Thị trường bán lẻ tăng trưởng tích cực

Sau giai đoạn trầm lắng do đại dịch Covid-19, ngành bán lẻ đã hồi phục và theo dự đoán của giới kinh doanh, trong năm 2023, ngành bán lẻ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn với mức tăng trưởng 8%-9%.
Bán lẻ có mức tăng trưởng cao dịp Tết Nguyên đán 2023
Bán lẻ có mức tăng trưởng cao dịp Tết Nguyên đán 2023

Phục hồi tích cực

Mặc dù thị trường bán lẻ vẫn đang phải chịu tác động nhất định từ khó khăn của nền kinh tế, song số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tháng 1-2023 vẫn đạt 544.800 tỷ đồng, tăng đến 20% so với cùng kỳ. Tại TPHCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết, tháng 1-2023 là tháng bán lẻ với mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 1 của TPHCM đạt gần 57.000 tỷ đồng. Đây là con số khả quan trong bối cảnh thị trường vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép lạm phát, chi tiêu của người dân sụt giảm.

Đáng chú ý, dịp cao điểm kinh doanh tết vừa qua, nhiều nhà bán lẻ ghi nhận mức doanh thu cao kỷ lục. Điển hình là Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op). Tính từ 24-11-2022 đến 21-1-2023, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đạt doanh thu 7.589 tỷ đồng, đạt 106,2% kế hoạch doanh số và tăng 9% so với Tết Nguyên đán 2022. Trong đó, doanh số ngày cao nhất đạt 243 tỷ đồng. Đặc biệt, riêng trong 8 tuần cao điểm mua sắm tết, hệ thống phân phối của Saigon Co.op đã phục vụ hơn 1.080.000 lượt khách hàng. “Kết quả này cho thấy tín hiệu tích cực của thị trường và Saigon Co.op đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 ở mức 4,5% so với năm 2022 trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; đẩy mạnh thương mại điện tử và logistics dựa vào sức mạnh cốt lõi là phân phối bán lẻ”, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết. Với doanh thu 30.888 tỷ đồng năm 2022, vượt 216 tỷ đồng so với năm 2021, đã đưa Saigon Co.op vượt qua 2 nhà bán lẻ lớn khác trên thị trường là WinCommerce (WCM) và chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh để vươn lên trở thành hệ thống bán lẻ số 1 Việt Nam.

Thực tế, sau 30 năm hoạt động, Saigon Cop.op là doanh nghiệp bán lẻ số 1 Việt Nam với 43% thị phần kênh siêu thị xét về doanh số bán hàng. Đơn vị này cũng đa dạng hình thức hoạt động với các thương hiệu Co.opmart, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers và Finelife.

Nhận định về thị trường bán lẻ trong năm nay, ông Nguyễn Anh Đức dự báo, sau thời gian chững lại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam đang trên đà hồi phục tốt với mức tăng trưởng bằng thời điểm trước dịch. Cơ sở để ngành bán lẻ phục hồi, theo ông Đức, do người dân vẫn dành ngân sách nhất định cho chi tiêu, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu. Còn theo đánh giá chung của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, năm 2023, ngành bán lẻ sẽ phát triển mạnh với doanh nghiệp bán lẻ trong nước nói riêng và nước ngoài nói chung. Đây sẽ là năm phục hồi thực sự của ngành bán lẻ sau đại dịch. Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, trong 2 năm đại dịch bùng phát, một số nhà bán lẻ phải đóng cửa bớt, chỉ giữ lại những địa điểm bán tốt. Nhưng sang năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy họ sẽ mở cửa trở lại, thậm chí tìm kiếm thêm mặt bằng mới để mở rộng hệ thống cũng như thị trường.

Chiến lược kinh doanh theo xu hướng thị trường

Dù đánh giá thị trường bán lẻ sẽ phục hồi, song ông Nguyễn Anh Đức nhận định, năm 2023 các nhà bán lẻ nói chung cần thận trọng. Tuy nhiên, trong khó khăn sẽ có cơ hội khi bán lẻ có xu hướng chuyển dịch từ hàng xa xỉ phẩm đến hàng thiết yếu hơn, từ giá trị đắt tiền đến giá trị hiệu quả hơn. Thêm vào đó, bán lẻ có sự chuyển dịch lớn trong cơ cấu ngành hàng của doanh nghiệp, chẳng hạn như mặt hàng phi thực phẩm sẽ giảm. Đặc biệt, doanh nghiệp bán lẻ phải cân nhắc hơn trong việc phát triển số lượng, thay vào đó tập trung vào chất lượng; đồng thời chuẩn bị cho chuyển đổi số, số hóa để tạo nền tảng phát triển bền vững hơn. Bên cạnh đó, công tác hậu cần cũng được chú trọng. Cuối cùng là xu hướng online hóa, thương mại hóa, điện tử hóa và doanh nghiệp bán lẻ truyền thống sẽ chuyển đổi qua bán lẻ online nhiều hơn.

Với những thay đổi trên, các chuyên gia cho rằng, duy trì doanh thu bán hàng sẽ là mục tiêu trọng tâm của các nhà bán lẻ. Cụ thể, nhà bán lẻ cần tung nhiều chương trình giảm giá và tiếp thị để đối phó với lạm phát; thay đổi mạnh mẽ chiến lược kinh doanh và thận trọng hơn trong việc triển khai mở mới cửa hàng cũng như phân khúc kinh doanh mới. Trên thực tế, việc thay đổi chiến lược kinh doanh đã và đang được doanh nghiệp bán lẻ áp dụng từ trước. Theo đó, với hình thức giảm giá, tất cả nhà bán lẻ cả nội địa lẫn nước ngoài như Saigon Co.op, MM Mega Market, Emart… đều hợp tác khá chặt chẽ với nhà cung cấp và liên tục có những đợt khuyến mãi lớn. Chẳng hạn như ngay sau Tết Nguyên đán 2023, Saigon Co.op đã thực hiện đợt khuyến mãi đầu năm, tập trung vào ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu với mong muốn kích cầu.

Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 tổ chức mới đây, Bộ Công thương đã đưa ra mục tiêu năm 2023 phấn đấu tăng trưởng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8-9%. Để đạt mục tiêu, các giải pháp chính được bộ này thực hiện gồm: đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục