Ngày 11-12 tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức tọa đàm đánh giá sự phát triển của quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA).
Tại cuộc tọa đàm, bà Nguyễn Sơn Trà, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) nhấn mạnh, UKVFTA đã tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển thương mại giữa 2 nước. Các cam kết về thuế quan trong hiệp định này đã thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, đưa Vương quốc Anh trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu. Trong những năm qua, tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giữa 2 nước luôn duy trì ở mức cao, khẳng định hiệu quả rõ rệt của UKVFTA đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Nguyễn Sơn Trà cũng cho biết, UKVFTA không chỉ là một FTA thế hệ mới, mà còn bao gồm những cam kết về phát triển bền vững thông qua các quy định về lao động, môi trường và phát triển xanh. Chính sự bao trùm của những cam kết này đã tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập vào thị trường Anh.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Anh, chia sẻ, thương mại và phát triển bền vững đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, yêu cầu đối với các sản phẩm xanh, ít phát thải và sản xuất sạch đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường Anh.
Mặc dù việc chuyển đổi mô hình sản xuất có thể tạo thêm chi phí cho các doanh nghiệp, nhưng đây là cơ hội lớn, nhất là với các doanh nghiệp có lợi thế về sản phẩm xanh, vì thị trường Anh luôn sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm này.
Theo TS Lê Huy Huấn, Điều phối viên Chương trình Tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu toàn cầu Việt Nam (CCG), chính sách thương mại xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quyết định trong nền kinh tế toàn cầu.
TS Huấn nhấn mạnh, Việt Nam đã chủ động xây dựng các chiến lược để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các yêu cầu về sản phẩm xanh của thị trường quốc tế. Các chiến lược như tăng trưởng xanh, thị trường carbon và các quy định về kinh tế tuần hoàn là những bước đi quan trọng giúp Việt Nam chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi này.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia cũng làm rõ, mặc dù chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh có thể tạo ra áp lực về chi phí trong ngắn hạn, nhưng đó là con đường dài hạn mà các doanh nghiệp cần phải đi để duy trì lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức rõ về xu hướng phát triển bền vững và nhanh chóng thích ứng để nắm bắt cơ hội từ thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Anh.
Ông Nguyễn Cảnh Cường bổ sung thêm, thị trường Anh đang ngày càng thể hiện rõ xu hướng tiêu dùng bền vững, trở thành một trong yếu tố quan trọng mà chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng dân cư ở Anh coi trọng. Tại Anh, người tiêu dùng và các nhà phân phối đã trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững như bảo vệ môi trường và đảm bảo chuỗi cung ứng minh bạch.
Các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chẳng hạn như thực phẩm hữu cơ, thời trang bền vững, bao bì tái chế… ngày càng được ưu tiên tiêu dùng hơn so với các sản phẩm truyền thống mặc dù giá thành thường cao hơn.
Theo ông Cường, sự quan tâm đối với các sản phẩm phát triển bền vững ở thị trường Anh cũng được thể hiện qua các tiêu chuẩn nhập khẩu cao. Đây là một yếu tố rất quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi xuất khẩu vào Anh. Trong quá trình làm việc tại London, ông nhận thấy thị trường Anh yêu cầu các sản phẩm phải đạt những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đặc biệt là các quy định chống biến đổi khí hậu.
Ông cũng nhấn mạnh, những quy định này đã được chuyển hóa thành chính sách thương mại của Vương quốc Anh và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thâm nhập của các sản phẩm từ nước ngoài, bao gồm Việt Nam.
Ông Cường cũng chia sẻ, mặc dù có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải đối mặt với yêu cầu cao về tiêu chuẩn xanh và công nghệ sản xuất sạch, nhưng các doanh nghiệp tiên phong sẽ tạo ra sự lan tỏa, giúp các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Những doanh nghiệp dẫn đầu trong áp dụng công nghệ xanh có thể nâng cao giá trị sản phẩm của mình, giúp các sản phẩm Việt Nam nhận được tín nhiệm từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh.
Theo ông, chi phí sản xuất có thể tăng lên, nhưng giá bán có thể cao hơn tới 20% so với mức giá trung bình. Điều này chứng tỏ phát triển bền vững có thể mang lại lợi nhuận cao và giúp các doanh nghiệp duy trì sự cạnh tranh trong dài hạn.
Cùng với đó, nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Anh nêu 3 lưu ý quan trọng dành cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường Anh. Thứ nhất, xây dựng thương hiệu xanh là yếu tố không thể thiếu để tiếp cận thị trường này. Việc sở hữu các chứng chỉ quốc tế về sản phẩm xanh sẽ giúp tăng tính cạnh tranh, trong khi chứng chỉ của Việt Nam chỉ có giá trị trong nước.
Thứ hai, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ xanh, dù đây là thử thách lớn nhưng là xu hướng bắt buộc trong bối cảnh hiện nay.
Cuối cùng, các doanh nghiệp phải hiểu rõ thị hiếu tiêu dùng của người Anh, từ đó điều chỉnh sản phẩm và chiến lược marketing phù hợp, đặc biệt là cung cấp thông tin về sản phẩm một cách minh bạch và rõ ràng trên các nền tảng trực tuyến, nhằm tạo niềm tin với đối tác và người tiêu dùng Anh.