ được dự báo là ngành kinh doanh bền bỉ, ổn định, thu hút sự tham gia đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Có thể thấy, trong tương lai, các nhà bán lẻ sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, bao gồm chi phí vận hành tăng cao, thương mại điện tử phát triển nhanh và người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn… Từ đây, các nhà bán lẻ phải nâng cao các tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, đưa ra phương án bán lẻ độc đáo, đối sách cạnh tranh, chiến lược cụ thể phù hợp với người tiêu dùng, bảo đảm người tiêu dùng được trải nghiệm mua sắm toàn diện, tiện lợi, phù hợp.