Thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Nghiêm túc, đồng bộ nhưng không nên làm quá lên

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định liên quan đến công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý, các đơn vị địa phương cần phải thực hiện đồng bộ, nghiêm túc kỳ thi nhưng không nên làm quá lên, tạo ra áp lực nặng nề cho phụ huynh, học sinh và xã hội...

Ngày 22-6, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã dẫn đầu đoàn công tác của bộ có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định liên quan đến công tác chỉ đạo và chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh Bình Định

Tại buổi làm việc, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định đã báo cáo về công tác phối hợp, chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại địa phương. Theo đó, năm nay toàn tỉnh Bình Định có 17.918 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 42 điểm thi, với 1.968 cán bộ coi thi và giám sát…

Theo ông Tuấn, do năm nay kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra hơi muộn hơn mọi năm, điều kiện nắng nóng ở khu vực Nam Trung bộ và cả miền Trung có thể sẽ tác động, ảnh hưởng đến sức khỏe của thí sinh và những người làm công tác thi cử. Bên cạnh đó, một số địa bàn khó khăn ở miền núi, vùng ven biển có thể sẽ bị thiếu nước trong kỳ thi.

Qua đó, ông Tuấn đề xuất lực lượng Công an tỉnh, Bô đội Biên phòng tỉnh cần lên phương án sẵn sàng lực lượng, phương tiện để hỗ trợ kỳ thi được thực hiện tốt, an toàn. Ngoài ra, phía các công ty điện lực cần phải có phương án sẵn sàng không để xảy ra tình trạng thiếu điện, mất điện trong kỳ thi. Các bên cần hỗ trợ đảm bảo trong kỳ thi không xảy ra tình trạng chèn ép giá các dịch vụ…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Ông Trần Huy Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm nên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra muộn hơn cũng gây nhiều khó khăn cho việc tổ chức kỳ thi. Để đảm bảo kỳ thi diễn ra thuận lợi, an toàn, đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng Công an tỉnh sẽ bố trí tuần tra liên tục cả ngày lẫn đêm 24/24 giờ khép kín ở trước, trong và sau kỳ thi.

“Ở 42 điểm thi tại Bình Định, chúng tôi sẽ bố trí ít nhất 3 cán bộ tại 1 điểm thi. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cử 2 đoàn công tác thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công khai…”, ông Giáp nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, lần lượt các đại diện của đoàn công tác Bộ GD-ĐT đã đặt ra nhiều vấn đề mới trong kỳ thi năm nay để hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt. Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8-2020. Qua đó, bộ sẽ tập trung gần như toàn bộ trách nhiệm tổ chức thi cho các địa phương nên công tác tập huấn, chuẩn bị sơm trước kỳ thi là rất cần thiết.

Đại diện thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cả nước có 2.000 điểm thi trên 63 tỉnh, thành phố. Riêng tại tỉnh Bình Định, Bộ GD-ĐT sẽ cử 120 cán bộ, giảng viên đại học đến 42 điểm thi để thực hiện các công tác thi tuyển…

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT giao gần như toàn bộ trách nhiệm cho các địa phương thực hiện tất cả các khâu. “Đây là trách nhiệm hết sức nặng nề, nếu để xảy ra vấn đề gì thì trước mắt Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước tiên”, ông Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Theo ông Dũng, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, công tác chuẩn bị, lựa chọn cán bộ tham gia từ ban chỉ đạo đến các ban thực hiện kỳ thi rất qua trọng. Trong đó, việc rà soát và lựa chọn cán bộ có phẩm chất, đạo đức, uy tín và nghiệp vụ… cần phải được thực hiện đảm bảo để thanh lọc những người không có năng lực.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ GD-ĐT ngoài thực hiện tập huấn cho đội ngũ tham gia coi thi, chấm thi cần phải tập huấn cho đội ngũ thanh tra vì đây là đơn vị có vai trò rất quan trọng trong kỳ thi.

“Bộ GD-ĐT nên có cẩm nang hướng dẫn cụ thể cho những người tham gia vào kỳ thi kể cả cán bộ, coi thi, chấm thi, thanh tra… để họ làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình…”, ông Dũng đề nghị thêm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu, chỉ đạo tại buổi làm việc

Cuối cùng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, song song với các nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc, toàn diện trong kỳ thi, các địa phương cũng không làm quá lên gây áp lực cho phụ huynh học sinh và xã hội. Cần phải thực hiện nghiêm túc, chu đáo, an toàn nhưng linh hoạt và mềm dẽo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trong quá trình triển khai kỳ thi tới đây cần đẩy mạnh cấp độ báo cáo, cấp độ thường xuyên, cấp độ định kỳ… Đặc biệt, các đơn vị và địa phương cũng cần phải dự liệu các yếu tố của thời tiết, hạn hán, mưa lũ để kịp thời ứng phó và phòng chống tốt đảm bảo kỳ thi kết thúc an toàn…

Tin cùng chuyên mục