Lấy ý kiến rộng rãi
Ngày 14-9, trao đổi với PV Báo SGGP, PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang trong quá trình hoàn thiện. Thời điểm hiện tại, Cục Quản lý chất lượng đang tiến hành phân tích, thống kê kết quả ý kiến của 63 tỉnh, thành để trong tuần sau báo cáo lãnh đạo Bộ GD-ĐT trước khi trình Thường trực Chính phủ xem xét, thống nhất phương án phù hợp nhất và công bố cả nước.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Sau khi nhận được nhiều đề xuất về phương án thi tốt nghiệp THPT, bộ tiếp tục gửi công văn đề nghị 63 tỉnh, thành lấy ý kiến cán bộ, giảng viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy để tìm ra phương án tốt nhất. Trong quá trình lấy ý kiến, Bộ GD-ĐT đề nghị các tỉnh, thành phải làm rõ phương án nào tốt, nguyên do vì sao, có tác động thế nào với địa phương chứ không lấy ý kiến và đề xuất theo kiểu chung chung.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn tổ chức thi theo môn, trong đó có các môn thi bắt buộc và môn lựa chọn trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Tuy nhiên, số lượng môn thi vẫn chưa được chốt. Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương án.
Phương án 1, học sinh thi 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn học ở cấp THPT.
Phương án 2, học sinh thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn, bao gồm cả Lịch sử.
Như vậy, điểm khác biệt duy nhất giữa 2 phương án nói trên là đưa Lịch sử thành môn thi bắt buộc hoặc môn tự chọn đối với học sinh. Nếu lựa chọn phương án 2, môn Lịch sử sẽ hoàn toàn “vắng bóng” tại kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với các thí sinh không chọn môn này trong tổ hợp các môn lựa chọn ở cấp THPT.
Băn khoăn Lịch sử là môn thi bắt buộc
Tuần qua, trên nhiều diễn đàn học sinh, chủ đề về số môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được bàn luận, thu hút hàng ngàn ý kiến. Không chỉ học sinh đang theo học các tổ hợp Khoa học tự nhiên chọn phương án 3 môn thi bắt buộc (không bao gồm môn Lịch sử), mà nhiều học sinh trường chuyên, lớp chuyên Lịch sử cũng cho rằng nên đưa Lịch sử vào nhóm môn tự chọn phục vụ mục tiêu xét tuyển đại học của những học sinh có nhu cầu.
Em Trần Lâm, học sinh lớp 11D2 một trường THPT ở Hà Đông, TP Hà Nội - lứa học sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025, cho biết, môn Lịch sử rất quan trọng nhưng em mong không phải môn thi bắt buộc mà chỉ là môn tự chọn, vì không phải bạn nào cũng sử dụng kết quả môn này vào tổ hợp xét tuyển đại học.
Cùng quan điểm, Nguyễn Thanh Thảo, học sinh lớp 10, Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TPHCM) bày tỏ, Lịch sử là một trong 8 môn học bắt buộc của chương trình chính khóa ở cấp THPT nên học sinh đã được cung cấp lượng kiến thức nhất định về môn học.
“Dù đưa Lịch sử vào môn thi bắt buộc hay tự chọn thì chúng em chỉ cần kết quả thi vừa đủ điểm để được công nhận tốt nghiệp, còn lại vẫn tập trung vào các môn xét tuyển đại học nên việc có 3 hay 4 môn thi bắt buộc sẽ tạo thêm nhiều áp lực cho học sinh”, Thanh Thảo cho biết.
Ở góc độ giáo viên, thầy Nguyễn Ngọc Hưng, Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM) nêu ý kiến, cần đưa Lịch sử vào các môn thi bắt buộc, trở thành một trong các điều kiện để học sinh xét tuyển các khối ngành khác. Trong đó, đề thi ra theo hướng nhẹ nhàng, không đánh đố, giúp thế hệ trẻ nhận thức rõ trách nhiệm đối với việc bảo vệ quê hương, đất nước, sự tồn vong của dân tộc, nhất là trong bối cảnh quan hệ quốc tế đảo chiều, đa dạng và phức tạp như hiện nay.
Tương tự, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) ủng hộ phương án Lịch sử là môn thi bắt buộc cùng với Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Tuy nhiên, giáo viên này cho rằng Bộ GD-ĐT cần công khai kết quả khảo sát ý kiến một cách minh bạch để khi chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT sẽ hạn chế sự phản ứng từ dư luận.