Theo Bộ Công thương, dịch Covid-19 kéo dài đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng tại thị trường này. Theo xu hướng này thì ngành chế biến lương thực thực phẩm, nông thủy hải sản Việt Nam đang có lợi thế rất lớn.
Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, cho biết, doanh nghiệp Việt đã xâm nhập bền vững vào những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã đáp ứng tốt các rào cản tiêu chuẩn kỹ thuật tại những thị trường này thì sẽ không gặp khó ở thị trường Á - Âu. Hiện hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này không chỉ có ưu thế được người tiêu dùng ưa chuộng mà còn hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Vấn đề là các doanh nghiệp cần thúc đẩy nhanh chuyển đổi quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng hàng hóa, minh bạch thông tin, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, trách nhiệm xã hội và quan trọng nhất là kiểm soát gian lận thương mại. Thị trường Á - Âu rất tiềm năng với quy mô dân số hơn 400 triệu người, trong đó cộng đồng người Việt chiếm rất lớn.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Á - Âu đạt 10,4 tỷ USD (tăng 20,78%). Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD (tăng 6,43%).