Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021; tổng kết năm học 2020-2021 cho các cấp học và chuẩn bị cho năm học mới, bảo đảm an toàn, phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19; phối hợp với Bộ LĐTB-XH, Bộ VH-TT-DL, các địa phương chuẩn bị hoạt động hè cho học sinh, sinh viên trong điều kiện phòng, chống dịch.
Theo Bộ GD-ĐT, bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các địa phương và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để có các giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2020-2021, trong đó có kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Cụ thể, theo GS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ GD-ĐT đã xây dựng các kịch bản khả thi, chủ động để tổ chức kỳ thi. Quan điểm chung là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là trong việc phòng chống dịch Covid-19. Nguyên tắc là sẽ tổ chức kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội); tiến hành các biện pháp khử khuẩn, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tại các điểm thi. Các điểm thi, khu vực thi sẽ bố trí phòng thi cho các thí sinh diện F1, F2, F3 với các phương án phòng chống dịch phù hợp với các thí sinh diện này.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để tổ chức thêm các đợt thi trong trường hợp bất khả kháng. Để thực hiện phương án này, Bộ GD-ĐT đã chủ động, đặc biệt trong khâu chuẩn bị ngân hàng câu hỏi đáp ứng số lượng, chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nhiều đợt.
“Có kinh nghiệm từ năm trước nên bộ cùng các địa phương chủ động các phương án để tổ chức kỳ thi trong điều kiện dịch Covid-19. Kỳ thi sẽ được thực hiện với giải pháp tốt nhất; theo quan điểm an toàn, nghiêm túc, bảo đảm được quyền lợi của thí sinh kể cả trong việc thi cũng như trong việc xét tuyển đại học-cao đẳng”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Hiện nhiều học sinh khối lớp 12 khá lo lắng khi việc học, ôn tập trực tuyến khó bảo đảm chất lượng được như học trên lớp. Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh trấn an Bộ GD-ĐT hiểu về điều này và đã có tính toán trong việc xây dựng đề thi. “Đề tham khảo Bộ GD&ĐT đã công bố thể hiện rất rõ tinh thần: Nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông và chủ yếu là ở lớp 12; những nội dung nào đã tinh giản thì sẽ không được đưa vào đề thi. Đề nghị các địa phương, thầy cô giáo, các em học sinh bám sát đề thi tham khảo để có định hướng ôn tập”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Đề thi sẽ gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản; đồng thời, cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của thí sinh (nhất là đối với vùng điểm cao như điểm 9, điểm 10). Các câu hỏi trong đề thi sẽ được sắp xếp độ khó tăng dần để hỗ trợ thí sinh trong quá trình làm bài.
Bộ GD-ĐT khuyến nghị các em học sinh hãy tập trung tốt nhất điều kiện và sử dụng tốt nhất các phương thức học tập linh hoạt khác nhau để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tới đây.
Năm 2021 này, Bộ GD-ĐT tiếp tục đối sánh kết quả học tập lớp 12 và kết quả thi tại các địa phương và sẽ có chế tài cần thiết, phù hợp để tiến tới việc bảo đảm chất lượng thực. Do đó, các sở GD-ĐT phải chỉ đạo các nhà trường tiến hành kiểm tra, đánh giá học sinh một cách khách quan, nghiêm túc; đặc biệt không được để xảy ra những tiêu cực, ví dụ như nâng điểm cho học sinh.