Nhiều nhất 20 nguyện vọng
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), thầy Nguyễn Sĩ Trung, Tổ trưởng Tổ quản trị thông tin, cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, thí sinh đăng ký nhiều nhất là 20 nguyện vọng, thấp nhất là 1 nguyện vọng. Bình quân toàn trường, mỗi học sinh đăng ký 10 nguyện vọng. Trên tổng số 639 hồ sơ đăng ký, có hơn 90 hồ sơ chọn tổ hợp khoa học xã hội (KHXH), còn lại là tổ hợp KHTN.
Thầy Trung thông tin, do học sinh đã được định hướng và phân ban ngay từ đầu năm học nên đa số đăng ký tổ hợp dự thi theo phân ban lớp, tuy nhiên vẫn có số ít trường hợp giờ cuối chuyển từ tổ hợp KHTN sang KHXH để chắc suất vào đại học.
Em Ngô Chí Tâm, học sinh lớp 12A11, Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết, điểm trung bình học kỳ 1 của em là 8,5 nên em tự tin đăng ký 5 nguyện vọng vào các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM).
Tuy nhiên, Chí Tâm cũng cho biết đăng ký nguyện vọng chỉ mang tính tạm thời. Em sẽ chờ kết quả thi tốt nghiệp cũng như phổ điểm thi do Bộ GD-ĐT công bố để điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký.
Tương tự, tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), 100% học sinh khối 12 nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trong đó 222 em chọn tổ hợp KHTN (tỷ lệ 72,3%) và 85 em đăng ký tổ hợp KHXH (tỷ lệ 27,7%).
Thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, tổng nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của toàn trường là 1.449, bình quân 4,7 nguyện vọng/học sinh.
Riêng đối với Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, năm học 2020-2021, trường có 15 lớp 12 với tổng số 618 học sinh. Năm nay, tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp KHTN là 417 em (67,5%), KHXH là 201 em (32,5%). So với năm học 2019-2020, học sinh chọn tổ hợp KHXH tăng khoảng 5%.
Thầy Phạm Phương Bình lý giải, một số học sinh đã chọn phương thức xét tuyển học bạ và bài thi đánh giá năng lực nên chọn tổ hợp KHXH để xét tốt nghiệp chứ không sử dụng kết quả các môn thi xét tuyển đại học. Từ đầu năm học đến nay, số lượng học sinh thay đổi tổ hợp môn thi không nhiều, do các em đã được phân ban và định hướng từ năm lớp 10.
Để tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12, nhà trường không phân lớp theo tổ hợp môn thi tốt nghiệp mà phân ban theo khối xét tuyển đại học, vì vậy việc chọn ban thi sẽ sát với thực tế tuyển sinh hơn, ít học sinh thay đổi tổ hợp đăng ký.
Trung bình mỗi học sinh đăng ký 3 nguyện vọng (giảm 2 nguyện vọng so với năm học 2019-2020), một số ít chọn 1 nguyện vọng và chỉ khoảng 2% chọn nhiều hơn 5 nguyện vọng. Toàn trường có một trường hợp chọn 9 nguyện vọng vào cùng một ngành kinh tế của nhiều trường đại học.
Bố trí phòng thi riêng cho thí sinh thuộc diện F1, F2, F3
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), năm nay sai sót chủ yếu trong hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh là mã trường, mã tổ hợp, mã ngành. Nguyên nhân là do nhiều trường đại học thay đổi quy định về mã tổ hợp, trước đây ghi D01, D02… thì năm nay chỉ ghi tổ hợp 1, tổ hợp 2, nên học sinh phải dò lại danh sách môn thi trong từng tổ hợp. Chưa kể, nhiều học sinh nhầm lẫn mã truờng, mã ngành cũ của kỳ tuyển sinh các năm trước dẫn đến sai sót trong hồ sơ đăng ký.
Đánh giá về tình hình đăng ký nguyện vọng, thầy Phạm Phương Bình cho biết, năm học 2021-2022, nhiều trường đại học đổi mới tuyển sinh bằng cách xét tuyển trực tuyến. Học sinh có thể điền thông tin và nộp đơn xét tuyển qua mạng nên việc nộp hồ sơ dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, năm nay thông tin tuyển sinh được nhiều trường đại học công khai từ khá sớm, học sinh có kết quả học tập tốt trong năm học hoặc đạt các giải thưởng quốc gia, quốc tế có thể tự tin với cơ hội trúng tuyển, do đó các em khá an tâm với cơ hội xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp.
Đặc biệt, năm nay Bộ GD-ĐT cho phép học sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần (những năm trước chỉ một lần duy nhất) sau khi thi tốt nghiệp cũng là một trong các yếu tố giúp học sinh thoải mái và tự tin hơn với việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Liên quan đến việc đã có thí sinh là học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT trở thành đối tượng F0, F1, F2 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chỉ diễn ra tại các địa phương không thực hiện giãn cách xã hội.
Ngoài ra, tại tất cả điểm thi đều bố trí phòng thi riêng cho thí sinh thuộc diện F1, F2, F3 và có phương án phòng chống dịch phù hợp. Riêng đối với trường hợp thí sinh được xác định là ca F0 được tính là trường hợp đặc biệt, sẽ do giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, thành phố xem xét đặc cách tốt nghiệp THPT.