Chính sách đúng hướng
Theo nhận định từ Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, bức tranh kinh tế của Việt Nam có nhiều khởi sắc. Điểm sáng đáng ghi nhận là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tiếp tăng trưởng qua các tháng, tạo đà cho sản xuất của DN phục hồi phát triển.
Thực tế, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt trên 4,148 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, TP Cần Thơ, Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội… có sự tăng trưởng rõ rệt trong tháng 8, cho thấy chính sách về kích cầu được các địa phương này triển khai đã và đang có hiệu quả.
Dự báo về thị trường bán lẻ cuối năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường tiếp tục là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với tổng ngân sách quốc nội (GDP) của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70%. Cụ thể, theo nghiên cứu của Công ty cung cấp dịch vụ KPMG Việt Nam, dự báo từ 2020 đến 2030, Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 5,5%, thuộc top quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, theo nhiều khảo sát được các công ty nghiên cứu thị trường đưa ra thì ở Việt Nam, trung bình 100.000 dân sẽ cần 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị trung bình, 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Đây là những yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để các DN phân phối có thể mở rộng thị phần và có nhiều dư địa phát triển. “Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, tốc độ phục hồi tích cực của ngành du lịch và sự ra đời liên tục của các thương hiệu mới đã mang đến một bức tranh bán lẻ hiện đại, năng động và nhiều tiềm năm. Các trung tâm thương mại từ đó cũng trở thành điểm đến vui chơi, giải trí hấp dẫn người tiêu dùng”, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cao cấp cho thuê bán lẻ Công ty Savills TPHCM, nhận xét.
Bán lẻ nội chớp thời cơ
Nắm bắt thời cơ, các nhà bán lẻ Việt mà điển hình là Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) gần đây đã liên tục đưa vào hoạt động nhiều điểm bán mới. Theo đó, vừa mở mới 6 cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smile trong tháng 7-2024, đầu tháng 9, Saigon Co.op tiếp tục mở thêm 1 siêu thị mini mới ở TPHCM. Theo Saigon Co.op, siêu thị mini mới này là Co.opmart đường Phạm Thế Hiển, được đặt tại chung cư Green River trên địa bàn quận 8.
Gọi là siêu thị mini nhưng Co.opmart này có diện tích gần 2.500 m2 với tổng vốn đầu tư, trang thiết bị và hàng hóa gần 40 tỷ đồng, kinh doanh 20.000 mặt hàng nhu yếu phẩm như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, thực phẩm khô, hóa mỹ phẩm, thời trang may mặc, gia dụng, đồ chơi trẻ em…
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, đây cũng là siêu thị Co.opmart đầu tiên được Saigon Co.op phát triển theo mô hình mới tinh gọn về diện tích lẫn ngành hàng kinh doanh, mang lại trải nghiệm mua sắm thuận tiện, thân thiện cho người dân. Siêu thị này không chỉ bán đá viên, bình nước uống (loại 19 lít) và giao tận nhà cho khách mà còn mở cửa rất sớm (từ 6 giờ) để phục vụ bữa ăn sáng cho học sinh, sinh viên, nhân viên công sở… Ngoài ra, cùng với hệ thống Co.opmart trên cả nước, Co.opmart đường Phạm Thế Hiển là điểm phân phối hàng bình ổn giá, hàng Việt Nam chất lượng cao, giúp người dân có thêm nơi tham quan và mua sắm hàng hóa phong phú, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng khẳng định, với mô hình này, Saigon Co.op đặt tiêu chí tiện ích, tiện lợi lên hàng đầu, tập trung vào nhóm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm với tỷ trọng 95%. Đặc biệt, việc khai trương Co.opmart đường Phạm Thế Hiển đã nối dài chuỗi Co.op những tháng cuối năm 2024 gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Finelife nhằm phủ kín các phân khúc của thị trường bán lẻ nội địa.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc gia tăng điểm bán, đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ cho thấy DN bán lẻ Việt đã chuyển dịch sang các mô hình nhỏ, phù hợp khu dân cư để tiếp cận thị trường. DN bán lẻ đang phải cạnh tranh gay gắt để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại các kênh hiện đại. Ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, những mô hình mang đến tiện lợi cao hơn cho khách hàng có sự tăng trưởng, có sản phẩm tăng rất cao, đặc biệt là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Đây là cơ hội không chỉ cho các DN bán lẻ mà còn với DN sản xuất, DN cung ứng sản phẩm. Cũng là điều dễ hiểu khi nhà bán lẻ thuần Việt là Saigon Co.op đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, tối ưu hóa các kênh phân phối theo hướng tinh gọn hơn để phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng.